Video: Ngôi miếu hơn 300 năm tuổi ở Thái Bình 'lột xác' sau lần đại trùng tu
Miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình) là ngôi miếu cổ hơn 300 năm tuổi, thờ vua Lý Nam Đế và hoàng hậu Đỗ Thị Khương. Miếu Hai Thôn được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1986.
Miếu Hai Thôn nằm trên một gò đất cao, rộng 4.500m2. Miếu được xây dựng theo dạng thức chữ nhị, 2 tòa, 8 gian, xung quanh vườn trồng nhãn. Vườn nhãn ấy nay thành vườn cổ thụ tươi tốt. Theo Ngọc phả của di tích, miếu Hai Thôn nằm trên nền đất tư dinh cũ của bà Đỗ Thị Khương (vợ vua Lý Nam Đế).
Năm Kỷ Tỵ 1689, dân làng xây lại 2 tòa kiến trúc lớn (kiểu chữ nhị). Sang đời Thành Thái (nhà Nguyễn), dân làng xây thêm một tòa 7 gian, đổi sân miếu thành vườn hoa. Sau “cải tiến vi hậu” tòa tiền Tế thành hậu cung, tòa 7 gian làm thêm thành bái đường, chuyển từ kiến trúc chữ nhị thành kiến trúc chữ tam mở thêm sân lớn xây dựng tấc môn tường hoa trụ biểu tả môn, hữu môn như hiện trạng di tích ngày nay.
Đặc biệt, trong hậu cung nơi thờ Đức vua Lý Nam Đế và hoàng Hậu Đỗ Thị Khương có một bức tranh tái bản từ bức tranh cổ trước đó. Đây là một trong những bức tranh sơn mài thế kỷ XIX lớn và đẹp ở tỉnh Thái Bình. Tranh rộng 0,9m, dài 2m, vóc bằng gỗ sơn mài, nét vẽ bằng sơn ta, dùng 4 màu chủ đạo: vàng, đỏ, xám đen, xanh. Đề tài thể hiện vua Lý Nam Đế và hoàng hậu Đỗ Thị Khương giống như các tranh thờ có cùng niên đại.
Thông tin với PV VTC News, ông Đỗ Văn Mạnh - Công chức văn hóa xã Xuân Hòa, Phó ban thường trực Ban quản lý di tích Miếu Hai Thôn cho biết, sau 5 tháng thi công trùng tu, tôn tạo 6 hạng mục công trình, đến nay Miếu Hai Thôn đã có diện mạo mới theo đúng hồ sơ dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là hệ mái của ngôi miếu.
Hệ mái ngói thay lại 90% ngói mới của 2 tòa tiền tế và trung tế. Ngói mới được làm giống nguyên mẫu ngói cũ tại di tích từ thời Lê. Hậu cung được lợp bằng ngói cũ thời Lê.
Toàn bộ hoành rui cung tiền tế và trung tế được thay mới bằng gỗ lim. Rui của hậu cung cũng được thay lại toàn bộ bằng gỗ lim.
Nền của 3 cung tiền tế, trung tế và hậu cung, toàn bộ sân trước cung tiền tế và sân trước cửa nghi môn được thay bằng gạch Bát Tràng mới, kích thước 30 x 30cm.
Trước thềm của 3 cung được bó lại bằng đá xanh, kết nối 3 cung ra vào và tạo thành hệ thống thoát nước mưa từ mái chảy xuống được thu gom vào hồ tích thủy phía sau bên phải ngôi miếu.
Một số mảng chạm khắc hoa văn, linh vật đỡ mái từ thời Lê vẫn được giữ nguyên hiện trạng.
Tấm bình phong phía trước hậu cung thờ vua Lý Nam Đế và hoàng hậu Đỗ Thị Khương được chạm khắc các họa tiết, hoa văn, linh vật sơn son thếp vàng từ thời Lê vẫn còn giữ được nguyên vẹn đến ngày nay.
Khám thờ gian trung tế là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc trên loại hình đồ thờ làm bằng gỗ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII.
Hai bên là 2 chiếc mũ đồng đặt trên ngai thờ được giữ gìn, bảo vệ cẩn mật.
Đặc biệt, ngôi miếu có ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng. Ngai thờ có niên đại từ thế kỷ XVII, được sưu tầm về Bảo tàng Thái Bình vào trước những năm 1999.
Sau 5 tháng trùng tu, Miếu Hai thôn đã mang diện mạo mới để nhân dân địa phương và khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái, tri ân công đức của Nhà vua và Hoàng hậu đã có công lập nên Nhà nước Vạn Xuân. Nguồn kinh phí trùng tu lần này do chủ một tập đoàn lớn là người con quê hương Thái Bình công đức với số tiền hàng tỷ đồng.
Bình luận