Video: Những ký ức còn sót lại về làng biệt động Nam Đào
Đặt chân đến làng biệt động nổi tiếng Nam Đào (nay nằm trên địa bàn phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP.HCM), chúng tôi bất ngờ vì hầu như người dân không ai biết đây từng là nơi nuôi giấu cán bộ nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là chiến dịch Mậu Thân 1968.
Không một bằng chứng nào cho thấy nơi đây từng có một ngôi làng biệt động nổi tiếng. Thậm chí nhiều người có nghe đến tên cũng chỉ biết trước đây, nơi này từng có một nghĩa địa tên Nam Đào.
Theo lời chia sẻ của bà Nguyễn Thị Cấp (70 tuổi), người dân ở đây hiện tại chủ yếu từ nơi khác di cư đến, mua đất mua nhà sinh sống. Người lâu cũng vài ba chục năm, người mới thì vài năm.
“Tôi mới đến đây ở được khoảng 15 năm, cũng biết trước đây nơi này tên là làng Nam Đào, có cái nghĩa trang Nam Đào nhưng đã di dời để xây trường học”, bà Cấp cho biết.
Theo hướng chỉ tay của bà Cấp là hình ảnh ngôi trường tiểu học Giồng Ông Tố và trường mẫu giáo Vành Khuyên khang trang. Trước đây, đó chính là vị trí của nghĩa trang và một ngôi chùa của làng Nam Đào.
Lần theo hướng dẫn của bà Cấp, chúng tôi tìm gặp được ông Trần Văn Nam (60 tuổi), một người sinh ra và lớn lên tại làng Nam Đào xưa.
Ông Nam cho biết, cha ông chính là người từng coi giữ nghĩa trang và chùa Nam Đào trước khi nơi đây được di dời để xây dựng trường học.
Ông kể, vùng đất làng Nam Đào vốn rất hoang vắng, thưa bóng người sinh sống. Đến khoảng những năm đầu thế kỷ 20, một nhóm người ở làng Đào từ miền Bắc vào mua đất, sống quy tụ lại với nhau rồi đặt tên Nam Đào, nghĩa là làng Đào ở phương Nam.
Từ đó, nơi đây bắt đầu được gầy dựng rồi trở thành một cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng nổi tiếng. Đặc biệt trong cuộc chiến Mậu Thân 1968, làng Nam Đào đã che chở cho không biết bao nhiêu chiến sỹ biệt động thành, trở thành nơi ám ảnh cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và lính Mỹ.
“Ngày đó ở đây toàn nuôi giấu cán bộ không mà, ban ngày lính nó rà rà bên trên, tối đến là mấy ổng (biệt động – PV) ra. Hồi đó ba tui cũng tham gia nuôi giấu mấy ổng. Trong làng đào mười mấy cái hầm để cho mấy ổng trú, mà giờ lấp hết rồi”, ông Nam cho biết.
Trong ký ức của ông Nam, làng Nam Đào ngày nào được bao bọc bởi những rặng tre tươi tốt, kênh rạch chảy quanh làng cho đám trẻ như ông thỏa sức nô đùa.
Đối với những đứa trẻ làng Nam Đào ngày ấy, chúng chỉ biết dưới hầm kia là những người đáng ngưỡng mộ mà cha mẹ chúng căn dặn không được nói với ai.
Rồi tiếng súng đêm giao thừa Mậu Thân vang lên sau khi những người dưới hầm cùng một số người lớn trong làng rời đi. Cũng từ đó, đám trẻ làng Nam Đào không bao giờ còn thấy họ quay trở lại.
Sau khi đất nước giải phóng, số người làng Nam Đào còn lại cũng lần lượt rời đi nơi khác sinh sống, nhường chỗ cho những cư dân mới đến.
Nghĩa trang năm nào dùng để chôn cất người làng Nam Đào, rặng tre, con rạch nhỏ cũng dần biến mất để thay vào đó là những trường học, ngôi nhà khang trang san sát.
Không chỉ ông Nam còn giữ ký ức về làng Nam Đào, bà Huỳnh Thị Em (63 tuổi), một trong những người làng hiếm hoi còn ở lại cũng chép miệng cho hay: “Lâu lắm rồi mới có người đến hỏi về làng Nam Đào”.
Rồi bà Em chỉ tay ra phía trước nhà mình, bà bảo trước đây những dãy nhà bên đó đồng ruộng, cỏ cây mọc um tùm. Khung cảnh đó dần biến mất, thay vào đó là sự đông đúc của cuộc sống đô thị, làng Nam Đào dần dần cũng không còn được ai nhắc đến nữa.
Tua lại những hồi ức ít ỏi còn sót lại, bà kể: “Ngày đó ba mẹ tôi cũng làm nhiều ruộng lắm đó chứ, mà cứ đói ăn hoài. Tui mới đi hỏi ba, ba tôi đâu dám nói, cứ nói bán hết, còn dặn tui không được nói với ai.
Rồi ngày Tết, ngày lễ bánh kẹo hoa quả mới thấy thiệt nhiều đó sau rồi đi đâu mất, nói thì ba bảo đem cho người ta.
Sau này tui mới biết ba mẹ tui với mấy người trong làng đem cho mấy ổng dưới hầm. Mà ba mẹ dặn không được kể, kể ra là bị bắt chết”.
Trong dòng ký ức ấy, bà Em nhớ về những ngày mưa bom đạn lạc, không biết bao nhiêu người Nam Đào nằm lại giữa cánh đồng rộng lớn.
Có lần sau trận đánh nhau vào Tết Mậu Thân, bà theo chân người lớn đi xem, thấy bao nhiêu là xác người nằm la liệt. Thế rồi bà bị ba đánh chạy về, kèm với đó là nỗi ám ảnh mà mỗi lần nhớ lại, bà không khỏi sợ hãi, xót xa.
Nhưng tất cả những câu chuyện, sự kiện đó hiện chẳng mấy ai còn nhắc đến. Mảnh đất anh hùng từng nuôi giấu không biết bao nhiêu lính biệt động này trôi dần vào quá khứ, không ai nhắc đến, chẳng mấy ai quan tâm.
Chỉ còn vài ba người lớn tuổi còn ghi nhớ về một cái tên Nam Đào từng khiến lính Mỹ khiếp sợ mỗi khi nghe đến. Như chính ông Nam, bà Em trăn trở, họ rồi cũng sẽ mất đi như cha mẹ họ, chắc thế hệ sau sẽ chẳng ai còn biết người Nam Đào từng anh dũng như thế nào. Câu chuyện về ngôi làng biệt động này rồi cũng chỉ còn trên vài trang sách cũ…
Bình luận