• Zalo

Ngọc Trinh tuyên bố bán hàng fake nên xử lý sao?

Kinh tếThứ Tư, 07/05/2014 04:32:00 +07:00 Google News

Theo LS Phan Văn Bản để kết luận Ngọc Trinh có vi phạm pháp luật hay không cần phải qua điều tra xác minh nguồn gốc, số lượng hàng giả, hàng nhái...

Theo LS Phan Văn Bản để kết luận Ngọc Trinh có vi phạm pháp luật hay không cần phải qua điều tra xác minh nguồn gốc, số lượng hàng giả, hàng nhái...


Sau hình ảnh mua sắm tại khu chợ chuyên bán hàng fake ở Quảng Châu (Trung Quốc), 'nữ hoàng nội y' Ngọc Trinh lại làm xôn xao cộng đồng mạng khi công khai về việc kinh doanh hàng fake.
Cụ thể, trần tình về nghi án xài hàng giả, trong một bài phỏng vấn, Ngọc Trinh thanh minh: "Tôi luôn xác định rõ đối tượng khách hàng của mình là những người có thu nhập vừa phải nên không chủ tâm nhập hàng hiệu đắt tiền. Hàng fake cũng có năm bảy loại. Những mặt hàng này tôi trực tiếp chọn lựa để đảm bảo chất lượng chứ không ngồi ở nhà chờ người ta ship về. Khách của tôi đều biết rõ nguồn gốc và giá trị của từng mặt hàng".
Hình ảnh Ngọc Trinh đi chợ hàng nhái ở Trung Quốc gây xôn xao cộng đồng mạng (Ảnh minh họa internet) 

Bên cạnh đó “nữ hoàng nội y” cũng công khai cổ vũ cho việc dùng hàng fake: "Tôi vẫn chi vài trăm triệu để mua vài chiếc túi Hermes, vì tôi có điều kiện. Nhưng những khách hàng của tôi thì không. Đâu có ai cấm tôi xài hàng thật thì không được bán hàng fake", Ngọc Trinh chia sẻ.
Hàng fake được hiểu đơn giản là hàng giả, hàng nhái làm theo mẫu mã, kiểu dáng của các thương hiệu lớn, hàng fake chủ yếu là mặt hàng thời trang như túi xách, dày dép, quần áo…
Như vậy với chia sẻ trên của Ngọc Trinh, vô hình chung “nữ hoàng nội y” đã tự nhận mình buôn bán hàng nhái. Từ đây dư luận đặt ra câu hỏi nếu buôn bán hàng nhái liệu Ngọc Trinh có bị xử lý theo pháp luật? Đồng thời mức xử lý hành vi vi phạm này là như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Phan Văn Bản - Trưởng văn phòng Luật sư Phan Văn Bản và cộng sự cho rằng, dù Ngọc Trinh có chia sẻ việc bán hàng fake nhưng không thể dựa vào đó để định tội.
Theo Luật sư Phan Văn Bản,  việc kinh doanh hàng giả đã được quy định rất rõ, người kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính cho hoạt động kinh doanh này theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm bảo vệ người tiêu dùng”.
Cụ thể, người vi phạm có thể bị các cơ quan chức năng có thẩm quyền căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị định này về hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá và mức xử phạt cao nhất có thể lên đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên có dấu hiệu tội phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra còn có thể vào cuộc xem xét hành vi, khởi tố và điều tra vụ án về tội danh nêu trên theo quy định tại Điều 156, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Trở lại vụ việc của Ngọc Trinh, theo LS Phan Văn Bản, đến thời điểm hiện tại, dư luận chỉ biết Ngọc Trinh bán hàng nhái nhưng số lượng như thế nào, xuất xứ ở đâu, bán hình thức nào, giá thành… chưa được biết. “Vì thế phải dựa vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền như quản lý thị trường, công an kinh tế…Từ đó mới biết mức độ vi phạm và xử lý”, LS Bản cho biết.
Cùng quan điểm LS Phan Văn Bản, Ths.LS Trương Anh Tuấn - Văn phòng Luật sư Investlinkco và Cộng sự (Hà Nội) cho rằng, cần phải xác minh lại nguồn gốc hàng nhái mà Ngọc Trinh mua về Việt Nam qua tờ khai thuế với Hải quan. 
“Nếu không khai thuế với Hải quan hàng hóa đó là hàng nhập lậu, theo đó nếu là hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử lý theo Điều 22 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 quy định về xử phạt hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu”, LS Tuấn cho biết.
Ngược lại nếu Ngọc Trinh xuất trình được tờ khai thuế Hải quan tức là hàng hóa được nhập đúng, không phải hàng lậu thì để phát hiện hàng nhái cần phải có cơ quan thẩm định. 
Ngọc Trinh tuyên bố: Bán hàng fake nhưng dùng hàng thật 

“Ở đây việc bán hàng nhái người chịu thiệt hại có hai đối tượng thứ nhất là người tiêu dùng, thứ hai là chủ thương hiệu chính hãng. Nếu người tiêu dùng biết là hàng nhái nhưng vẫn sử dụng thì không nói, ngược lại nếu người bán hàng lừa dối để bán hàng nhái người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện. 
Tương tự, chủ thương hiệu hàng hóa bị làm nhái hoàn toàn có quyền khởi kiện. Nói như vậy để thấy ở đây phải có sự lên tiếng của người tiêu dùng và thương hiệu bị làm nhái”, LS Tuấn phân tích.
Theo đó, LS Tuấn cho rằng để đưa ra chính xác Ngọc Trinh vi phạm như thế nào, cũng như mức xử lý thì không thể dựa vào chia sẻ của Ngọc Trinh trên diễn đàn hoặc trò chuyện. 
“Cụ thể phải dựa vào kiểm tra kết luận cơ quan có thẩm quyền, hoặc cơ quan có thẩm quyền sẽ điều tra tìm hiểu dựa trên tố cáo của công dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do việc buôn bán hàng fake của Ngọc Trinh”, LS Tuấn kết luận. 
 Nếu kinh doanh hàng lậu, Ngọc Trinh sẽ bị xử lý dựa theo Điều 22 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 quy định về xử phạt hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu có giá trị đến 5.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
8. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này đối với một trong các trường hợp sau đây:
a) Hàng hoá nhập lậu thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;
b) Hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức trực tiếp nhập khẩu hàng hoá đó.
9. Các mức phạt tiền quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này cũng được áp dụng xử phạt đối với:
a) Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi cố ý vận chuyển hàng hoá nhập lậu;
b) Chủ kho tàng, bến, bãi, nhà ở có hành vi cố ý chứa chấp, cất giấu hàng hoá nhập lậu;
c) Cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá có hành vi cố ý giao nhận hàng hoá nhập lậu.
10. Trường hợp hàng hoá nhập lậu thuộc danh mục hàng hoá cấm kinh doanh thì xử phạt theo quy định về hàng hoá cấm kinh doanh
11. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Điều 156. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
g) Thu lợi bất chính lớn;
h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo GDVN
Bình luận
vtcnews.vn