• Zalo

'Ngọc Hoàng' Quốc Khánh: Tôi chọn tự do, sau này về già chịu cảnh đau đớn không ai chăm sóc

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 15/01/2018 11:00:00 +07:00Google News

"Lấy vợ thì ngoài tình yêu thương, còn có cả những điều ràng buộc trách nhiệm nữa" - "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh nói về lý do không lập gia đình, chọn cuộc sống độc thân.

Đằng sau vị Ngọc Hoàng lù đù, ít nói trong Táo quân, Quốc Khánh là một con người rất thú vị. Anh mê màu hồng, nghiện uống sữa tươi vào ban đêm. Anh cũng rất “chất” trong mắt nhiều đồng nghiệp, đến nỗi họ phải gán cho anh biệt danh Khánh Quậy bởi chứng kiến cách sống “đã chơi là không nghĩ nhiều” của Quốc Khánh.

Thế nhưng, điều đặc biệt nhất về anh, lại chính là cách anh đối đãi với bố mẹ. Quốc Khánh bảo: Đối với mọi sự quan trọng trong cuộc đời thì bố mẹ luôn là số 1!

Cú sốc lớn nhất đời Quốc Khánh, cho đến thời điểm hiện tại, chính là sự ra đi của mẹ, vào lúc 1h sáng, khi anh đang tập Táo quân.

Mọi sự trên đời đều xếp sau hai chữ "phụ huynh"

- Một người đàn ông 55 tuổi đi qua rất nhiều thăng trầm, biến cố của thời cuộc nhưng rất ít khi Quốc Khánh để người khác nhận thấy điều mình đã phải chịu đựng. Trong mọi vấn đề, dù lớn cỡ nào, vẫn chỉ thấy Quốc Khánh điềm đạm tới kỳ lạ. Điều này khiến tôi thực sự muốn hỏi anh: Nỗi đau lớn nhất đã trải qua là gì? Anh đối mặt với nó ra sao?

Nói về biến cố và nỗi đau cuộc đời à? Dĩ nhiên là có chứ, biến cố thì ai chẳng có. Nhưng nó chỉ là cái riêng thôi. Mà cái riêng đó thực ra ai rồi cũng phải trải qua đúng không.

Còn nỗi đau lớn nhất, chính là khi mất đi những người thân nhất của cuộc đời tôi: là bố, là mẹ. Khi họ mất đi, đó thật sự là những biến nỗi đau lớn trong cuộc đời.

Tôi tự hào rằng luôn làm chủ được mọi cuộc chơi nên ít khi có những biến cố xảy đến.

Còn chuyện sinh tử của bố mẹ thì muốn cũng không được. Nó là điều phải xảy ra, tuổi già sức yếu chuyện mất đi là lẽ đương nhiên, không cuỡng lại được.

Tôi chỉ có thể tận tâm chăm sóc, làm bố mẹ vui. Khi mọi chuyện đến, sau cùng, mình vẫn phải chấp nhận thôi.

le-au-ngan-anh-4-1408500 14

 

- Sau gần một năm từ biệt mẹ sang thế giới bên kia, anh đã nguôi ngoai phần nào nỗi đau đó?

Mẹ tôi mất chưa được một năm. Tôi vẫn nhớ quãng thời gian năm ngoái khi đang tập Táo quân cùng anh em. Khoảng 1 giờ đêm thì nhận tin mẹ mất, tôi phi về nhà. Sau đó hội Táo quân cũng bỏ tập hết để đi về nhà tôi.

Bố tôi mất năm 2002, tức là tôi từng một lần trải qua nỗi đau đó. Nhưng không có nghĩa là khi gặp lại nó sẽ nhẹ nhàng hơn. Những nỗi đau đó, thậm chí mình ước không bao giờ tới.

 
Trước kia khi về nhà, mở cánh cửa để bước vào trong, nhìn vào cái góc buồng bao giờ cũng có cái giường của mẹ nằm đấy, nhưng bây giờ không còn nữa.

Diễn viên Quốc Khánh

Trước kia khi về nhà, mở cánh cửa để bước vào trong, nhìn vào cái góc buồng bao giờ cũng có cái giường của mẹ nằm đấy, nhưng bây giờ không còn nữa. Tôi vẫn tự động viên mình rằng, câu chuyện đau đớn đó ai rồi cũng sẽ trải qua, nên cố gắng vượt lên.

- Quốc Khánh có một sự gắn bó đặc biệt với mẹ. Khoảng thời gian bà còn sống và phải nằm viện, mọi người vào thăm rất thương anh vì vất vả chăm lo cho bà. Đó không phải là điều mà nhiều người đàn ông lớn tuổi như anh có thể làm được...

Tính tôi thích tự do, một khi đã chơi là không nghĩ nhiều. Thế nhưng đối với tất cả mọi mối quan hệ, mọi sự quan trọng trong cuộc đời này thì dù thế nào, tôi vẫn luôn nghĩ phụ huynh là số 1. Bao giờ cũng là số 1. Hoàn thành xong cái đấy tôi mới làm việc khác.

Kể cả lúc bà yếu rồi nhưng còn đi lại được, tôi muốn bà đi chơi thì thuê hẳn bác sĩ riêng để đưa bà đi. Mọi thứ mình có chăm sóc, có làm gì cho bố mẹ đi chăng nữa cũng chẳng bao giờ xứng với công mà bố mẹ đã sinh ra, đã chăm lo cho mình.

- Biết là anh thích tự do nên không lấy vợ nhưng sau biến cố của mẹ, anh có thay đổi suy nghĩ không? Rồi đến một lúc nào đó, như bao người khác, anh cũng phải đối mặt với tuổi già, với những ngày ốm đau bệnh tật. Cả những lúc cô đơn mỗi dịp Tết đến xuân về nữa?

Ngọc Hoàng Quốc Khánh: Tôi chọn tự do, sau này về già chịu cảnh đau đớn không ai chăm sóc - Ảnh 5.

 

Tôi lựa chọn cuộc sống tự do nên không lấy vợ. Vì lấy vợ thì ngoài tình yêu thương, còn có cả những điều ràng buộc trách nhiệm nữa. Cũng may trông tôi thế này thôi chứ chưa bao giờ đau ốm phải nằm viện. Cũng chưa bao giờ phải uống một viên kháng sinh vào người. Nhưng chẳng ai nói hay được, đến lúc mình ốm thì chẳng biết thế nào.

Tôi cũng nghĩ rồi, xác định rồi. Có thể bây giờ mình thấy thỏa mái sung sướng với cuộc sống tự do, nhưng về sau mình khổ. Cái gì cũng có 2 mặt của nó. Ở giữa ngã 3 đường, tôi muốn chọn con đường nào? Chọn cuộc sống vợ con hạnh phúc ràng buộc, hay chọn cuộc sống tự do cô đơn?

Bây giờ mình chọn cuộc sống tự do, thì sau này phải chịu cảnh về già đau đớn không ai chăm sóc.

- Anh đã chuẩn bị cuộc sống tuổi già cho mình như thế nào?

Chẳng biết sau này thế nào nhưng giờ tôi thấy mình vẫn còn trẻ. Mặc dù hơi nhiều tuổi nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến cuộc sống tuổi già.

Tôi cảm giác cuộc sống ở nhà nuôi chim, nuôi chó, ra ra vào vào quét nhà nó hơi xa vời với tôi. Mà có lẽ nó chẳng bao giờ đến. Tôi xem tướng số rồi. Ngồi nói chuyện hôm nay nhưng mai biết đâu lại khác có cơ sự gì xẩy đến thì sao, mọi lẽ đều là chuyện bình thường.

- Có một lời đồn thổi, là Quốc Khánh vì sợ tiếng trẻ con mà không lấy vợ. Điều này có đúng không?

Không có điều đó đâu. Tôi rất thích trẻ con, rất yêu trẻ con. Tôi có rất nhiều con nuôi đấy (cười). Giả sử tôi có sợ tiếng trẻ con thật thì vẫn lấy vợ được chứ sao? Thiếu gì người phụ nữ họ cũng không muốn đẻ. Cho nên nghĩ như thế là không đúng!

Tuổi trẻ tôi cũng nghịch ngợm, hiếu động

- Anh đã còn giữ thói quen uống sữa ban đêm và hút rất nhiều thuốc lá?

Cái uống sữa thì vẫn uống. Còn cái hút thuốc thì mình trót nghiện rồi nên cũng khó bỏ. Nhưng mình biết hút thuốc lá có hại, không chỉ cho bản thân mà còn cả cho người khác nữa nên cũng tránh đi đôi chút. Tôi không muốn làm khổ người khác vì thói quen đó.

Tôi đóng rất nhiều phim, làm rất nhiều chương trình nhưng chưa bao giờ tôi cầm điếu thuốc lên hút. Tôi thấy nó có cái gì đó phản cảm. Cầm điếu thuốc trầm tư, hay nhả vài hơi khói cũng chẳng làm nhân vật đó tôn lên vẻ sành đời, nên thôi, tôi cố tìm chi tiết khác.

- Đằng sau cái vẻ tư lự, đăm chiêu, nghiêm túc của Ngọc Hoàng trên sân khấu là một Quốc Khánh rất khác lạ. Đó là lý do tại sao anh bị anh em trong Nhà hát kịch Việt Nam đặt cho biệt danh Khánh Quậy?

Tôi thuộc tuýp người sống chậm, nhưng tiếp cận những cái mới cũng nhanh. Cứ tùy từng sự việc mà làm. Nhiều cái nhanh chưa chắc tốt nhưng nhiều cái chậm cũng dở. Việc đánh giá một ai đó cũng chỉ là cảm tính. Ví dụ như tôi đóng Ngọc Hoàng lù đù lúc nào cũng trầm tư nhưng bên ngoài tôi cũng nhanh đấy chứ.

Tuổi trẻ tôi cũng nghịch ngợm, hiếu động. Tôi chơi nhiều thứ, mà lao vào cái gì là say mê lắm. Ví dụ như chơi bi-a, chơi là phải chơi bằng được. Ngồi câu cá cũng thế, có khi ngồi lì lì suốt cả đêm. Đó là một cái thú.

Thế nhưng cái gì cũng có giai đoạn, có tính thời điểm. Trước kia bọn tôi chơi thể thao tennis với nhau 5-6 năm trời rồi đến lúc đội đấy lấy vợ sinh con bỏ dần thì cũng tan rã. Chơi thì ai cũng thích nhưng phải tùy hoàn cảnh. Lấy vợ rồi, con đang ốm có nỡ đang tâm đi chơi không?

- Việc ít khi trả lời báo chí phần nào khiến Quốc Khánh luôn bí ẩn hơn trong mắt công chúng?

Thật sự tôi rất ngại mỗi khi nhận được lời đề nghị phỏng vấn. Vì nói về người khác thì mình không muốn. Còn nói về mình mà nói tốt thì không hay, nói xấu thì cũng dở, nên chẳng biết nói gì. Bởi thế tôi tránh.

- Anh còn nhớ lý do được chọn vào vai Ngọc Hoàng trong Táo quân không?

Thật sự là tôi cũng không nhớ. Bởi tôi là một trong những người làm chương trình Gặp nhau cuối tuần từ những ngày đầu tiên. Sau đó mới có chương trình Táo quân.

Về việc phân công vai diễn thì tôi không nhớ nguyên nhân, chỉ biết rằng chúng tôi làm việc với nhau, với Hãng phim, với Đỗ Thanh Hải 15-16 năm, chưa kể khoảng thời gian cùng làm Gặp nhau cuối tuần từ trước đó.

Mà cái Gặp nhau cuối tuần cũng hay đấy chứ! Sau này làm nhiều quá, kịch bản khai thác nhiều cũng cạn rồi nên kém đi đôi chút, rồi kinh tế không đủ nữa phải dừng sóng tôi cũng thấy tiếc.

Nhưng dù sao tôi nghĩ đó cũng là một chương trình thành công của Hãng phim trong thời điểm bấy giờ.

- Ngọc Hoàng là một vai rất ít đất diễn, dẫn đến việc một số khán giả cho rằng trong Táo quân thì Ngọc Hoàng là người ít tạo cảm giác mới lạ nhất. Nhận định này có đúng không?

Vai Ngọc Hoàng người ta cứ bảo năm nay hoặc năm sau phải làm mới, làm khác, thay đổi đi vì sợ nhàm chán. Nhưng nếu làm thế xong rồi lại không phải là Ngọc Hoàng nữa.

Tôi nghĩ dù làm mới như thế nào cũng vẫn phải dựa trên cái tính cách đấy. Mình phải xác định rõ tính cách nhân vật, rồi từ đó xử lý các tình huống, sự việc cụ thể. Đóng người cầm đầu, phải nghe ngóng, nhận xét, đưa ra kết luận. Không được nói lung tung, mà phải chuẩn, đúng mực thì các Táo mới nghe.

Không thể diễn trò thái quá nên mình phải tìm các chi tiết nhấn nhá, những biểu cảm bất ngờ cho nhân vật trở nên nhẹ nhàng, duyên dáng hơn.

Thực ra nhân vật Ngọc Hoàng ít lời, cứ ngồi theo dõi nhưng luôn phải có sự giao lưu, tung hứng với các Táo. Ngọc Hoàng ngồi đó nghe báo cáo có thể hiểu, có thể không hiểu hoặc là biết rồi nhưng mà vẫn cứ phải nghe.

Mình phải xử lý câu chuyện làm sao đưa được cảm xúc đến với khán giả, dù đó chỉ là những nét diễn rất nhỏ. Bây giờ khán giả rất nhanh nhạy, thông minh. Đôi khi không cần phải nói mà chỉ cần một cái liếc nhìn thôi là người ta hiểu ngay vấn đề muốn diễn đạt.

Tôi nghĩ vai diễn nào cũng vậy, cứ làm tốt nhất thôi, còn không phải lo rằng nó ít đất diễn hay là ít lời diễn quá.

- Được biết ngoài tham gia diễn xuất, các Táo còn là những người góp phần sáng tạo kịch bản chương trình?

Lúc chúng tôi nhận kịch bản vẫn chỉ là đề cương thôi. Nhiều khi khán giả xem bản diễn đó, nhưng ban đầu kịch bản có viết thế đâu.

Mọi thứ chỉ bắt đầu bằng một cái đề cương, còn lại đạo diễn cùng tập thể diễn viên sáng tác. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải là một người rất giỏi, rất nhanh nhạy. Anh đưa ra ý kiến bảo tôi muốn thế này, bọn tôi hiểu được như thế và làm.

Hoặc diễn viên nói chúng tôi muốn thế này, đạo diễn xem thế có được không, rồi cùng ngồi chỉnh trang, góp ý, bù đắp cho nhau.

Có những lời bài hát chế được sáng tác trong lúc ngồi ăn lót dạ hoặc uống nước chè giải lao giữa lúc tập. Mỗi người một câu, mỗi người một ý, chế lời các thứ. Rồi dựa trên cơ sở diễn viên nào hát được, diễn viên nào nhanh nhạy về khoản nào để tung hứng nhau sao cho hiệu quả.

- Nói về chuyện tung hứng, anh đánh giá thế nào về khả năng diễn xuất của 2 bạn diễn cận kề nhất là Xuân Bắc và Công Lý?

Hai người đấy thực ra nói về tuổi thì trẻ hơn tôi, về tài cũng tài hơn tôi. Họ đều là những người nhanh nhạy, thông minh. Trong chương trình, anh em hiểu nhau, cộng tác vui vẻ với nhau, không có chuyện phân biệt ai kém hơn hay như thế nào.

Thực ra trong nghề bọn tôi cứ bảo ganh ghét ghen tị nhau, hay người khác như thế nào tôi không biết chứ tôi rất tôn trọng mọi người. Diễn như thế nào thì tôi hợp tác thế. Bọn tôi thường ngồi với nhau, cùng bàn để làm, sao cho chương trình đạt hiệu quả tốt nhất.

 

Còn diễn thì bọn tôi tập với nhau cả tháng trời, lại cùng đều là những diễn viên chuyên nghiệp trong các nhà hát, đóng vai chính rồi đóng phim cũng nhiều rồi nên cũng có sự ăn khớp. Tôi nghĩ mỗi người chịu trách nhiệm với nhân vật của mình, nhưng cái thành công lại nằm ở sự ăn ý, sự hiểu nhau và quá trình luyện tập với nhau từ lúc nhận đề cương đến khi mang tác phẩm đến cho khán giả.

- Giả sử Táo quân sang năm vì một lý do nào đó mà chỉ giữ lại Quốc Khánh, loại hết Xuân Bắc, Tự Long, Chí Trung, Vân Dung... - những người bạn diễn bao năm cùng anh. Anh vẫn sẽ tham gia Táo quân chứ?

Nếu đứng trên góc độ nghề nghiệp thì tôi làm với ai cũng được. Còn trên góc độ cá nhân, thích thì tôi làm, không thích thì thôi, chẳng ai bắt được tôi phải làm cả.

Bây giờ đổi vai của ai, ai không làm nữa, thay thế ai là câu chuyện của thời cuộc. Có thể bây giờ bọn tôi già rồi, không kham nổi nữa mà có những lớp trẻ tài năng thay thế cũng là chuyện hết sức bình thường.

Nếu đạo diễn nói rằng vai của tôi có người đảm đương rồi, sang năm sẽ mời người khác, tôi cũng cảm thấy vui vẻ. Thật sự tôi không thấy ham hố việc phải giữ bằng được một vai diễn nào cả.

Thực ra mọi người cứ quan trọng hóa nó lên rồi đặt câu hỏi không có cái này không có cái kia thì sẽ ra sao? Nhưng thực ra không có người này thì có người khác, không có cái này sẽ có cái khác, chẳng sao cả.

Vậy nên cứ nghĩ rằng tôi phải đóng người này, phải đóng người kia là không đúng. Đòi hỏi thế là sai với một diễn viên chuyên nghiệp.

- Mấy năm gần đây cũng đã có ý kiến trái chiều về chương trình Táo quân. Một số cho rằng chương trình đã bớt hấp dẫn, bớt lôi cuốn hơn. Anh nghĩ sao về những ý kiến này?

Tôi thấy Táo quân là một chương trình hài hước, nhưng mang tính chất thời sự. Mỗi người xem lại có một cảm nhận khác nhau.

Chương trình này hay ở một điểm là từ nhỏ đến già đều thích. Người nhỏ xem cũng thấy tiếng cười qua cách hiểu của người nhỏ. Những người lớn hơn 1 chút, suy nghĩ thâm thúy lại có cách hiểu sâu hơn.

Nó đáp ứng được số đông quần chúng chứ không chỉ đáp ứng một tầng lớp, một giới hay một trào lưu nào. Mà tôi nghĩ cái gì thuộc về quần chúng thì chắc chắn nó sẽ sống lâu.

- Vài năm nữa anh sẽ về hưu. Nhiều người rất sợ khi đứng trước cái mốc thời gian này vì cảm giác như mình không còn đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp nữa. Anh có giống như vậy không?

Về hưu thì tôi cũng vẫn sẽ diễn tiếp cơ mà, chỉ là không công tác tại Nhà hát nữa thôi. Sợ thì tôi chẳng bao giờ sợ. Vì tôi xác định mình vẫn chưa lên đến đỉnh, mà mới đang bò thôi.

Video: Những trích đoạn nổi tiếng của "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh trong "Táo quân"

Nguồn: Tri thức trẻ
Bình luận
vtcnews.vn