Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức mà Quốc hội vừa thông qua, tất cả viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ được ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
VTC News vừa có cuộc phỏng vấn với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.
- Những điểm mới tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là gì, thưa ông?
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV thông qua có nhiều điểm mới tích cực. Trong đó, tôi đánh giá cao về việc bỏ quy định ký hợp đồng vô thời hạn đối với viên chức. Như vậy sẽ không có hình thức viên chức suốt đời, loại hình hợp đồng bộc lộ nhiều nhược điểm tồn tại trong nhiều năm qua.
- Những nhược điểm tồn tại bao năm qua là gì, thưa ông?
Thực tế việc ký hợp đồng vô thời hạn khiến một bộ phận viên chức thiếu chí tiến thủ, thậm chí “an phận” hoặc cố tình gây khó cho lãnh đạo, không lo làm việc mà suốt ngày tìm kẽ hở của người khác để kiện cáo
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân
Thực tế việc ký hợp đồng vô thời hạn khiến một bộ phận viên chức thiếu chí tiến thủ, thậm chí “an phận” hoặc cố tình gây khó cho lãnh đạo, không lo làm việc mà suốt ngày tìm kẽ hở của người khác để kiện cáo. Một bộ phận viên chức khác chỉ coi vị trí trong cơ quan Nhà nước như một bước đệm để “kiếm thêm” ở ngoài mà chúng ta vẫn hay nói là “chân ngoài dài hơn chân trong”.
Việc họ có mặt trong tổ chức Nhà nước nhưng thiếu tâm huyết, không có tinh thần sáng tạo, không có đóng góp sẽ khiến bộ máy công quyền trở nên cồng kềnh, thiếu hiệu quả. Sự có mặt của họ cũng vô tình làm mất cơ hội của những người khác đang mong muốn được cống hiến.
- Lâu nay, chúng ta vẫn nói đến sự cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy hành chính, gây áp lực lớn đến khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Theo ông, quy định chấm dứt ký hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức có ảnh hưởng thế nào đến tình trạng này?
Chủ trương tinh giản biên chế, làm gọn bộ máy Nhà nước được Đảng và Chính phủ tập trung thực hiện từ lâu nhưng hiệu quả mang lại chưa nhiều. Việc không ký hợp đồng dài hạn đối với viên chức là một trong những giải pháp cho vấn đề này.
Việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh bộ máy hành chính đang trở nên cồng kềnh. Chúng ta cũng cần tăng cường việc giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Chính vì thế, việc chấm dứt ký hợp đồng vô thời hạn với viên chức như quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi là rất phù hợp.
Thực tế lâu nay cho thấy, hình thức “viên chức suốt đời” chính là rào cản cho các bước tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước. Ở không ít đơn vị sự nghiệp có tình trạng viên chức trong mối quan hệ 'tiền tệ, hậu duệ' ngồi ở các vị trí "bền vững". Họ làm việc rất tệ nhưng việc "đuổi" họ đi không phải dễ.
- Nhiều chuyên gia còn mong muốn quy định bỏ biên chế suốt đời còn được áp dụng với cả công chức, đặc biệt là với các công chức lãnh đạo, thưa ông?
Theo lộ trình, đến năm 2021, chúng ta sẽ có những cải cách lớn về tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức. Cải cách đó không chỉ phù hợp với lộ trình tinh giản viên chức mà còn phù hợp với việc tinh giảm biên chế đối với công chức. Sắp xếp lại bộ máy Nhà nước cũng là sắp xếp lại đội ngũ công chức.
Điều này hoàn toàn hợp lý và đây cũng là mong muốn của cử tri cả nước. Đã đến lúc chúng ta cần đặt ra những tiêu chí cao hơn đối với viên chức và công chức. Cần tạo ra hành lang pháp lý trong việc tổ chức bộ máy nhân sự cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.
Bước đầu, chúng ta đang có những cải cách đối với viên chức, sắp tới sẽ đến việc cải cách đối với cán bộ, công chức.
- Đặt ra tiêu chí cao hơn đối với cán bộ, viên chức và công chức trong bối cảnh chúng ta vẫn phải đối diện với vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Liệu điều này liệu làm tăng tiêu cực?
Sửa hay không sửa luật thì đối với tiêu cực, chúng ta cũng đều phải xem xét, xử lý. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh ở việc cải cách hình thức ký hợp đồng vô thời hạn đối với viên chức.
Nếu muốn đẩy mạnh phát triển cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại thì việc cắt bỏ hình thức “viên chức suốt đời” là hoàn toàn chính xác. Không thể có chuyện anh cứ ngồi giữ ghế ở đó mà làm việc trì trệ, kém hiệu quả nhưng cơ quan, tổ chức vẫn phải trả lương và các chế độ cho anh được.
Việc cải cách hình thức viên chức cũng tạo ra công cụ giúp các cơ quan, tổ chức Nhà nước tiến tới sự tự chủ về mọi mặt. Và quan trọng nhất là họ có quyền lựa chọn và sử dụng những viên chức làm việc hiệu quả mà không bị vướng bởi các quy chế gây khó trước đó.
- Xin cám ơn ông!
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi quy định cụ thể các loại hợp đồng làm việc. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng, áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01/7/2020.
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, áp dụng đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của luật này; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bình luận