Ông Lavrov cho biết Nga từng đề nghị thảo luận với UNESCO về việc tái thiết thành phố cổ Palmyra, được công nhận là Di sản Thế giới. “Từ những lời giải thích về việc tại sao UNESCO vẫn không thể tham gia vào quá trình này một cách tích cực, chúng tôi nhận thấy có chỉ thị nào đó từ trụ sở của Liên Hợp Quốc tại New York”, ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng Ban thư ký Liên Hợp Quốc “đã ban hành và gửi chỉ thị mật trong toàn hệ thống Liên Hợp Quốc vào tháng 10/2017, theo đó cấm các cơ quan trong hệ thống này tham gia vào bất cứ dự án nào nhằm tái thiết nền kinh tế của Syria”.
“Chỉ có hoạt động hỗ trợ nhân đạo và không có gì khác hơn” được cho phép, ông Lavrov nói với báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil tại Matxcơva. “Có thuật ngữ được đưa ra rằng việc tái thiết Syria chỉ được đưa vào chương trình nghị sự sau khi có tiến bộ trong cái gọi là chuyển giao chính trị tại Syria”, ông Lavrov nói thêm.
Ngoại trưởng Nga cũng tuyên bố rằng vì lập trường hoàn toàn không mang tính xây dựng của Mỹ, rất khó để trông mong bất cứ quyết định nào mang tính tích cực trong việc tái thiết Syria và hồi hương người tỵ nạn tại quốc gia này đến từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Các hành động của Washington mâu thuẫn với Nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được ban hành năm 2015, trong đó nhấn mạnh “đòi hỏi quan trọng về việc xây dựng các điều kiện cho việc trở về an toàn và tự nguyện của người tỵ nạn cũng như khôi phục các vùng bị thiệt hại tại Syria”.
Matxcơva sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia hiểu rõ tính cấp thiết của các biện pháp hồi hương người tỵ nạn tại Syria cũng như tạo các điều kiện sinh sống cần thiết cho họ được đề xuất, ông Lavrov nhấn mạnh và nói rằng Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia châu Âu ngày càng nhận thức rõ về điều này.
Video: Thành phố Aleppo của Syria được tái thiết thế nào?
Bình luận