“Tôi muốn mạnh mẽ cảnh báo những người đang lên kịch bản tấn công vũ trang vào Donbass. Họ đang muốn chiến đấu chống lại chính những công dân của mình. Nếu tấn công vũ trang xảy ra, đó sẽ là một thảm hoạ”, Ngoại trưởng Lavrov nói.
Ngày 14/9 Uỷ ban Điều tra Nga mở một cuộc điều tra hình sự về cuộc pháo kích của quân đội Ukraine tại ngôi làng Sahanka, huyện Novoazovsky thuộc nước Cộng hoà nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) gây ra thương tích cho một dân thường sinh năm 1958. Việc quân đội Ukraine pháo kích vào khu vực này đã vi phạm “Thoả thuận ngừng bắn” được hai bên ký kết ngày 29/8/2018 liên quan tới việc năm học mới bắt đầu. Thoả thuận xuất phát từ việc lo ngại pháo kích tự phát vào các khu vực có người dân sinh sống và trường học sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp.
Từ đầu tháng 9/2018, sau khi thủ lĩnh quân ly khai miền Đông Ukraine, người đứng đầu DPR Alexander Zakharchenko bị chết sau vụ một đánh bom, Bộ Chỉ huy lực lượng tác chiến của DPR nhiều lần đưa ra các báo cáo cho thấy quân đội Ukraine với khoảng 12.000 binh sỹ sẵn sàng cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào Donbass nhằm quét sạch lực lượng ly khai và “những kẻ thù của chế độ” .
Tư lệnh Bộ Chỉ huy tác chiến DPR Eduard Basurin hôm 4/9 từng kêu gọi Kiev từ bỏ ý định làm nghiêm trọng thêm tình hình.
Mặc dù quân đội chính phủ Ukraine không tấn công Donbass như tin tình báo của DPR vào ngày 14/9, tuy nhiên theo ông Basurin, quân đội chính phủ đã triển khai khoảng 100 khí tài hạng nặng ở gần khu vực Novosilka do Kiev kiểm soát, trong đó có 18 đơn vị pháo Grad và 12 hệ thống pháo tên lửa cơ động Uragan.
Xung đột ở miền Đông Ukraine bùng phát từ năm 2014, khi chính phủ phát động chiến dịch quân sự nhằm vào chính quyền ly khai ở Donetsk và Luhansk, trong khi hai chính quyền này từ chối công nhận chính phủ mới thành lập sau cuộc đảo chính ở Kiev tháng 2 cùng năm.
Đến tháng 2/2015, thỏa thuận giữa các bên liên quan được ký kết tại thủ đô Minsk, Belarus, được xem là khuôn khổ tiến hành những nỗ lực kết thúc xung đột trong khu vực. Dù vậy, đến nay tình hình ở Donbass vẫn căng thẳng và các bên thường xuyên cáo buộc đối phương vi phạm lệnh ngừng bắn.
Matxcơva hiện bị EU và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với cáo buộc liên quan đến khủng hoảng Ukraine.
Hôm 13/9, EU quyết định gia hạn lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và các tổ chức Nga thêm 6 tháng, trước khi các biện pháp hiện đang áp dụng hết hạn vào ngày 15/9/2018.
"Các biện pháp bao gồm đóng băng tài sản và hạn chế nhập cảnh đối với các quan chức, tổ chức, công ty của Nga, bao gồm 44 tổ chức và 155 cá nhân”, Liên minh châu Âu cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm 13/9 và khẳng định đây là biện pháp buộc Nga giảm các hành động gây suy yếu hoặc đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine.
Ngày 14/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không được dỡ bỏ cho tới khi thỏa thuận ngừng bắn thực sự được thực hiện ở miền Đông Ukraine.
Bình luận