Hôm 3/10, Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi thông báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ khởi hành tới Nhật Bản vào ngày 4/10, song ông sẽ không tới Mông Cổ và Hàn Quốc như theo kế hoạch ban đầu.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và phải nhập viện. Ban đầu, ông Pompeo có kế hoạch thăm toàn bộ 3 nước Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc từ ngày 4-8/10.
Theo lịch trình dự kiến, tại Nhật Bản, ông Pompeo gặp các đối tác từ Australia, Ấn Độ và Nhật Bản để đàm phán an ninh giữa nhóm Chiến lược QUAD, nhằm phản ứng trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho biết chuyến đi rút ngắn của ông Pompeo tới châu Á sẽ không thay đổi theo hướng “bình thường mới” chống Trung Quốc mà chính quyền Trump đã chỉ rõ.
“Mọi thứ vẫn không thay đổi, Mỹ đang thúc đẩy QUAD như một chiến tuyến mới để chống lại Trung Quốc. Washington sẽ tích cực hình thành và tăng cường các liên minh chống Bắc Kinh với các nước khác trong khu vực như Mông Cổ, nước có thể xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nhật Bản và Mỹ trong tương lai”, chuyên gia Shi Yinhong cho hay.
Các nhà phân tích cho rằng, có nhiều lý do để giải thích cho chuyến đi châu Á của Ngoại trưởng Mỹ trong thời điểm này. Bao gồm việc Washington lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực, khi chính quyền Trump liên tục chỉ trích Bắc Kinh về đại dịch COVID-19, gây sức ép trên nhiều mặt trận trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Ocean Trung Quốc, cho biết: “Có nhiều lý do để ông Pompeo đến thăm Nhật Bản mặc cho ông Trump mắc COVID-19. Chẳng hạn như Nhật Bản có Thủ tướng mới và cuộc họp ‘Bộ tứ kim cương’ QUAD ở Nhật Bản. Dù cho ông Pompeo thay để lịch trình của mình song các chính sách đối ngoại chính của Trump sẽ tiếp tục và điều này bao gồm việc hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực hơn để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Đối với Trung Quốc, nước này kịch liệt phản đối Ngoại trưởng Mỹ vì ông Pompeo được xem là nhân vật gieo rắc tư tưởng chống Bắc Kinh mạnh mẽ nhất. Trung Quốc cho rằng, Ngoại trưởng Pompeo đã “vẽ ra lý thuyết về mối đe dọa Trung Quốc trên toàn thế giới”, gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn cầu về các vấn đề như tính bền vững của các khoản đầu tư Trung Quốc và an ninh của công nghệ nước này.
Yun Sun, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết: “Bắc Kinh coi những lời chỉ trích của Mỹ đối với Trung Quốc là do động cơ riêng. Điều này không xuất phát từ việc liệu những gì Bắc Kinh làm là đúng hay sai mà là Washington đang muốn làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã tức tốc lên kế hoạch công du của một loạt quan chức đến các nước láng giềng. Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang đàm phán để thăm Nhật Bản vào tháng 10 sau khi đến Mông Cổ vào tháng 9 và ông cũng đã bay đến Hàn Quốc vào tháng 8 để dọn đường cho chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
SCMP nhận định, trong cuộc gặp của ông Pompeo với các đối tác nhóm QUAD tại Nhật Bản, có khả năng nhóm này sẽ tập trung thảo luận về các nỗ lực chung nhằm chống lại Bắc Kinh và các tuyên bố chủ quyền phi pháp của nước này đối với Biển Đông.
Monika Chansoria, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản ở Tokyo, cho biết điều này được phản ánh qua việc Ấn Độ triển khai tàu chiến vào Biển Đông vào tháng 8, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại biên giới tranh chấp Trung Quốc - Ấn Độ kể từ tháng 6. Trong khi đó, ngay sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga được cho là có kế hoạch thăm Việt Nam và Indonesia vào tháng 10.
“Đó có thể là sự khởi đầu của một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng với các đối tác khu vực của họ. Thế giới hậu COVID-19 sẽ ngày càng chứng kiến sự đánh giá lại Trung Quốc mạnh mẽ hơn trước những tác động an ninh rộng lớn hơn”, Monika Chansoria cho hay.
Trước khi chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo đến Mông Cổ bị hủy, quan hệ giữa Mông Cổ và Trung Quốc vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách ngôn ngữ của Bắc Kinh ở Nội Mông. Quyết định thay thế các lớp học tiếng Mông Cổ trong các môn học chính bằng tiếng Quan Thoại đã gây ra làn sóng phản đối trong các khu vực ở Trung Quốc và chỉ trích rộng rãi ở Mông Cổ.
Cựu Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj đã viết thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để phản đối động thái này. Trong thư, Tsakhiagiin Elbegdorj cho rằng đó là một “hành động tàn bạo ngày càng tăng nhằm tìm cách giải tán và loại bỏ người Mông Cổ như một dân tộc độc lập thông qua ngôn ngữ của họ”.
Bình luận