Ở các đơn vị đặc nhiệm của Nga, bên cạnh súng trường tấn công tiêu chuẩn AK-74 hoặc AK-12, lực lượng này còn được trang bị thêm nhiều dòng súng bộ binh khác, bao gồm cả những mẫu súng có thiết kế độc nhất vô nhị.
Về cơ bản những mẫu vũ khí này được tạo ra cho những nhiệm vụ đặc biệt khi việc sử dụng súng trường tấn công AK thông thường không còn hiệu quả.
Dưới đây là ba mẫu súng đặc biệt đang được đặc nhiệm Nga sử dụng rộng rãi trong các hoạt động chống khủng bố trên lãnh thổ Nga cũng như ở nước ngoài.
AN-94 'Abakan'
Nhìn bề ngoài, AN-94 trông giống một khẩu AK-74 tiêu chuẩn nhưng thiết kế bên trong của súng này lại hoàn toàn khác, khả năng tác xạ của AN-94 cũng được đánh giá nhỉnh hơn so với súng trường AK.
“Trước hết, nòng của AN-94 cùng ống trích khí và khóa nòng sẽ chuyển động tới lui mỗi lần bắn, thiết kế này giúp giảm độ giật và tăng độ chính xác. So với AK-74 tiêu chuẩn, AN-94 được coi là chính xác và dễ sử dụng hơn gấp hai lần do có cơ chế bắn ổn định”, Viktor Murahovsky, tổng biên tập tạp chí 'Homeland Arsenal' đánh giá.
Ngoài ra súng trường AN-94 cũng được bổ sung thêm một tính năng cải tiến mà các mẫu súng AK không có là chế độ bắn loạt 2 viên. Trong chế độ bắn này, viên đạn thứ 2 được nạp vào sẽ khai hỏa ngay lập tức mà không cần phải đợi toàn bộ khối nòng trở về vị trí cũ, tốc độ bắn trong chế độ này lên đến 1.800 viên/phút, khả năng này chưa có khẩu súng trường tấn công nào đạt được.
Cũng theo Murahovsky việc thay đổi giữa các chế độ bắn trên AN-94 khá đơn giản chỉ với ngón tay cái bên bàn tay phải, tương tự như trên súng trường M-16 của Mỹ. Trong khi đó đối với dòng AK, người lính sẽ gặp một chút khó khăn khi gạt cần đổi chế độ bắn bằng kim loại.
Tuy nhiên, thiết kế sư Mikhail Kalashnikov cũng có cái lý của riêng mình khi trang bị dòng AK một cần gạt chế độ bắn kim loại, bởi các cuộc thử nghiệm đã chứng minh rằng một người lính thiếu kinh nghiệm có thể vô tình chuyển chế độ an toàn sang chế độ bắn phát một hoặc tự động khi cần gạt quá lỏng lẻo.
Vào đầu những năm 1970, AN-94 vẫn được coi là đối thủ chính của AK-74 trong cuộc đua trở thành mẫu súng trường tấn công tiêu chuẩn theo yêu cầu quân đội Liên Xô. Ở nhiều mặt AN-94 tỏ ra vượt trội hơn AK nhưng thiết kế của nó lại quá phức tạp đối với một binh sĩ bình thường. Vì vậy, AN-94 được chuyển sang biên chế cho các đơn vị tác chiến đặc biệt và vẫn được sử dung cho đến ngày nay.
SR-3 'Vikhr'
SR-3 là một mẫu súng tiểu liên sử dụng đạn tiêu chuẩn 9x39 mm, dù vậy thiết kế của súng được đánh giá mạnh mẽ hơn các dòng tiểu liên khác của Nga. Chính điều này đã giúp SR-3 lọt vào “mắt xanh” của đặc nhiệm Nga.
SR-3 ban đầu được thiết kế dành cho các đơn vị vũ trang phản ứng nhanh thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), dành cho các nhiệm vụ cận chiến hoặc tác chiến trong khu vực đô thị ở khoảng cách từ 50m. Tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm trên thực địa SR-3 cho thấy nó có khả năng hạ gục các mục tiêu mặc áo giáp chống đạn cấp 3 ở khoảng cách 200m.
Hỏa lực mạnh mẽ cùng thiết kế nhỏ gọn, một đặc nhiệm Nga hoàn toàn có thể giấu SR-3 bên trong lớp áo vest của mình khi phải hoạt động trong khu vực đô thị đông đúc. Do đó ngoài việc được sử dụng trong các đơn vị vũ trang, SR-3 còn được lực lượng an ninh hoặc mật vụ Nga ưa dùng.
Ngoài phiên bản tiêu chuẩn, SR-3 còn có thể được gắn thêm kính ngắm quang học hoặc các thiết bị hỗ trợ bắn khác với các thanh ray tiêu chuẩn trên thân súng và ốp tay phía trước.
Súng trường tấn công dưới nước - APS
Nếu nói đến đặc nhiệm Nga chắc không thể không nhắc đến mẫu súng trường tấn công dưới nước độc nhất vô nhị - APS. Đây có thể được là một trong những thiết kế súng nổi bất của quân đội Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Về cơ bản APS được thiết kế dành riêng cho các đơn vị biệt kích hải quân, nhằm chống lại các cuộc tấn công tiềm tàng nhắm vào tàu chiến và tàu ngầm của đối phương dưới nước. Việc sử dụng các loại súng thông thường dưới nước là điều không thể do đó quân đội Liên Xô đã đặt ra yêu cầu phát triển một mẫu súng trường có thể bắn dưới nước và cả ở trên bờ.
“Một khẩu AK-74 tiêu chuẩn của quân đội không phù hợp với những trường hợp này, vì đạn của nó mất dần sơ tốc khi bắn dưới nước. Nói một cách đơn giản, những viên đạn có thể tiêu diệt mục tiêu cách người bắn 100 mét một cách hiệu quả thì không thể chống lại mục tiêu ở cách xa vài mét trong nước”, Murahovsky cho biết.
Với những yêu cầu này, các kỹ sư Nga đã tạo ra những viên đạn hình kim dài 115 mm có thể "đâm xuyên" qua nước một cách hiệu quả và sau đó tạo ra một khẩu súng trường tấn công phù hợp với loại đạn này – đó chính là khẩu APS. Vũ khí này có khả năng bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách 30 mét dưới nước.
Nó có cả chế độ bán tự động và hoàn toàn tự động và mỗi băng đạn có thể mang theo 26 viên.
“Các cuộc thử nghiệm cho thấy APS hoạt động khá hiệu quả dưới nước, nhưng những viên đạn hình ngọn giáo của nó không phù hợp với yêu cầu tác chiến trên bờ. Do đó APS thường được trang bị cho lực lượng hải quân đánh bộ hoặc biệt kích hải quân Nga làm nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ hải quân”, Murahovsky nói thêm.
Bình luận