Làng Cự Đà nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Người dân nơi đây còn gọi là làng doanh nhân, lý do là bởi từ những năm đầu thế kỷ XIX, dân làng này đa phần làm ăn buôn bán phát đạt. Ngôi làng là một điểm đến du lịch Hà Nội dành cho những ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc, hoặc muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, những làng nghề truyền thống, hay đơn giản là đến đây để có những phút giây thả tâm hồn vào khung cảnh bình yên, cảm nhận như thời gian đang đứng lại.
Cấu trúc của ngôi làng được quy hoạch theo hình xương cá. Từ đường làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ và dẫn vào các xóm. Còn bến sông Nhuệ trước đây là nơi buôn bán tấp nập. Dân làng Cự Đà dựng hai cột, trên đó có con cóc đá đội đèn để thuyền bè biết lối cập bến.
Không chỉ có những ngôi nhà ba gian, năm gian, làng cổ còn có những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được xây dựng cách đây cả trăm năm. Làng vẫn còn những cây cổ thụ, mái đình, cổng làng, các ngôi nhà xưa… khiến người tới thăm có cảm giác như đi ngược lại thời gian.
Bên cạnh đó, trong làng vẫn còn sót lại những ngôi đình, chùa vẫn còn giữ được y nguyên những nét kiến trúc cổ. Chùa Cự Đà có lịch sử 300 năm tuổi là nhân chứng của thời gian, dù cho có thay đổi một chút để trùng tu lại thế nhưng kiến trúc vẫn được giữ nguyên.
Ngoài tên gọi là làng doanh nhân, Cự Đà còn được biết đến là làng nghề làm tương và miến truyền thống có tiếng trong dân gian. Vào những ngày nắng đẹp, dọc trên những con đường làng Cự Đà du khách sẽ dễ dàng bắt gặp sóng sánh sắc vàng của miến.
Ngôi làng đã trải qua hơn 100 năm vẫn giữ gần như trọn vẹn những nét kiến trúc xưa. Hệ thống nhà với đường, ngõ ngách ở đây tựa như xương cá. Cự Đà ắt sẽ khiến du khách ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên với hàng chục ngôi nhà được thiết kế xen kẽ theo nét kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ và kiến trúc Pháp.
Dù cho những hình ảnh của miền quê xưa đã không còn nhiều, nhưng khi tới đây bạn vẫn sẽ cảm nhận được sự thanh bình, nét cổ kính và giản dị của ngôi làng. Làng Cự Đà vẫn đẹp dù cho có thay đổi đến thế nào đi chăng nữa, những nét cổ kính, tình người hiếu khách của người dân trong làng vẫn không hề thay đổi.
Bình luận