Ông Hoàng Văn Quang - trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Thống Nhất, TP.HCM cho biết, ngộ độc methanol là ngộ độc cấp, rất hay gặp ở các đơn vị hồi sức và thời gian gần đây tăng lên. Người dân có thói quen uống rượu trắng và nghĩ là rượu gạo, nhưng nhiều người kinh doanh đã pha methanol vào rượu. Uống phải rượu pha methanol gây ngộ độc cấp, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng, tỷ lệ ngộ độc lên tới 60% nếu hàm lượng methanol cao.
Tỷ lệ tử vong cao
TS Quang chia sẻ ông từng cấp cứu một nam bệnh nhân sau uống rượu xong ngủ li bì, khi gia đình phát hiện thì người này đã hôn mê. Kết quả xét nghiệm hàm lượng methanol lên tới 256 mg/dL - ngưỡng vô cùng nguy hiểm. Bác sĩ cố gắng cấp cứu nhưng người bệnh khó qua được.
Methanol không độc nhưng khi vào cơ thể nó chuyển hoá thành formandehide và chuyển hoá tiếp thành axit formic. Axit này rất nguy hiểm cho cơ thể, nó gây biến chứng thần kinh trung ương khiến người bệnh hôn mê, biến chứng vào thị lực có thể mù, biến chứng chuyển hoá gây suy đa tạng. Nó cũng có thể gây tử vong nhanh chóng nên nhiều người chưa kịp tới viện đã tử vong hoặc vào viện được 30 phút là tử vong.
BSCK I Lê Công Thuyên - khoa cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cũng thông tin, ngộ độc methanol gây tử vong rất nhanh. Axit formic gây ra ngộ độc, thiếu máu mô, tăng sản xuất axit lactic làm nặng nề toan chuyển hoá. Axit formic gây tổn thương thần kinh thị giác. BS Thuyên nhớ vào dịp tháng 9/2021, trong một tháng bệnh viện tiếp nhận 12 trường hợp ngộ độc rượu methanol và 6 bệnh nhân tử vong. Đến tháng 7/2022 thì tình trạng ngộ độc rượu càng tăng lên.
78% bệnh nhân thở máy
Bác sĩ Thuyên cho biết, tại các tỉnh phía Bắc từng có nhóm nghiên cứu thực hiện lấy mẫu rượu ngẫu nhiên để kiểm tra thì hơn 48 % tỷ lệ là rượu chứa methanol. Hàm lượng methanol nằm trong các mẫu này là 7 - 651,3ml/l cồn, vượt quá tiêu chuẩn của Việt Nam. Người dân mua uống sẽ gây ngộ độc cấp.
Tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, theo nghiên cứu của BS Đặng Thị Xuân và Nguyễn Trung Anh, một nghiên cứu cho thấy từ năm 2016 đến năm 2019, tới 78,5 % bệnh nhân ngộ độc cấp methanol phải thở máy.
Còn ở BV Thống Nhất, TP.HCM, bác sĩ Thuyên lấy mẫu từ tháng 7/2021 đến 7/2022, sàng lọc tỷ lệ nam giới là 92%, nữ 8%. Bệnh nhân chủ yếu ở tuổi trung niên, trẻ nhất là 23 tuổi, cao nhất là 72 tuổi. Từ khi tiếp xúc với methanol tới khi nhập viện, có tới 76% người nhập viện trong 24h đầu, 8% nhập viện trong 24 – 48h, 1 % nhập viện từ khi uống rượu tới vào viện là 48 - 72h.
Người bệnh vào viện với đủ triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, nôn ói, đau bụng, rối loạn tri giác, suy hô hấp, đặc biệt triệu chứng hay gặp là thị giác nhìn mờ. Bệnh nhân được xét nghiệm methanol đều nằm ở ngưỡng 170 mg/dL. Người bệnh có thể giải độc bằng ethanol hoặc lọc máu. Bệnh nhân ngộ độc methanol nặng có thể gây mất thị lực hoặc mù vĩnh viễn nếu điều trị thành công.
Ngày 3/8, sau khi nhà hàng đóng cửa nghỉ, 6 nhân viên là Nguyễn Trí T (24 tuổi), Lô Quốc K (20 tuổi), Nguyễn Văn C, Nguyễn Việt T, Trần Thị Ya M, Võ Văn Đ (cùng 19 tuổi) rủ thêm Lê Thị Ngọc H và Nguyễn Thị Tường V (cùng 20 tuổi) đến nhà hàng ăn uống. Tất cả 8 người này dùng nước ngọt pha uống chung hết bình 5 lit có dán chữ “rượu”, đến 4h sáng 4/8 cả nhóm về nhà.
14h ngày 5/8, T có biểu hiện mệt mỏi, tím tái. Khi xe cấp cứu và các bác sĩ tới nơi thì T đã tử vong. K, C, M, Đ, V, T và H cũng có biểu hiện lơ mơ nên mọi người đưa đến bệnh viện. Đến 15h30 cùng ngày, C tử vong tại bệnh viện, riêng T và H được người thân đưa đi bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, bốn người còn lại được chuyển đến Bệnh viện Gia Định cấp cứu và điều trị.
Bình luận