• Zalo

Nghiện game, nhiều người trẻ nhập viện vì rối loạn tâm thần

Bệnh và thuốcThứ Năm, 11/06/2020 11:31:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia cảnh báo chơi game nhiều có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, rối loạn tâm thần và cha mẹ cần giám sát chặt chẽ việc này.

Tâm thần vì game

Vụ việc cháu bé 5 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An chết trong căn nhà hoang gây xôn xao dư luận. Nghi phạm là học sinh lớp 11, theo khai báo của nam sinh này là muốn thực hiện theo trò chơi truy bắt trong game.

Các trường hợp nghiện game không phải là hiếm và những người bị rối loạn tâm thần do nghiện game được các khoa, phòng điều trị bệnh rối loạn tâm thần tiếp nhận hàng ngày.

Nguyễn Thanh B. (SN 2000, Hà Đông, Hà Nội) mới đây được gia đình đưa vào bệnh viện khám vì  thường xuyên mất ngủ, tuyệt thực vì game. B. vốn là một học sinh chăm ngoan, đạt nhiều thành tích trong học tập, khi B. bước chân vào ngưỡng cửa đại học, gia đình đặt không ít kỳ vọng.

Tuy nhiên, thay vì chuyên tâm vào học hành, B. lao vào chơi game bất kể đêm ngày. Để có tiền chơi, B. bắt đầu tìm đủ cách để lấy trộm tiền của bố mẹ.

Các biểu hiện nghiện game của B. ngày càng gia tăng, cậu sẵn sàng tuyệt thực nếu bố mẹ không đồng ý cho chơi, số môn nợ tại trường học ngày càng chồng chất…

Nghiện game, nhiều người trẻ nhập viện vì rối loạn tâm thần - 1

(Ảnh minh họa)

Lúc này, gia đình buộc phải đưa B. tới Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám. Các bác sĩ cho biết B. bị rối loạn tâm thần do nghiện game. Sau một thời gian về nhà, B. lại tái nghiện. Cậu còn thử thách bằng cách chặt cả ngón tay nếu cha mẹ không cho chơi game. Cơ thể em gày rộc, xanh xao vì suốt ngày ngồi chơi game. 

Chưa được quan tâm 

BS Ngô Anh Vinh – khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nghiện game được Tổ chức Y tế thế giới xếp là một chứng rối loạn tâm thần và khẳng định chơi game có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và rất cần được giám sát.

Thực tế cho thấy tình trạng trẻ nghiện game online hiện nay vẫn chưa được sự quan tâm từ gia đình và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Nhiều gia đình thường có tâm lý e ngại khi đưa con đi khám. Các bố mẹ trẻ thường chỉ đưa con đi khám khi trẻ có các dấu hiệu nặng như trầm cảm, hay đập phá, có hành vi tự sát….

Trên thực tế, ranh giới giữa chơi game giải trí và lạm dụng – nghiện game rất mong manh nếu không để tâm và chỉ có bác sĩ mới được phép chẩn đoán nghiện game (Rối loạn liên quan tới chơi trò chơi điện tử).

Trong một số trường hợp nghi ngờ, khi thấy trẻ có những dấu hiệu như lầm lì, hay cáu gắt không rõ lý do, không thích giao tiếp với mọi người, ăn uống kém hoặc ăn uống thất thường, bỏ cả ăn thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm lý trẻ em để được tư vấn.

Trong thời đại ngày nay, nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam có xu hướng gia tăng. Tình trạng nghiện game online ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của học sinh. Đồng thời, nó cũng là tác nhân gây ra nhiều hành động mất kiểm soát và hậu quả đáng tiếc.

Vì vậy cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm có những biện pháp cụ thể ngăn chặn tình trạng trên.

Quỳnh Trâm
Bình luận
vtcnews.vn