Thấy vẻ bề ngoài chưa hoàn hảo, hơn 3 năm nay, người phụ nữ 35 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội liên tục đi phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc.
Năm 2021, chị nâng ngực và tạo hình thành bụng. Năm 2022, chị vào TP.HCM đặt túi nâng cấp vòng 3. Lần này vết mổ bị nhiễm trùng, chị phải vào bệnh viện tháo túi.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa – Phụ trách khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Hòe Nhai (Hà Nội), trong thời gian sửa chữa vòng 3 bị biến chứng, người phụ nữ này vẫn liên tục làm thêm rất nhiều dịch vụ khác ở mắt, mí, mũi, căng da, tiêm filler.
“Người này tâm sự với chúng tôi, dù chi hàng tỷ đồng cho làm đẹp nhưng bản thân luôn cảm thấy xấu, không ưng ý với vẻ bề ngoài của mình”, bác sĩ Nghĩa chia sẻ.
Gần đây nhất, chị đặt túi lại kèm theo tiêm filler vào vùng hõm mông với mong muốn vòng 3 tròn đầy, nảy nở.
Theo chuyên gia, nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ hiện rất lớn, hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, khi làm thẩm mỹ khách hàng cần cân nhắc thận trọng, tư vấn kỹ, tránh rơi vào hội chứng nghiện.
Nhiều bệnh nhân kỳ vọng quá nhiều vào ca phẫu thuật làm đẹp. Khi kết quả không như mong muốn, họ tìm mọi cách để phẫu thuật lại với hy vọng đẹp hơn nữa.
Phẫu thuật thẩm mỹ mang lại nhiều thay đổi, đẹp hơn nhưng không thể giải quyết được tất cả. “Làm đẹp khôn ngoan là biết cách làm đẹp thông minh, biết lựa chọn các dịch vụ an toàn và biết tìm kiếm, sử dụng các hạng mục phẫu thuật thẩm phù hợp”, bác sĩ Nghĩa nói.
Thẩm mỹ đều có nguy cơ biến chứng ít hay nhiều. Rủi ro và di chứng đều thiệt thòi cho người đi làm đẹp. Ngoài sự tốn kém, thiệt hại về tài chính còn ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý.
Chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần lựa chọn cơ sở uy tín và tìm hiểu kỹ về phương pháp, chất liệu làm đẹp và nguy cơ gặp phải. Các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu nhỏ. Khi nâng ngực, hút mỡ, đặt túi mông bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện.
Bình luận