Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ bãi lọc trồng cây để xử lý nước thải sản xuất mắm” do TS Nguyễn Thị Kim Dung và các cộng sự trường Đại học Dân lập Hải Phòng thực hiện.
Sau khi xác định được đặc tính nước thải sản xuất gây ô nhiễm chủ yếu là COD, BOD (các chất thải hữu cơ trong nước), TSS (tổng rắn lơ lửng), amoni, coliform và clo dư thừa; nhóm tác giả đề tài đã tính toán thiết kế 2 mô hình bãi lọc ngầm dòng chảy đứng và 2 mô hình bãi lọc ngầm dòng chảy ngang, mỗi bãi lưu lượng 1,5m3/ngày cho 2 loại cây thử nghiệm là sậy và nến để so sánh. Trên cơ sở đó, cải tạo thành 1 mô hình bãi lọc ngầm dòng chảy đứng lưu lượng 6m3/ngày với cây được lựa chọn là cây sậy.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, bãi lọc ngầm dòng chảy đứng trồng sậy có hiệu quả xử lý COD, BOD, TSS, amoni, phốt phát và độ mặn dư thừa tốt nhất và tiết kiệm diện tích hơn hẳn. Chất lượng nước thải đầu ra xử lý sau mô hình bãi lọc ngầm đều đạt TCVN 11:2015/BTNMT.
Trước tình trạng nhiều công nghệ xử lý nước thải còn sử dụng năng lượng và hóa chất để xử lý các chất ô nhiễm mà chưa quan tâm tới sự phát triển bền vững của hệ sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường, công nghệ bãi lọc trồng cây được đánh giá là thân thiện với môi trường, chi phí thấp, dễ vận hành, mức độ xử lý ô nhiễm cao cần được quan tâm và nhân rộng.
Bình luận