Trên thế giới, cây Chùm Ngây được trồng và sử dụng phổ biến ở gần 90 nước. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đều đề cao cây Chùm Ngây, coi cây Chùm Ngây là cứu tinh cho người nghèo, đặc biệt ở các nước thuộc thế giới thứ 3.
Nhận thấy tiềm năng lớn của loại dược liệu này, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế của loại cây này.
Từ đó, Viện đã xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, phát triển cây Chùm Ngây đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm (rau tươi ăn trực tiếp, bột pha, mỳ, bánh, trà,...) và bước đầu nghiên cứu sản xuất dược liệu.
Dựa trên cơ sở các nghiên cứu về Chùm Ngây đã có, mới đây, Viện Nghiên cứu và Phát triển tiến hành hợp tác với Công ty cổ phần Công nghệ và Dược phẩm quốc tế để phát triển cây Chùm Ngây làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng và dược phẩm có chất lượng cao.
Việc hợp tác giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp thể hiện thành công bước đầu của Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng trong quá trình phát triển theo định hướng liên kết doanh nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Một số nguồn nghiên cứu cho biết, Chùm Ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp, bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại acid amin, 46 chất chống ôxi hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan.
Lá Chùm Ngây chứa nhiều dưỡng chất, tính theo trọng lượng, 100g lá Chùm Ngây tươi có hàm lượng vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa, sắt gấp 3 lần cải bó xôi, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và potassium gấp 3 lần trái chuối. Toàn bộ các phần trên cây đều có tác dụng, vì vậy, trên thế giới cây, Chùm Ngây được sử dụng làm rau ăn hàng ngày, thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm làm đẹp.
Bình luận