Nghiên cứu hỗ trợ người dân lắp đặt điện mặt trời mái để bán lại cho EVN

Đầu TưThứ Tư, 19/06/2024 15:39:34 +07:00
(VTC News) -

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu hỗ trợ tài chính cho người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp thiết bị lưu trữ để bán cho EVN.

Sáng 19/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo 2 dự thảo Nghị định quy định về: cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt...) cho người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện để bán lại cho EVN với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Ảnh: VGP)

Bộ Công Thương cũng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục; quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên các công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công; tính toán giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới điện đối với các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu, cụm công nghiệp có công suất lớn…

"Lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải có hiệu quả kinh tế thì người dân mới làm, còn Nhà nước có thêm nguồn điện huy động để bảo đảm an ninh năng lượng", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương cần nghiên cứu, tính toán lợi nhuận của phương án Nhà nước đầu tư nguồn điện mới, làm cơ sở cho chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng trình tự, thủ tục lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo tinh thần đơn giản hoá tối đa; quản lý chặt chẽ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Về phía Bộ Xây dựng, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, ban hành quy chuẩn về năng lượng sạch, lắp đặt điện mặt trời mái nhà kèm hệ thống pin lưu trữ để chuyển thành nguồn điện nền khi cấp phép đầu tư xây dựng công trình dân dụng.

Báo cáo tại phiên họp về nội dung dự thảo Nghị định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Tô Xuân Bảo cho biết, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán lên lưới điện quốc gia.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thông tin, điện mặt trời mái nhà được lắp đặt ở công trình xây dựng gồm: nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu, được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.

Các đại biểu thảo luận về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của nghị định bảo đảm không trùng lặp với cơ chế mua bán điện trực tiếp; mở rộng nội hàm khám niệm "tự sản, tự tiêu" theo hướng cho phép người dân lắp điện mặt trời mái nhà được bán điện dư thừa lên lưới.

Cùng đó, các đại biểu cũng thảo luận về giá bán điện mặt trời mái nhà từ hệ thống pin lưu trữ; giới hạn tỉ lệ dư thừa điện đối với hình thức điện "tự sản, tự tiêu" để chống trục lợi chính sách, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp; trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà ở công trình hiện hữu và công trình xây mới…

Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Còn liên quan đến dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), dự thảo quy định một số nội dung chính như mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia; trình tự thực hiện và chế độ báo cáo...

Theo dự thảo Nghị định, liên quan đến đơn vị phát điện năng lượng tái tạo mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng sẽ không giới hạn công suất; bổ sung nguồn điện sinh khối, hệ thống điện mặt trời là một trong các loại hình năng lượng tái tạo...

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định làm rõ, khách hàng sử dụng điện lớn mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, không giới hạn là các khách hàng sản xuất; chỉnh lý thẩm quyền chấm dứt tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định; đơn giản tối đa thủ tục để khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp...

Anh Nhật
Bình luận
vtcnews.vn