Kết luận này được các nhà khoa học thuộc Đại học Nam Đan Mạch đưa ra sau khi phân tích các dữ liệu lịch sử trong suốt 250 năm qua.
Các kết quả cho thấy rằng, phụ nữ sống lâu hơn đàn ông trên các đồn điền nô lệ ở Trinidad, trong nạn đói ở Thụy Điển và thời kỳ bùng phát dịch sởi ở Iceland.
Ngay cả khi ở thời kỳ có tỷ lệ chết người rất cao, thời gian sống của phụ nữ vẫn nhiều hơn nam giới trung bình từ 6 tháng tới 4 năm.
Các đối tượng được đưa vào nghiên cứu là 7 nhóm người mà tuổi thọ trung bình của họ là 20 tuổi. Họ là những người làm việc hoặc là nô lệ ở Trinidad và Mỹ vào đầu những năm 1800, những người trải qua nạn đói ở Thụy Điển, Ireland và Ukraine trong thế kỷ 18, 19 và 20 và những người Iceland bị ảnh hưởng bởi dịch sởi năm 1846 và 1882.
Nhà nghiên cứu Virginia Zarulli tới từ Đại học Nam Đan Mạch cho rằng, khoảng cách về tuổi thọ phụ thuộc vào yếu tố di truyền hoặc hormone và kết luận: "Các bé gái khi sinh ra vốn cứng cáp hơn các bé trai".
Ví dụ, bé gái sinh ra trong nạn đói ở Ukraine năm 1933 sống trung bình được 10,85 tuổi trong khi con số này ở các bé trai chỉ dừng ở 7,3 tuổi. Hay những nữ nô lệ được Mỹ giải phóng và di cư tới Liberia từ năm 1820 - 1843 có tuổi thọ trung bình cao hơn nam nô lệ 0,55 tuổi dù cả 2 đều cùng phải sống trong một thời kỳ có tỷ lệ tử vong được ghi nhận lên tới 43%.
Video: Ăn gì để nam giới dễ hút hồn chị em?
Ông Zarulli cho rằng, nguyên nhân của sự chênh lệch này nằm ở nhiễm sắc thể kép X và hormone oestrogen trên cơ thể nữ giới, giúp phụ nữ sống lâu hơn đàn ông.
"Nói một cách đơn giản thì dễ dàng nhận thấy nếu có một đột biến xảy ra trên nhiễm sắc thể X, phụ nữ có một nhiễm sắc thể khác bù đắp một phần hoặc toàn bộ trong khi đàn ông thì không.
Cùng với đó hormone estrogen có thể bảo vệ mạch máu và giúp chống lại một loạt bệnh tật trong khi hormone testosterone ở nam giới lại làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh và cũng là tác nhân hình thành các hành vi liều lĩnh, làm tăng nguy cơ tử vong do tai nạn và bạo lực", ông Zarulli nhấn mạnh.
Bình luận