Liên quan đến vụ con trai dùng ghế đánh mẹ già gây phẫn nộ ở Yên Bái, trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trên cơ sở thương tích của người mẹ, nếu bị chấn thương sọ não, dù không chết thì người con vẫn phải chịu trách nhiệm về tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo luật sư, hành vi phạm tội của người con thể hiện sự vô đạo đức, bất nhân, bất nghĩa khi sử dụng vũ lực ngay với mẹ đẻ gây phẫn nộ trong dự luận xã hội. Chính vì vậy, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm bạo lực gia đình đang có xu hướng gia tăng trong xã hội.
"Đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội Facebook và các phương tiện truyền thông được coi là nguồn tin tố giác tội phạm nên cơ quan điều tra cần xem xét để xử lý kẻ phạm tội theo quy định của pháp luật.
Xét hành vi của người đã sử dụng phương tiện nguy hiểm là chiếc ghế dài bằng gỗ, đánh thẳng vào đầu người mẹ là hành vi nguy hiểm đến tính mạng. Nạn nhân bị chấn thương chảy máu đầu và gục ngã tại chỗ.
Trên cơ sở thương tích của bà, nếu bị chấn thương sọ não, dù không bị tử vong thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về tội giết người", luật sư Thơm phân tích.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, người con chỉ vì bị mẹ nhắc nhở việc thường xuyên uống rượu mà đang tâm sử dụng vũ lực đánh mẹ là hành vi côn đồ hung hãn, coi thường tính mạng của người sinh ra mình cũng như đạo hiếu làm người.
Nếu có căn cứ xử lý về tội "Giết người" thì kẻ này phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm đ, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015. Dù nạn nhân không chết do được cấp cứu kịp thời thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về tội Giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù giam.
Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, con cái phải có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Tuy nhiên, căn cứ vào đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội và được biết người quay lại hình ảnh là một người con trai khác của nạn nhân nhưng người này không can ngăn mà lại còn kích động anh trai đánh mẹ là hành động sai trái đáng lên án và cần phải xử lý.
Theo luật sư Bình, căn cứ Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì với hành vi như: Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình... sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Đối với hành vi sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Mạng xã hội trước đó đăng tải hình ảnh người con cầm ghế lao từ trong nhà ra ngoài đánh vào đầu người mẹ cao tuổi, khiến nạn nhân nằm bất động tại cửa nhà. Đặc biệt, một người đàn ông quay lại video không những không can ngăn, mà còn hùa theo hành động đó.
Sau đó, cơ quan công an vào cuộc và xác định nạn nhân là bà Hoàng Thị Xay (60 tuổi, ở xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, Yên Bái). Bà Xay bị con trai là Trần Văn Tam (khoảng 40 tuổi) dùng ghế đánh thẳng vào đầu chỉ vì nhắc nhở con việc thường xuyên uống rượu.
Được biết, người quay lại đoạn clip là một người con trai khác của bà Xay.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 2 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Bình luận