Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã chia sẻ với báo chí thông tin về đợt xét tuyển đợt 1 và xét tuyển bổ sung năm 2016.
- Một số ý kiến cho rằng khi các trường hạ điểm xét tuyển nguyện vọng 2 sẽ không đảm bảo công bằng trong tuyển sinh. Quan điểm của Bộ GD-ĐT về vấn đề này thế nào, thưa ông?
Không có phương án tuyển sinh nào hoàn hảo. Vì vậy khi ban hành quy chế Bộ đều đã tham khảo ý kiến rộng rãi các trường, các sở, thí sinh và toàn xã hội để lựa chọn phương án được nhiều người ủng hộ nhất.
Trước khi thi, tất cả thí sinh đều biết được các quy định của quy chế. Vì vậy khi thực hiện đúng quy chế là đảm bảo được công bằng trong tuyển sinh.
Năm 2015, quy chế cho phép thí sinh rút/nộp hồ sơ giúp cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển nhất thì đã xảy ra phức tạp, dư luận không đồng tình.
Năm 2016, quy chế không cho phép thí sinh rút/nộp hồ sơ để khắc phục bất cập. Để hỗ trợ cho thí sinh tránh bớt rủi ro, quy chế đã cho phép thí sinh có nhiều nguyện vọng và được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi để nộp vào trường mà mình quyết định nhập học.
Nghĩa là khi đã trúng tuyển rồi mà thí sinh thấy không thích ngành/trường đã trúng tuyển các em vẫn còn cơ hội sửa sai bằng cách không nộp giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo.
Khi các em đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi thì có nghĩa là các em đã chấp nhận nguyện vọng trúng tuyển, dành cơ hội tuyển bổ sung cho những thí sinh khác.
Ngành các em yêu thích không hẳn phải là ngành có điểm chuẩn cao mà tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng người.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga
Phương châm tuyển sinh năm nay là giúp thí sinh trúng tuyển vào ngành nghề mà các em yêu thích. Ngành các em yêu thích không hẳn phải là ngành có điểm chuẩn cao mà tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng người.
- Nhiều ý kiến băn khoăn rằng thí sinh đi đâu mà các trường không tuyển đủ chỉ tiêu dù Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định nguồn tuyển phong phú?
Theo số liệu thống kê thì có rất nhiều thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển nhưng không nộp đăng ký xét tuyển. Trước đây khi tuyển sinh theo phương thức 3 chung nhiều trường lấy điểm chuẩn theo trường cho đủ chỉ tiêu tổng thể rồi sau đó cho thí sinh chọn lại ngành trong nội bộ trường.
Với quy định đó các trường có thể điền đầy chỉ tiêu ngay nhưng thí sinh không có sự lựa chọn nào khác là phải theo học ngành mà trường còn chỗ. Thực tế cho thấy nhiều sinh viên học không đúng ngành yêu thích rơi vào trạng thái chán nản, bỏ học giữa chừng.
Quy chế năm nay ưu tiên cho thí sinh chọn ngành mà các em yêu thích, không khuyến khích các em “cố” đỗ vào đại học bất cứ ngành nào. Khi trao cho thí sinh quyền được lựa chọn như vậy rõ ràng mỗi thí sinh tùy thuộc hoàn cảnh, ước mơ của mình để đưa ra quyết định phù hợp.
Video: Nghịch lý mùa tuyển sinh năm 2016: Mới hôm trước còn trượt, 2 tuần sau lại thành đỗ
Rất nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích đã không nộp đơn xét tuyển vào ngành khác mà chấp nhận học lại để sang năm thi. Mặt khác năm nay rất nhiều trường có đề án tự chủ tuyển sinh xét tuyển bằng học bạ nên nhiều thí sinh đã trúng tuyển vào các trường này đúng nghành nghề mà các em yêu thích.
Một số học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nước ngoài, một số khác đi học nghề hay tham gia thị trường lao động…
Vào đại học ngày nay không còn là con đường lựa chọn duy nhất nữa mà thí sinh có nhiều sự lựa chọn các con đường khác để lập thân, lập nghiệp.
Vì vậy các trường đại học cũng phải điều chỉnh chiến lược phát triển của mình cho phù hợp với tình hình này khi mà thí sinh đòi hỏi chất lượng đào tạo ngày càng cao hơn, yêu cầu khi tốt nghiệp đại học có nhiều cơ hội việc làm hơn.
- Những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay, thưa ông?
Thị trường việc làm là yếu tổ ảnh hưởng đầu tiên đến sự lựa chọn của thí sinh. Nếu những năm trước đây khối ngành kinh tế, quản lý, ngân hàng… được nhiều thí sinh lựa chọn thì nay khối ngành kỹ thuật công nghệ tuyển sinh thuận lợi hơn.
Thứ hai là ý thức phân luồng của thí sinh ngày nay cũng rõ ràng hơn. Những thí sinh thấy khả năng học đại học không tốt thì đã chọn đi học nghề ngay từ đầu. Số liệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay cho thấy có đến 30% thí sinh chỉ dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Thứ ba là học phí ngày càng tăng cả các trường công lập lẫn các trường ngoài công lập đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của một bộ phận thí sinh. Nếu như trước đây khi học phí thấp, sinh viên không phải tốn kém nhiều nên tâm lý chung là cứ vào đại học để có bằng, việc làm tính sau. Nay học phí cao hơn, thí sinh buộc phải tính toán về hiệu quả đầu tư.
Thứ tư là các thông tin về thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp… đã có những tác động nhất định đến việc lựa chọn của thí sinh. Trong khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo kỹ năng ngắn hạn để làm việc có thu nhập ngay thì việc học đại học dài hạn nhưng tương lai chưa chắc tìm được việc làm cũng đã khiến nhiều thí sinh chùn bước.
Ngoài những tác động của thị trường lao động thì mục tiêu, chương trình đào tạo tại các trường đại học của chúng ta tuy đã có nhiều đổi mới trong những năm qua nhưng vẫn còn chậm.
Đào tạo của nhiều trường vẫn còn hướng sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm ở cơ quan, doanh nghiệp… có sẵn, chưa tập dợt cho sinh viên ý thức nóng bỏng về khởi nghiệp, sáng tạo, tự tạo việc làm cho chính mình và cho người khác. Đó là thực tế mà các trường cần tiếp tục đổi mới để thu hút người học.
Trong đợt 1 tổng số thí sinh đạt điều kiện xét tuyển sinh đại học là 404.000. Tổng số thí sinh đã tham gia đăng ký xét tuyển là 398.000. Số thí sinh đã đăng ký xác nhận nhập học đại học là 230.000. Tỷ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 230.000/320.000 đạt gần 72%.Tỉ lệ này xấp xỉ với đợt 1 tuyển sinh 3 chung (khoảng 75%).
Chỉ có năm 2015 do thí sinh chỉ đăng ký vào 1 trường duy nhất nên hầu như không có ảo, nhiều trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt đầu tiên.
Trong số thí sinh tham gia đợt xét tuyển bổ sung đợt này có trên 25% thí sinh trên 20 điểm trở lên các khối A, B, C, D. Tối nay 31-8 các trường sẽ tải dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt bổ sung về để tiến hành xét tuyển. Cũng như lần trước, trong lần này Bộ cũng cung cấp cho các trường cơ sở dữ liệu kèm theo danh sách tất cả các nguyện vọng đã đăng ký của thí sinh để các trường phân tích lọc ảo, xác định điểm chuẩn phù hợp.
Theo thống kê đến 16h00 ngày 31-8 có 48.860 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung vào 80.950 lượt trường với 144.600 nguyện vọng. Số liệu này cho thấy rất nhiều thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào 1 trường duy nhất và bình quân mỗi thí sinh chỉ đăng ký 3 nguyện vọng trên tổng số 6 nguyện vọng các em được phép đăng ký tối đa.
Bình luận