Theo nghiên cứu được thực hiện dưới sự phối hợp của các chuyên gia tới từ Viện nghiên cứu Môi trường Trái đất thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Thay đổi Toàn cầu ở Bắc Kinh và Trung tâm nghiên cứu Khí quyển Colorado ở Mỹ, dự án "Bức tường xanh vĩ đại" tại Bắc Kinh đang làm giảm tới 15% khả năng phân tán PM2.5, các hạt mịn gây hại cho sức khỏe của con người trong đợt ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng tại thành phố này từ tháng 1/2014.
Ở mức đỉnh điểm, PM2.5 tại Bắc Kinh đạt tới 350 microgam/1m3 không khí, cao gấp 14 lần so với mức nguy hiểm được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.
Theo các nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu, khu rừng giữa trung tâm thành phố do con người tạo ra đã làm giảm tốc độ của gió. Điều này khiến cho khói, bụi không thể phân tán và biến Bắc Kinh trở thành một cái bẫy khổng lồ hút các chất khói, bụi ô nhiễm trong không khí.
Mối liên hệ giữa cây trồng và sương mù đã trở thành chủ để tranh luận trong nhiều năm qua ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần phủ nhận chiến dịch trồng cây làm gia tăng khói bụi ở Bắc Kinh và các vùng lận cận dù rằng hiện tượng "càng nhiều cây, càng lắm sương mù" đã trở nên hết sức quen thuộc với người dân thủ đô Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu, khu rừng nhân tạo thuộc dự án "bức tường xanh vĩ đại" đã làm tăng 6% lượng không khí gây ô nhiễm trong toàn bộ khu vực rộng tới 218.000 km2 ở phía Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định việc trồng rừng không phải là nguyên nhân, mà vấn đề cốt lõi chính là việc xả thải từ các nhà máy công nghiệp khổng lồ ở trung tâm và vùng ven đã hình thành lên lớp khói mù dày đặc ở thủ đô của Trung Quốc.
Bình luận