Gần đây, báo chí đã nhắc nhiều đến “thảm cảnh” của đại gia thừa tiền. Trong khi công ty cổ phần chứng khoán Kim Long quá nhiều tiền, không tìm được chỗ đầu tư nên đành… giải thể để chia tiền thì một số công ty khác như Hoàng Huy lại mang 800 tỷ đồng gửi ngân hàng.
Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) không đến mức rơi vào "thảm cảnh" như Kim Long nhưng cũng giống như Hoàng Huy, Sabeco “ôm” gần 8.200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng để nhận lãi suất tiết kiệm.
Gửi ngân hàng 8.200 tỷ đồng
Bên cạnh Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), Sabeco là doanh nghiệp thường xuyên lọt vào danh sách các đại gia sở hữu lượng tiền mặt nhiều nhất. Và phần lớn tiền mặt đều được gửi tại ngân hàng để lấy lãi.
Theo báo cáo tài chính riêng quý 2/2016 của công ty mẹ Sabeco, tại thời điểm cuối tháng 6, tiền và các khoản tương đương tiền của Sabeco là 8.357 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tương đương tiền lên tới gần 8.200 tỷ đồng, chiếm 98% tổng tiền.
Theo thuyết minh của Sabeco, các khoản tương đương tiền 8.200 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 - 6,2%/năm. Trong đó, có khoản 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng, hưởng lãi suất 6,2-7,2%/năm.
8.200 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng góp phần không nhỏ vào khoản doanh thu hoạt động tài chính của Sabeco. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu này tại Sabeco đạt 679 tỷ đồng. Trong đó có tới 218 tỷ đồng là tiền lãi gửi ngân hàng, cổ tức lợi nhuận được chia chiếm tỷ trọng lớn hơn khi đạt 449 tỷ đồng.
Công ty mẹ Sabeco là một trong những đơn vị hiếm hoi không phải đi vay ngân hàng vì quá dư dả tiền mặt. Nhưng cũng không “trách” Sabeco không tìm nơi đầu tư tiềm năng cho khoản tiền khủng 8.200 tỷ đồng mà “ôm” số tiền này đi gửi ngân hàng. Đó là vì, không ít khoản đầu tư của Sabeco đang khiến công ty thua lỗ.
Hiện tại, Sabeco đang gánh chịu hai khoản đầu tư thua lỗ. Với khoản đầu tư vào ngân hàng Phương Đông, Sabeco phải trích lập dự phòng khoảng 158 tỷ đồng. Khoản đầu tư 136 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Đông Á khiến công ty đang phải hạch toán lỗ và trích lập tới 111 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sabeco còn có một khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng, đó là 20 tỷ đồng mua trái phiếu Vinashin.
“Con” đi vay 1.777 tỷ đồng
Trong khi công ty mẹ Sabeco dư dả, ôm gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng, các công ty con của Sabeco lại thiếu tiền và phải đi vay lãi. Mặc dù Sabeco chưa công bố báo cáo tài chính nhất hợp nhất quý 2/2016 nhưng dựa vào báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2016, có thể thấy, số tiền mà các công ty con của Sabeco đi vay là không hề nhỏ.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2016, cả hệ thống Sabeco đang gánh những khoản vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn là 1.777 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 1.220 tỷ đồng.
Khoản nợ này khiến Sabeco phải trả tiền lãi vay của quý 1/2016 là hơn 16 tỷ đồng. Chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí tài chính.
Điều đáng nói, mặc dù phải đi vay nhưng một vài công ty con của Sabeco vẫn thừa tiền và mang đi gửi ngân hàng như “mẹ”. Vì vậy, lãi tiền gửi, tiền cho vay của công ty đạt tới 87 tỷ đồng, nhiều hơn cả tiền lãi đi vay.
Bình luận