Ngày 5/6, hàng loạt quốc gia, trong đó bao gồm các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Saudi Arabia, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Đây được coi là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Trung Đông trong nhiều năm gần đây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh và kinh tế của khu vực cũng như toàn thế giới. Cuộc khủng hoảng ngoại giao này có thể kéo theo những diễn biến khó lường nếu các nước thiếu kiềm chế.
Quân đội nhỏ bé
Theo Global Fire Power, Qatar tuy là quốc gia giàu có ở Vùng Vịnh nhưng duy trì quân đội nhỏ bé với quân số chỉ tương đương một sư đoàn. Lực lượng vũ trang Qatar có quân số khoảng 12.000 người và không có quân dự bị.
Trong đó, lục quân có quân số khoảng 8.500 người, hải quân 1.800 người và không quân 1.500 người. Trang bị khí tài cũng rất khiêm tốn với khoảng 92 xe tăng, 464 khẩu lựu pháo tự hành, 24 lựu pháo kéo xe và 12 hệ thống pháo phản lực phóng loạt, cùng khoảng vài trăm xe bọc thép các loại.
Năm 2013, Qatar đặt hàng 24 lựu pháo tự hành PzH-2000 và 62 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2A7 của Đức để hiện đại hóa lực lượng mặt đất. Năng lực phòng không của Qatar dựa vào 11 hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 của Mỹ, 18 bệ phóng tên lửa Raiper của Anh cùng một số tên lửa phòng không vác vai.
Video: Quân đội nhỏ bé của quốc gia giàu có Qatar
Không quân Qatar cũng rất nghèo nàn về trang thiết bị. Lực lượng này có khoảng 98 máy bay đánh chặn, 9 máy bay tấn công, 15 máy bay vận tải, 53 máy bay huấn luyện, 28 trực thăng, 43 trực thăng tấn công. Máy báy chiến đấu hiện đại nhất của nước này là Mirage-2000 do Pháp chế tạo vào những năm 1970.
Qatar đã đặt mua 18 tiêm kích đa năng hiện đại Rafale của Pháp. Tháng 4/2016, Qatar đã yêu cầu Mỹ bán cho nước này 36 tiêm kích F-15E Strike Eagle. Tuy nhiên, các chiến đấu cơ hiện đại vẫn chưa được chuyển giao nên năng lực tác chiến của không quân nước này rất hạn chế.
Cũng theo Global Fire Power, năng lực tổng thể của Qatar năm 2017 đứng thứ 90 trong số 126 quốc gia nằm trong danh sách xếp hạng của trang web này.
Phụ thuộc vào an ninh từ Mỹ
Qatar có quân đội khiêm tốn nhưng an ninh của quốc gia Vùng Vịnh này chủ yếu dựa vào Hiệp định quốc phòng với Mỹ và Anh. Đặc biệt, Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. Căn cứ không quân Al Udeid nằm cách Thủ đô Doha khoảng 36 km về phía tây nam.
Căn cứ này có khoảng 11.000 nhân viên quân sự Mỹ đang làm việc, gần bằng quy mô lực lượng vũ trang Qatar. Căn cứ Al Udeid tự hào có đường băng dài 3,8 km, dài nhất ở vịnh Ba Tư. Đây là một cơ sở chiến lược quan trọng có thể chứa hơn 120 máy bay.
Năm 2016, căn cứ này được sử dụng làm nơi triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 oanh tạc các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Trong các chiến dịch quân sự tại Afghanistan, tiêm kích F-16, máy bay do thám E-8C, cùng máy bay tiếp dầu cất cánh từ căn cứ này.
Theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ trong năm 2014, Qatar đã chi khoảng 1 tỷ USD để xây dựng căn cứ này từ những năm 1990, cho dù họ chỉ có một số lượng nhỏ máy bay tại đây. Căn cứ rộng lớn này đã lần lượt tạo điều kiện hợp tác sâu hơn với quân đội Mỹ qua các thời kỳ.
Căn cứ Al Udeid là nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Trung tâm Không quân Mỹ và Không đoàn Viễn chinh 379, một trong những đơn vị viễn chinh lớn và đa dạng nhất của Không quân Mỹ. Theo Không quân Mỹ, đơn vị 379 giám sát các hoạt động của Không quân Mỹ tại Afghanistan, Syria, Iraq và 18 quốc gia khác.
Không quân Mỹ chỉ tốn 60 triệu USD để cải tạo cơ sở này để chuyển từ căn cứ Sultan, Saudi Arabia sang căn cứ Al Udeid vào năm 2003. Khoảng 10 phút mỗi lần lại có máy bay cất hoặc hạ cánh tại căn cứ này.
Việc căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông đặt ở Qatar, cùng với Hiệp định quốc phòng ký kết vào năm 2013 có thể là sự đảm bảo an ninh cho quốc gia nhỏ bé này.
Bình luận