Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, 61 dự án BOT trên cả nước thu được 5.665 tỉ đồng trong 5 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng thu hơn 1.000 tỉ đồng tiền phí của xe lưu thông qua trạm, với tổng lượng xe qua các trạm là 112,4 triệu lượt. Riêng tháng 5, số tiền thu phí đạt 1.121 tỉ đồng, lưu lượng xe qua các trạm là 21,7 triệu lượt.
Mức thu được cho là cao, tuy nhiên, phần lớn các trạm BOT vẫn kêu lỗ so với chi phí đầu tư và chi trả. Thậm chí mới đây, trạm BOT trên quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đã đòi "trả lại" vì cho rằng không chịu được việc kinh doanh thua lỗ nhiều năm nay.
Việc Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, nhà đầu tư dự án trạm thu phí BOT quốc lộ 91 và 91B nằm ngay khu vực cầu Vàm Cống, có văn bản gửi Thủ tướng đòi trả lại dự án hoặc Chính phủ phải hoàn trả 880 tỉ đồng tiền chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư tuyến quốc lộ 91B đang làm dấy lên sự lo ngại.
Lý giải việc này, nhà đầu tư cho rằng, trong hơn 3 năm hoạt động bị thua lỗ, dính nợ xấu ngân hàng và trạm thu phí T2 buộc xả trạm từ ngày 25/5 vì bị giới tài xế phản ứng "đặt nhầm chỗ".
Trước tình trạng nhiều trạm BOT phản ánh tình trạng thua lỗ, Bộ GTVT đã kiến nghị nhiều phương án để giải quyết vấn đề này. Mới đây, Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình, Tổng cục Đường bộ và nhà đầu tư về việc thống nhất lại phương án miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm thu phí QL6 và đường Hòa Lạc - Hòa Bình.
Theo đó, việc giảm giá với người dân là chủ sở hữu hợp pháp của các phương tiện sống xung quanh khu vực trạm thu phí, hoàn thành trong tháng 7. Trước đó, BOT Hòa Lạc - Hòa Bình nhiều lần phải xả trạm do người dân tụ tập phản ứng, yêu cầu phải giảm phí cho xe không chính chủ của người dân địa phương sống xung quanh trạm.
Tổng cục Đường bộ cũng vừa báo cáo Bộ GTVT 2 phương án xử lý bất cập Trạm thu phí T2 QL91. Phương án 1: Di dời Trạm T2 về phía TP.Cần Thơ qua ngã ba Lộ Tẻ (giao QL80 với QL91) tại vị trí khoảng Km49+200 QL91, theo tính toán số năm thu phí hoàn vốn dự kiến 32 năm 7 tháng. Nếu thực hiện phương án này sẽ giải quyết căn bản các vướng mắc của người dân.
Phương án 2: Giữ nguyên Trạm thu phí T2 và thực hiện giảm giá phương tiện lân cận, thời gian hoàn vốn dự kiến sẽ là 26 năm 1 tháng; Tổng cục Đường bộ cho rằng, phương án này sẽ tổ chức thu phí lại được ngay, số thu phí cơ bản đảm bảo so với phương án tài chính, thời gian thu phí không bị kéo dài đồng thời không gây lãng phí sau khi tuyến tránh TP.Long Xuyên dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành khai thác năm 2022.
Tuy nhiên, các chủ phương tiện đi theo hướng từ QL80 (hướng từ tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp) qua Trạm thu phí T2 về tỉnh An Giang và ngược lại, nhất là đối với các phương tiện không nằm trong diện được miễn giảm giá dịch vụ sử dụng khoảng 1,2 km nhưng phải trả tiền dịch vụ cho cả dự án có thể không đồng tình dẫn đến phản đối, gây rối tại Trạm thu phí T2, việc giữ ổn định trong tổ chức thu phí gặp nhiều khó khăn.
Bình luận