Xuất phát từ cái tâm
Được sự chỉ dẫn của cán bộ ấp 2 xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM, chúng tôi có dịp gặp gỡ vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiệp, bà Nguyễn Thị Kha.
Trước mắt chúng tôi là cặp vợ chồng có vóc dáng nhỏ bé, không khác mấy so với như những người nông dân chân chất, thế nhưng không ai tin nổi, chỉ trong thời gian ngắn, cặp vợ chồng già đã hơn 70 lần hiến máu tình nguyện.
Nhắc tới vợ chồng chú ba Hiệp, Hội Thanh niên tình nguyện, Hội chữ Thập đỏ TP. HCM không ai không biết, mỗi khi chương trình hiến máu diễn ra, vợ chồng ông đều có mặt. Bởi dù gần 60 tuổi nhưng cả hai đều khỏe mạnh và trẻ trung hơn so với tuổi vốn có.
Gặp chúng tôi, ông Hiệp mở nụ cười: “Nhìn vậy chứ không phải vậy đâu. Tôi khỏe lắm, bây giờ ai thiếu máu hay có đoàn hiến máu nào là bỏ việc đi theo ngay. Lúc trước, nghe thông tin báo đài hiến máu tình nguyện, vợ chồng tôi tìm đến địa chỉ 201 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 hiến máu. Lần đầu, tôi trốn vợ con, không cho gia đình biết chuyện”.
Khi một thân một mình đi hiến máu vì cộng đồng, nhiều người xung quanh bàn tán, họ còn dùng những lời lẽ thô tục, ánh mắt đầy săm soi việc ông Hiệp đang làm. “Có hôm vừa đi hiến máu về, trên tay còn cầm mấy lon sữa, hàng xóm bảo hết chuyện kiếm tiền hay sao, bộ nhà nghèo lắm hay sao mà lại còn đi bán máu, khi ấy tôi chỉ biết cười”, ông Hiệp thổ lộ.
Cũng chính vì kiên nhẫn hiến máu tình nguyện trong thời gian dài, sức khỏe ông Hiệp ngày càng được cải thiện. “Xưa ông ấy bị tai biến tưởng chết, bác sĩ khuyên nếu muốn qua khỏi phải thay máu. Sau đợt tai biến, ông nhà tôi đi hiến máu đều đặn mà không thấy bệnh tật gì”, bà Kha tâm sự.
Sở dĩ có được những suy nghĩ nhân văn như thế là do vợ chồng ông Hiệp nhận ra rằng, máu không sản xuất được, chỉ cho và hiến tặng. Máu là vô giá, những lần đứng trước sự sống và cái chết của người bệnh đang cần máu để truyền, giành lại sự sống thì bản thân ông Hiệp, bà Kha nhận thấy rằng việc hiến máu rất đáng quý.
“Có lần khi vừa thấy tôi đến chỗ hiến máu, ông bác sĩ ngạc nhiên hỏi: “Bác lại tiếp tục nữa à"?. "Với tôi, tấm lòng hướng thiện, cứu người là trên hết. Với lại tôi nghĩ đơn giản, mình hiến chút ít máu thì mình cũng không sao mà cứu được vô số người đang cần, vậy thì sao không làm”, vợ chồng bác Hiệp cười nói.
Còn nhận là còn hiến
Tâm sự về lý do hiến máu, ông Hiệp kể: “Tôi cũng không nhớ năm đó là năm nào nữa. Một lần xem truyền hình, tôi thấy một anh công nhân ở Sài Gòn không may bị tai nạn nhưng gia đình không cùng nhóm máu với nạn nhân. Không lâu sau đó anh ấy qua đời vì vết thương khá nặng.
Thấy thương cho những người không may mắn như vậy, tôi liền nghĩ tới chuyện tại sao những người lành lặn như mình không hiến máu để cứu giúp những người không may mắn như anh công nhân kia, một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Cũng từ sau câu chuyện này, ông Hiệp nung nấu ý định sẽ hiến giọt máu của mình để cứu những phận đời không may mắn. Chỉ trong thời gian ngắn, vợ chồng ông Hiệp đã liên tục thiện nguyện, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên con cái nhiều lần khuyên ngăn, tuy nhiên cặp vợ chồng già ấy vẫn thực hiện lòng ước ao của mình dù cho bị phản đối.
Kể từ lần đầu tiên, cứ đều đặn 3 đến 5 tháng, vợ chồng ông Hiệp lại hiến máu một lần. Đặc biệt hơn, có lần ông Hiệp cho đi số máu lên đến 450ml.
Suốt chừng ấy năm tham gia chương trình tự nguyện, bà Kha tự tin rằng: “Dù gia đình còn thiếu thốn nhiều, cái ăn cái mặc còn phải chạy vạy kiếm từng bữa, nhưng việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ chồng tôi.
Để chất lượng máu được đảm bảo, tôi cố gắng ăn nhiều rau và hoa quả từ vườn trái cây tại gia đình mình. Dù không hiểu biết về chế độ dinh dưỡng nhưng mỗi lần đi hiến máu, sau khi kiểm tra sức khỏe của tôi, các bác sĩ đều đồng ý lấy máu”, bà Kha kể.
Mặc dù không thuộc nhóm máu O quý hiếm, không thể truyền cho tất cả mọi người được, nhưng không vì thế mà cặp vợ chồng già giảm số lần đi hiến máu để cứu người. Suốt thời gian thực hiện nghĩa cử cao đẹp ấy, ông Điệp rút ra cho bản thân mình những kinh nghiệm để đảm bảo sức khỏe tốt nhất sau mỗi lần hiến máu.
“Mấy lần đầu, sau khi hiến tôi cứ vô tư chứ không ăn uống gì nhiều. Những lầu sau, trước ngày đi hiến máu tôi đi ngủ sớm và uống 2 viên thuốc bổ máu. Sau khi hiến máu trở về, tôi lại uống thêm 1 viên thuốc bổ máu nữa để nhanh lấy lại hồng cầu. Mỗi lần như thế, tôi uống rất nhiều nước, có ngày tôi uống hơn 2 lít nước. Chỉ khoảng 3 ngày sau tôi thấy cơ thể trở lại thể trạng bình thường”, ông Hiệp chia sẻ.
Ngoài việc đăng ký hiến máu định kỳ, vợ chồng ông Hiệp còn động viên các con hiến máu thường xuyên, và được ưu tiên hiến trước để xong sớm về kịp thời gian đi làm.
Được biết, hiện nay vợ chồng ông Hiệp đã có số lần hiến máu nhiều nhất xã (hơn 75 lần) và theo quy định, năm sau vợ chồng ông sẽ hết tuổi hiến máu, nhưng ông Hiệp cho biết chừng nào còn sức khỏe có thể hiến máu cứu người thì ông bà vẫn muốn làm, khi nào bác sĩ không nhận nữa thì mới nghỉ.
Video: Bác sĩ hiến máu cứu sống bệnh nhân ngay trong phòng mổ
Bình luận