Theo thông tin từ các kênh truyền hình Bayerischer Rundfunk và ARD của Đức, 2 công ty của Đức là Ferrostaal và EnerSys-Hawker đang bị tình nghi cung cấp các pin thay thế có chất lượng không đảm bảo, số pin này được sử dụng trên tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích tháng 11/2017.
Tàu ngầm ARA San Juan được khởi đóng năm 1983 tại Đức, đến năm 2011 trải qua cuộc đại tu lớn nhằm kéo dài thời gian vận hành lên 30 năm. Hoạt động đại tu này bao gồm việc thay thế 964 viên pin trên tàu, 2 công ty nói trên của Đức ký hợp đồng trị giá 5 triệu Euro để cung cấp các linh kiện phục vụ việc thay thế.
Tuy nhiên, 2 kênh truyền hình Đức cho biết có dấu hiệu tham nhũng trong thương vụ này. Cornelia Schmidt-Liermann, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Argentina, cho biết chính quyền nước này đang nghi ngờ rằng có hoạt động hối lộ xảy ra trong quá trình đàm phán về hợp đồng sửa chữa tàu ngầm San Juan.
Ngoài ra, bà cũng cho biết có dấu hiệu của việc sử dụng pin kém chất lượng trong quá trình sửa chữa: “Hiện có nghi ngờ về việc pin thay thế không đáp ứng được chất lượng yêu cầu”.
Bà cũng lưu ý rằng: “Chúng tôi không biết chúng đến từ đâu, Đức hay nước nào khác. Chúng tôi muốn biết được kỹ thuật viên của bên nào có mặt tại thời điểm đó trên con tàu ngầm và ai là người ký văn bản xác nhận quá trình sủa chữa được hoàn thành”.
Đây không phải là lần đâu tiên mà Ferrostaal và EnerSys-Hawker bị đưa vào tầm ngắm. Năm 2010, cả 2 công ty này tham gia đấu thầu cung cấp tàu tấn công tốc độ cao cho hải quân Argentina và Chile.
Dù thương vụ này không thành công nhưng vẫn có những khoản hối lộ được đưa. Cũng tại thời điểm năm 2010, Argentina mở cuộc điều tra chống tham những liên quan đến việc pin chất lượng kém được tuồn vào, nhưng cuộc điều tra kết thúc trong bế tắc.
Pin sạc được dùng cho những loại tàu ngầm diesel điện vốn không có lò phản ứng năng lượng hạt nhân. Khi nổi trên mặt nước, những tàu ngầm loại này sử dụng động cơ diesel và chỉ chuyển sang dùng động cơ điện để đảm bảo bí mật khi lặn xuống.
Sự cố pin trên tàu ngầm ARA San Juan có thể giải thích cho một chuỗi các sự kiện dẫn đến việc con tàu này bị chìm sau vụ nổ bên trong tàu. Đoạn liên lạc cuối cùng của thuyền trưởng được công bố có nội dung: “Nước biển thông qua hệ thống thông gió vào Thùng pin số 3 gây chập mạch và có hỏa hoạn trong buồng chứa pin. Số pin này không hoạt động. Không có thông báo trực tiếp, sẽ giữ liên lạc”.
Sau khi đoạn liên lạc này, các hệ thống giám sát âm thanh quốc tế phát hiện âm thanh khủng khiếp dưới nước, Hải quân Argentina nhận định rằng đây có thể là âm thanh do vụ nổ tàu ngầm ARA San Juan gây ra. Ngày 30/11, chính quyền Argentina ngừng nỗ lực giải cứu 44 thủy thủ có mặt trên con tàu.
Bình luận