• Zalo

Nghị quyết Trung ương 5 về đất đai: Đột phá mang tính bước ngoặt về tư duy

Chính trịChủ Nhật, 31/07/2022 08:50:08 +07:00Google News
(VTC News) -

Nghị quyết số 18 đặt ra giải pháp bãi bỏ khung giá đất nhưng tiếp tục sử dụng cơ chế bảng giá đất, xây dựng bảng giá đất dựa trên nguyên tắc của thị trường.

Theo quy định của Luật Đất đai, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm/lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp. Địa phương xây dựng bảng giá đất phải dựa vào khung giá này.

Quy định này được nhiều chuyên gia cho rằng là nguyên nhân dẫn tới bảng giá đất do địa phương xây dựng không sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường, gây thất thoát nguồn lực tài chính cho ngân sách Nhà nước khi giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng và là yếu tố dẫn tới tranh chấp, khiếu kiện kéo dài của người dân khi Nhà nước thu hồi đất, gây thiệt hại cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. 

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, thời gian qua, có rất nhiều vụ tham nhũng tiêu cực liên quan đất đai mà nguyên nhân sâu xa là do bảng giá đất thấp, khiến cho nhiều cá nhân trục lợi khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất cho tư nhân.

Nghị quyết Trung ương 5 về đất đai: Đột phá mang tính bước ngoặt về tư duy - 1

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá đất hiện nay tăng cao là do tình trạng tích trữ, đầu cơ về đất đai.

“Nhiều người giàu có lên bằng cách đầu cơ đất đai, đầu cơ nhà ở. Nếu chúng ta không thay đổi được tình trạng đang diễn ra như hiện nay thì chắc chắn tới năm 2045 Việt Nam khó có thể trở thành nước có thu nhập cao như mục tiêu đã đặt ra", ông Đặng Hùng Võ nói.

Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 8 đã ban hành Nghị quyết số 18/2022. Nhằm hoàn thiện cơ chế xác định giá đất trong giai đoạn tới, Nghị quyết 18 đặt ra giải pháp đáng chú ý là bãi bỏ khung giá đất nhưng tiếp tục sử dụng cơ chế bảng giá đất, xây dựng bảng giá đất dựa trên những nguyên tắc của thị trường.

Nghị quyết Trung ương 5 về đất đai: Đột phá mang tính bước ngoặt về tư duy - 2

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Địa phương phải có phương pháp xác định bảng giá phải phù hợp nhất so với giá thị trường. Như vậy khi thực hiện các chính sách về kinh tế đất đai như bồi thường, giải phóng mặt bằng, người dân sẽ được hưởng chính sách đền bù thỏa đáng hơn.

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, đây chính là đột phá mang tính bước ngoặt về tư duy.

Ông Cường phân tích, trước đây, thực hiện theo khung giá chính là áp đặt của Nhà nước, sử dụng công cụ thị trường để xây dựng chính sách. Còn nếu làm được như Nghị quyết Trung ương 18 đề ra, chúng ta đã thực hiện tốt việc mô hình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, Nhà nước sử dụng công cụ thị trường để điều tiết hành vi, lợi ích và không còn dùng mệnh lệnh hành chính của mình để áp đặt và sẽ không còn tình trạng “ép” người dân buộc phải giao đất hay cho một ai đó được quyền hưởng một khoản lợi khổng lồ từ đất, từ đó có thể triệt tiêu được tình trạng xin - cho và tham nhũng từ đất.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cũng cho rằng, việc bãi bỏ khung giá đất, đưa thị trường bất động sản về cơ chế thị trường sẽ giúp Việt Nam có thêm dòng thu ngân sách từ thuế với giao dịch bất động sản.

Cùng với đó sẽ hạn chế được đầu cơ, tham nhũng về đất đai, người dân được lợi khi nhận được tiền đền bù từ đất, tăng thu cho Ngân sách khi tiền thuế chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê đất... tăng lên.

Thu Hà(VOV2)
Bình luận
vtcnews.vn