• Zalo

'Nghi phạm' gây viêm gan bí ẩn còn là nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ

Bệnh và thuốcThứ Hai, 16/05/2022 07:07:37 +07:00Google News

Các nhà khoa học đang tập trung làm rõ mối liên quan của virus Adeno tới sự khởi phát tổn thương gan cấp tính, virus này cũng là thủ phạm gây đau mắt đỏ.

Tính tới ngày 15/5, thế giới đã ghi nhận 450 ca mắc viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân tại 21 quốc gia, trong đó có 12 bệnh nhân tử vong. 

Một số giả thuyết được đưa ra và các nhà khoa học đang tập trung làm rõ, trong đó có sự liên quan của virus Adeno, đặc biệt là chủng 41, tới sự khởi phát tổn thương gan cấp tính.

Adeno không phải virus mới

Virus Adeno không phải virus mới. TS Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho hay, các bằng chứng trong xét nghiệm kháng thể cho thấy đa số trẻ nhỏ từng nhiễm virus Adeno ít nhất 1 lần trong giai đoạn từ 0 đến 4 tuổi.

Theo các bác sĩ Bệnh viện 103, virus Adeno được phân lập lần đầu năm 1953 từ các mảnh hạch hạnh nhân và tổ chức tuyến được cắt bỏ sau khi phẫu thuật. 

Đến nay người ta biết khoảng trên 100 chủng trong đó có 47 chủng gây bệnh ở người. 

Trong tổng số 47 chủng gây bệnh ở người có 1/3 số chủng đã được xác định là căn nguyên gây bệnh nhiễm trùng ở người. Một vài chủng được cho là nguyên nhân gây ung thư thực nghiệm trên động vật. 

Virus Adeno có thể tồn tại và gây bệnh được khá lâu ở ngoại cảnh. Cụ thể, virus này tồn tại được ở nhiệt độ phòng trong 30 ngày; nhiệt độ 37 độ C trong 15 ngày; 4 độ C trong nhiều tháng và âm 20 độ C trong nhiều năm. 

Nước sôi 100 độ C, tia cực tím, cloramin dễ huỷ được virus này trong khi các dung môi hữu cơ như ete, aceton lại không diệt được virus.

Virus Adeno - thủ phạm gây bệnh đau mắt đỏ  

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, virus Adeno lây qua đường hô hấp, chủ yếu gây nhiễm trùng hô hấp. 

Tuy nhiên, virus này cũng có thể gây bệnh ở các cơ quan khác như đường tiêu hóa, viêm bàng quang, viêm não màng não hay viêm kết mạc mắt (gây bệnh đau mắt đỏ).  

Y văn cũng từng ghi nhận tình trạng tổn thương gan ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch bị nhiễm virus Adeno.

“Những trường hợp tổn thương gan do virus Adeno trước đây là cực kỳ cá biệt, mức độ gặp phổ biến và nặng như chùm ca bệnh lần này là lạ”, bác sĩ Cấp nói.

Virus Adeno nhóm B, đặc biệt là chủng 3, 7 được xác định là nguyên nhân phổ biến gây bệnh đau mắt đỏ.

Tại nước ta, đây là bệnh thường xuất hiện và dễ tạo thành dịch vào mùa hè, thời tiết nắng nóng hoặc thời điểm giao mùa. Virus này dễ lây lan do có tính kháng cồn, tồn tại trên các bề mặt dụng cụ gia đình và cả dụng cụ y tế tới 35 ngày. 

Bệnh lý đau mắt đỏ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân, khăn tay nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn (nhất là nước ở các hồ bơi)…

BS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương - cho hay biểu hiện bệnh lý do virus Adeno trên mắt khá đa dạng gồm: viêm kết mạc có hột cấp; viêm kết giác mạc dịch tễ; viêm thanh quản - kết mạc có sốt và viêm kết giác mạc có hột mạn tính.

Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm kết mạc mắt do virus Adeno là ngây ngấy sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai. 5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, ra gỉ, chảy nước mắt, cộm rát. 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại.  

Chủng 40, 41 của virus Adeno thường gây bệnh dạ dày ruột. Đây là nguyên nhân thứ 2 gây ra bệnh lý đường tiêu hoá chỉ sau virus Rota. 

Ở trẻ nhỏ, các rối loạn tiêu hoá thường gặp do virus Adeno bao gồm tiêu chảy, nôn, buồn nôn. 

Bộ Y tế ngày 13/5 khuyến cáo các biện pháp trước mắt để phòng bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân là vệ sinh cá nhân, giám sát biên giới, xét nghiệm phát hiện sớm ca nghi nhiễm... 

Những trẻ có những triệu chứng sốt, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, vàng da, viêm kết mạc… cần được tới khám tại các cơ sở y tế. 

Vệ sinh sạch sẽ cũng là biện pháp được các bác sĩ khuyến cáo phòng bệnh lý đau mắt đỏ hay bệnh dạ dày ruột do virus Adeno gây ra. 

Việc phòng bệnh cần tuân thủ theo nguyên tắc:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi vệ sinh. 

- Sử dụng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Đặc biệt lưu ý phòng bệnh cho các trẻ trong các trường học, nhà trẻ bằng cách đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân (ly uống nước, thìa, bát ăn, khăn mặt…).

- Vệ sinh, sát khuẩn bề mặt tốt.

- Xử lý chất thải thích hợp. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn