• Zalo

Nghị lực phi thường của người cha cụt tay, nuôi con liệt nửa người vì tai nạn

Thời sựThứ Hai, 29/04/2019 11:38:00 +07:00Google News

Bị cụt mất tay trái nhưng ông Hoàng (gần 60 tuổi) vẫn đi làm phụ hồ để mưu sinh và nuôi đứa con bị liệt nửa người vì tai nạn giao thông.

Tàn nhưngkhông phế

Trong những ngày TP.HCM nắng như đổ lửa, ông Phạm Văn Hoàng (hay còn gọi ông Sáu "cụt", 57 tuổi) vẫn miệt mài làm công việc phụ hồ ở một công trình thuộc ấp Xuân Thới Đông 3 (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn).

Thấy khách đến hỏi thăm, ông không dám ngừng công việc mà hẹn đến khi xong việc về nhà sẽ tiếp chuyện.

Hôm nay đúng ngày cúng cơm 49 ngày người vợ vừa mất, ông xin chủ cho nghỉ sớm một hôm, rồi dẫn chúng tôi về căn nhà nhỏ mà ông thuê ở gần công trình.

Căn nhà nhỏ, cũ kỹ chẳng có đồ vật gì đáng giá. Toàn bộ tài sản của ông đều đã bán đi hết để chạy chữa cho cậu con trai không may bị tai nạn giao thông. Để rồi, khi vợ ông lâm bệnh là lúc gia đình chẳng còn tiền.

Không đủ tiền chạy chữa, rồi người vợ cũng ra bỏ lại ông một mình làm lụng, nuôi đứa con trai bị liệt một nửa người.

nguoi-cha-cut-tay-nuoi-con

Dù cụt một tay nhưng ông vẫn chăm chỉ lao động để nuôi con. 

Vừa trò chuyện, ông Sáu vừa đốt giấy tiền cho vợ. Ông ngậm ngùi kể: “Năm 1984 hay 1985 gì đó tôi mới cưới vợ. Nhà nghèo nên 2 vợ chồng phải bươn chải hằng ngày, làm đủ thứ việc mà vẫn không đủ tiền để sinh sống”.

Những năm 1980 - 1990, đất nước vừa bước ra khỏi 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, Nhà nước vẫn chưa mạnh tay trong việc quản lý đạn pháo còn sót lại. Thấy nhiều người đục pháo, lựu đạn,… kiếm được tiền, ông Sáu cũng quyết định đi theo người ta đục lấy thuốc đem bán. Trong một lần đục pháo, không may ông bị tai nạn và mất đi cánh tay trái.

“Sau khi bị thương, tôi chẳng làm gì, cứ nằm một chỗ mấy tháng trời. Từ chỗ đang lành lặn, rồi bị mất một tay, tôi rất sốc. Nhưng mà nghĩ thương vợ, con còn nhỏ nên phải cố gắng gượng, kiếm việc gì đó làm”, ông Sáu kể.

Vượt qua nỗi đau, ông Sáu cố gắng làm từ những việc nhỏ nhất để từ từ thích ứng.

“Ban đầu cầm chén đũa mà nó cứ rớt lên rớt xuống hoài, lâu dần thành quen. Rồi sau này, tôi xin lấy vải về để cắt chỉ cho người ta may quần áo, kiếm chút tiền, phụ gia đình”.

ong-sau 4

  Dù chỉ còn một tay và sức khỏe yếu nhưng ông Sáu vẫn chăm chỉ làm việc kiếm sống.

Nghị lực của người cha

Dù cuộc sống có khó khăn, ông Sáu vẫn vui vì ông “tàn nhưng không phế”. Ông vẫn có tiền để giúp vợ, phụ giúp cho gia đình. Đặc biệt là niềm hạnh phúc khi 2 đứa con 1 gái, 1 trai ngoan ngoãn, hiếu thảo. Ông mong cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi, cho đến khi các con của ông thành gia lập thất, lúc ấy ông sẽ yên lòng.

Thế nhưng ông trời chưa chịu dừng trêu ngươi người đàn ông tàn phế là ông. Con trai ông Sáu là anh Phạm Hoàng Phong hàng ngày vẫn làm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền phụ gia đình. Rồi trong một lần đi làm về, anh bị tai nạn giao thông và bị liệt nửa người.

Nhắc lại đêm kinh hoàng đó, anh Phong không khỏi rùng mình: “Lúc đó khoảng nửa đêm, tôi đang trên đường đi làm về. Khi đi ngang ngã tư, tôi bị một xe ben tông trúng, tôi bị văng ra xa, ngất xỉu. Sau khi gây tai nạn, tài xế xe ben bỏ chạy. Sáng tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong viện.

Từ đó tôi bị liệt nửa người. Bố, mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Còn tôi tuyệt vọng, đau khổ lắm, gia đình đã nghèo, giờ tôi lại trở thành gánh nặng cho cả cha lẫn mẹ”.

nguoi-cha-cut-tay-nuoi-con 3

 Nghị lực của ông Sáu "cụt" khiến nhiều người khâm phục.

Để có tiền chạy chữa cho con, ông Sáu đã phải bán hết nhà cửa. Thế nhưng, tai họa vẫn chưa thôi giáng xuống gia đình nghèo ấy.

Sau tai nạn của con trai, bà Hà Thị Em, vợ ông Sáu, vào một buổi sáng, khi đang làm việc, bà bị ngã, đập đầu xuống sàn nhà. Sau lần đó, bệnh tật liên tục kéo đến kéo đến, rồi bà Hà qua đời.

“Lúc đó về nhà, thấy bà ấy ngất xỉu, tôi mới đưa đến cái bệnh viện gần nhà. Từ sau đó bà ấy lại gặp nhiều bệnh khác nhau. Tiền thì không có nhiều, nên không khám sâu với điều trị ở các bệnh viện lớn được, chống chọi được ít lâu thì bà ấy qua đời”, ông Sáu ngậm ngùi kể lại.

Giờ đây gia đình vẫn phải tiếp tục gắng gượng để sống. Có lẽ, nếu không vì tình yêu với những đứa con và nghị lực phi thường cậu con trai, có lẽ ông cũng đã buông xuôi từ lâu.

Hằng ngày, ông Sáu phải đi phụ hồ nặng nhọc kiếm cơm qua ngày. Thỉnh thoảng vết thương tái phát, đau đớn nhưng ông Sáu chưa bao giờ kêu ca, không nề hà bất cứ việc gì. Các đồng nghiệp của ông chia sẻ, dù chỉ còn một tay trái nhưng ông làm không thua kém bất kỳ ai. Nếu người bình thường làm được 100% thì ông cũng phải làm được 95-97%.

Video: Người cha cụt tay vẫn làm phụ hồ, nuôi con liệt nửa người

Làm nhọc nhưng ăn uống phải tiết kiệm vì còn nhiều khoản phải chi, 2 cha con ông Sáu thường xuyên đến chợ vào cuối buổi chiều, hỏi mua thức ăn cũ.

“Tôi còn phải trả tiền thuốc men, tiền nhà, đủ thứ tiền khác nữa nên thường xuyên thiếu thốn”, ông Sáu chia sẻ.

Chị Phạm Thị Thu, con gái ông Sáu, nghẹn lời chua xót khi nhắc đến người cha và anh trai của mình: “Biết cha già rồi, lại còn chỉ có một tay mà phải nuôi anh, tôi cũng muốn giúp lắm, nhưng tôi đã lấy chồng, hoàn cảnh lại nghèo khó nên lực bất tòng tâm”.

Ông Nguyễn Văn Kéo (trưởng ấp Xuân Thới Đông 3, xã Xuân Thới Thượng) chia sẻ: “Tôi biết ông Sáu lâu rồi. Hoàn cảnh vô cùng rất khó khăn. Tôi và mọi người xung quanh có giúp đỡ, nhưng chỉ được phần nào. Giờ mong ông luôn khỏe, vượt qua khó khăn cuộc đời”.

Văn Bình - Lê Đức
Bình luận
vtcnews.vn