(VTC News) – Cùng dính nghi án trốn thuế nhưng mới chỉ Pepsico, còn Coca Cola vẫn đang tận hưởng thành công của chiến dịch PR khắc tên trên lon.
Pepsico bị sờ gáy
Được xem là cặp đối thủ “truyền kiếp”, Pepsi và Coca Cola thường được nhắc đến cùng nhau. Khi dính nghi án chuyển giá và trốn thuế, Pepsi và Coca Cola cũng “song hành” bên nhau trong danh sách các ông lớn “làm nghèo” Việt Nam.
Từ đầu tháng 7 năm nay, Coca Cola đã vượt mặt Pepsi về độ phủ sóng trên mặt báo cũng như trong cuộc sống thực. Coca Cola khiến giới trẻ sốt xình xịch khi tung ra chương trình PR khắc tên trên lon. Chương trình này thành công ngoài sức tưởng tượng.
Đúng lúc Coca Cola gây sốt, tên tuổi Pepsi bất ngờ nóng trở lại nhưng không phải nhờ chương trình quảng cáo nào mà nhờ thông tin bị truy thu thuế. Theo nguồn tin từ Tổng cục Thuế, Pepsico đã bị truy thu 27 tỷ đồng tiền thuế.PepsiCo đã bị Cục thuế sờ gáy, bao giờ đến lượt Coca Cola?
Cụ thể, sau khi thanh tra quãng thời gian 2006, 2007 và 2008, Cục Thuế Tp.HCM đã ban hành quyết định truy thu thuế GTGT là 21,293 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp đối nhà thầu nước ngoài là 44,408 triệu đồng; Giảm lỗ là 136,458 tỷ đồng; Tổng số tiền phạt (phạt kê khai sai và phạt chậm nộp) là 19,739 tỷ đồng.
Vào tháng 7/2012, Tổng cục Thuế ra Quyết định kiểm tra thuế tại Công ty này, thời điểm kiểm tra là năm 2011. Theo đó, đã thu về NSNN với tổng số tiền là 5,031 tỷ đồng; trong đó truy thu thuế GTGT là 1,301 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 4,486 triệu đồng, thuế GTGT đối nhà thầu nước ngoài là 500,327 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối nhà thầu nước ngoài là 3,224 tỷ đồng.
Quyết định này khiến người tiêu dùng nhớ tới nghi án trốn thuyế của Pepsico rộ lên từ 1 năm trước. Sở dĩ Pepsico mang tiếng xấu này vì mặc dù có vốn hàng chục triệu USD, chiếm 80% thị phần nước giải khát cùng Coca Cola nhưng Pepsico thua lỗ liên miên.
Pepsico thua lỗ kéo dài từ năm 1991. Lũy kế tính đến ngày 31/12/2010, Pepsico lỗ 1.206 tỷ đồng. Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên Công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Năm 2008, PepsiCo lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số này của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ, nên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến 2013 chỉ là 40,2 tỷ đồng.
Bao giờ đến Coca Cola?
Trong nghi án chuyển giá, trốn thuế, Coca Cola chịu ảnh hưởng nặng nề hơn vì số lỗ “khủng” hơn. Theo số liệu của Cục Thuế Tp HCM, tính đến ngày 30/9/2011, Coca-Cola đã lỗ lũy kế 3.768 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2011, Coca-Cola thậm chí đã “âm” vốn chủ sở hữu đến hơn 800 tỷ đồng.Chiến dịch in tên lên lon của Coca-Cola đang gây bão dư luận
Điều đáng nói mặc dù lỗ khủng, CoCa Cola vẫn tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam. Chính vì vậy, nghi án trốn thuế của CoCa Cola nặng tới mức thông tin về nghi án xuất hiện ngày ngày trên nhiều mặt báo, điều mà Pepsico không phải đối mặt.
Phó chủ tịch Coca-Cola toàn cầu, ông Irial Finan đã lên tiếng về nghi án này. Ông cho biết Coca Cola đã đóng nhiều loại thuế, chỉ là chưa có lãi để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Người đồng cấp, ông Clyde C. Tuggle tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định Công ty Coca-Cola Việt Nam không chuyển giá và xin dừng lại ở đây, không thảo luận nữa”.
Những người điều hành Coca Cola phủ định tin đồn công ty này chuyển giá và trốn thuế. Thế nhưng, điều đó không chặn được sự giận dữ của người tiêu dùng Việt. Là những người tiêu dùng tỉnh táo, chúng ta yêu mến thương hiệu vì sản phẩm và sự cống hiến của nó trong nhiều chục năm lịch sử; nhưng cũng cần có thái độ rõ ràng với những hành vi trục lợi của doanh nghiệp. Th.S Đặng Thanh Vân, chuyên gia tư vấn về thương hiệu
Hàng loạt lời kêu gọi tẩy chay Coca Cola trên cả Internet cũng như ngoài đời thực phát huy tác dụng. Rất nhiều người khi ăn uống hoặc mua sắm đều từ chối Coca Cola và lựa chọn thức uống Việt.
Th.S Đặng Thanh Vân, chuyên gia tư vấn về thương hiệu nhận xét nghi án chuyển giá, trốn thuế là một vết đen trong câu chuyện thương hiệu của Coca-cola cũng như của một số thương hiệu nước ngoài nổi tiếng khác tại các nước mà thương hiệu có hoạt động đầu tư.
“Là những người tiêu dùng tỉnh táo, chúng ta yêu mến thương hiệu vì sản phẩm và sự cống hiến của nó trong nhiều chục năm lịch sử; nhưng cũng cần có thái độ rõ ràng với những hành vi trục lợi của doanh nghiệp” - Th.S Đặng Thanh Vân chia sẻ.
Chính vì vậy, khi Pepsico bị "sờ gáy" về vấn đề thuế, người tiêu dùng hy vọng điều tương tự sẽ xảy ra với Coca Cola. Và đây có thể là “gáo nước lạnh” với ông lớn nước giải khát khi mà CoCa Cola đang trong men say chiến thắng với chiến dịch PR khắc tên trên lon.
Bảo Linh
Bình luận