Một bị án ở Đồng Nai bị xử chung thân về tội giết người với những căn cứ buộc tội hết sức lỏng lẻo, trong đó có việc sử dụng lời khai của nghi can là người tâm thần.
Năm 2011, tại một quán cà phê ở Biên Hòa (Đồng Nai) xảy ra một vụ án mạng. Nạn nhân đang ngồi uống cà phê thì bị kẻ thủ ác nhào vô đâm chết. Cùng với các bị án khác, Nguyễn Văn Vĩnh bị bắt giữ và bị kết án tù. Kể từ lúc bị bắt đến khi ra hai cấp tòa, Vĩnh luôn kêu oan với những chứng cứ ngoại phạm khá thuyết phục. Tuy nhiên, tòa vẫn kết án Vĩnh tù chung thân.
Ở trong tù, Vĩnh tiếp tục kêu oan; ở bên ngoài, cha Vĩnh - ông Nguyễn Văn Hải - cùng nhân chứng cũng gửi đơn kêu oan cho Vĩnh.
Ông Nguyễn Văn Hải, cha của bị án Nguyễn Văn Vĩnh, cùng hồ sơ kêu oan cho con. Ảnh: MINH HOÀNG |
Khai xong, kẻ thủ ác được xác định tâm thần
Theo hồ sơ, tối 10-9-2011, đang ngồi tại Công viên 30-4 (Biên Hòa, Đồng Nai), Vĩnh nhận được tin nhắn đến quán cà phê Trúc Nguyên tại khu phố 4, phường Tân Hiệp, Biên Hòa. Trước quán, Vĩnh gặp Vương Quốc Đại Việt và được Việt kể lại chuyện mâu thuẫn với những người đang uống nước tại quán vì những người này trêu ghẹo bạn gái Việt. Vĩnh liền gọi điện thoại kêu Đào Văn Huyến đến quán đánh nhau.
Lúc này, Huyến đang ngồi uống rượu với Nguyễn Huy Thông và Nguyễn Văn Hưng. Sau khi kể cho Thông và Hưng nghe việc Vĩnh kêu đi đánh nhau, Huyến và Hưng đi mua hai con dao và quay lại đón Thông đến quán Trúc Nguyên. Khi đến gần quán, Hưng đứng đợi bên ngoài, Thông lấy dao rồi cùng Huyến và Vĩnh vào quán.
Khi vào trong quán, Vĩnh chỉ tay vào anh Hou Kinh Sách đang ngồi uống nước, rồi kêu đồng bọn đánh anh Sách. Ngay lập tức, Huyến xông tới đạp anh Sách và đâm một nhát vào lưng. Khi anh Sách bỏ chạy, Thông đuổi theo dùng dao đâm nhiều nhát vào người nạn nhân. Khi vào quán, Việt thấy anh Sách chạy ra liền lấy ghế đánh vào đầu anh Sách khiến nạn nhân ngã gục. Anh Sách được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết tại bệnh viện do thủng tim và phổi.
Ngày 11 và 12-9-2011, Việt và Vĩnh bị bắt. Vài ngày sau Huyến, Thông và Hưng (được cho là đã) lần lượt ra đầu thú. Trong đó, nghi can Huyến sau khi đã khai về vụ án, trong đó có việc khai về vai trò của Vĩnh thì được xác định là đã mắc bệnh tâm thần và được cho đi chữa bệnh bắt buộc. Các bị can khác thì bị truy tố ra tòa, trong đó có Vĩnh...
Các đồng phạm: Vĩnh không liên can
Tháng 10-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo kêu oan và tuyên phạt Vĩnh tù chung thân về tội giết người. Cùng tội này, bị cáo Thông cũng bị phạt tù chung thân, Việt bị 20 năm tù và Hưng 11 năm tù.
Như đã nói, ngay từ khi bị bắt, Vĩnh đã kêu oan cho rằng mình không liên can đến vụ án. Các bị cáo khác ban đầu tại cơ quan điều tra thì khai vai trò của Vĩnh như cáo trạng truy tố. Nhưng khi ra tòa, ở cả phiên sơ thẩm (tại TAND tỉnh Đồng Nai) và phúc thẩm, cả ba bị cáo Thông, Việt và Hưng đều có lời khai lại cho rằng Vĩnh không liên can.
Cụ thể, ba bị cáo này khai trước đó do bị ép cung và sợ hãi nên đã khai khống để đổ tội cho Vĩnh. Theo họ, không có chuyện họ nhìn thấy hay nghe thấy Vĩnh chỉ đạo hay nói “Đánh chết mẹ nó đi”; khi sự việc xảy ra họ cũng không thấy Vĩnh có mặt tại hiện trường. Bị cáo Việt trình bày do hoảng sợ, bị cáo Thông trình bày do nghe Huyến nói lại nên cả hai đã khai Vĩnh là người chỉ anh Sách...
Như vậy, chỉ còn lời khai của Huyến về sự tham gia của Vĩnh là không thay đổi. Đơn giản vì Huyến không phải ra tòa do được xác định bị bệnh tâm thần.
Tuy nhiên, cuối cùng tòa vẫn kết tội Vĩnh.
Vị trí nạn nhân gục ngã (dấu X). Ảnh: MINH HOÀNG |
Không thực nghiệm điều tra, không đối chất
Theo ông Hải, cha của Vĩnh, thì “ban đầu khi bắt Vĩnh, công an xác định Vĩnh là không tố giác tội phạm. Sau khi di lý các bị can khác từ Bắc vào thì Vĩnh bị cơ quan điều tra chuyển sang khởi tố tội giết người”.
Căn cứ vào nội dung buộc tội của cơ quan tố tụng thì Vĩnh không phải là kẻ trực tiếp gây án dẫn đến cái chết của nạn nhân mà chỉ là người kêu hung thủ đến rồi chỉ vào nạn nhân và kêu họ đánh.
Tuy nhiên, theo logic của sự việc thì điều này rất vô lý. Bởi lẽ Vĩnh không hề mâu thuẫn với nạn nhân mà chỉ là người được Việt kể lại chuyện mâu thuẫn. Vậy thì làm sao Vĩnh biết mặt người gây hấn với Việt để dẫn hai hung thủ vô quán cà phê trong cảnh tranh tối tranh sáng và chỉ đúng người gây hấn ấy rồi “lệnh” cho hai hung thủ đánh?
Quá trình tố tụng, cơ quan điều tra, VKS và tòa án cũng không làm rõ làm thế nào để Vĩnh biết nạn nhân Sách mà dẫn các bị cáo khác vào quán chỉ vào mặt và nói “Đánh chết mẹ nó đi”. Hiện trường nơi xảy ra vụ án là một quán cà phê rất rộng, có nhiều phòng, hồ nước, cây xanh với khoảng cách rộng. Trong các lời khai của các đồng phạm và những người làm chứng (mà cơ quan tố tụng dùng buộc tội) lại không thống nhất các vị trí. Đặc biệt là vị trí mà hồ sơ vụ án cho rằng Vĩnh dẫn các bị can, bị cáo khác đến chỗ bị hại để chỉ tay nói “Đánh chết mẹ nó đi” là nơi khuất tầm nhìn, ban đêm quán cà phê không mở đèn sáng. Vậy thì làm sao Vĩnh biết Sách là ai để mà chỉ?
Tất cả những điều trên đây đều không được thực nghiệm điều tra, đối chất để làm rõ.
Nhân chứng: Không thấy ai chỉ mặt nạn nhân
Nhân chứng Nguyễn Trung Châu khai trong bút lục hồ sơ vụ án: “Khoảng 21 giờ tối 10-9-2011, tôi cùng anh Phan Thành Nam và anh (nạn nhân) Sách vào quán cà phê Trúc Nguyên uống nước. Được khoảng 10 phút thì bất ngờ có một thanh niên từ ngoài chạy lại chỗ chúng tôi đang ngồi và dùng chân đạp vào mặt anh Sách một cái làm anh Sách té ngã. Người thanh niên trên liền cầm dao đâm một nhát vào lưng anh Sách, anh Sách vùng dậy bỏ chạy thì người thanh niên cầm dao đuổi theo anh Sách...”.
Nhân chứng Nam, người đi cùng anh Châu và nạn nhân Sách, cũng khai tương tự. Cả hai khẳng định không thấy ai bước vào quán chỉ tận mặt nạn nhân cho Huyến thực hiện việc giết người.
Có mặt ở quán cà phê Trúc Nguyên, phóng viên thấy quán này bố trí bàn ghế khá sát nhau. Đặc biệt, buổi tối mọi người trong quán tập trung hướng về phía màn hình rộng xem phim hoặc bóng đá. Và với ánh sáng lúc này thì đứng từ xa khó có thể xác định được ai là ai để có thể chỉ rõ người nào đó như Vĩnh chỉ vào nạn nhân - theo quy kết của cơ quan tố tụng.
Anh Võ Việt Anh, người đưa nạn nhân đi cấp cứu ngày hôm đó, cũng thừa nhận điều này. Anh Việt Anh kể: “Vụ giết người xảy ra chớp nhoáng. Hai thanh niên lao vào quán đến chỗ nạn nhân rồi rút dao đâm và dí chạy một vòng hồ, đâm nạn nhân nằm gục bên vũng máu rồi tẩu thoát. Khi đó, tôi phải làm dữ với bảo vệ và quản lý quán để được hỗ trợ đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, tôi không hề được cơ quan điều tra hỏi chuyện”. Lời khai của người này đúng như lời khai của hai nhân chứng ngồi cùng bàn với nạn nhân hôm đó trong quán.
Video: Chấn động một vụ án oan sai giữa Hà Nội
Nguồn: Pháp luật Thành phố
Bình luận