• Zalo

Nghi án hối lộ từ Bio-Rad: Hợp đồng được hợp pháp hóa?

Sức khỏeThứ Hai, 10/11/2014 08:57:00 +07:00Google News

(VTC News) – Lãnh đạo cơ quan điều tra thừa nhận việc điều tra ngược rất khó khăn, nhất là các hợp đồng nếu có bôi trơn đều đã được hợp pháp hóa.

(VTC News) – Một lãnh đạo cơ quan điều tra thừa nhận việc điều tra ngược này rất khó khăn, nhất là các hợp đồng nếu có bôi trơn đều được hợp pháp hóa vào các mục chi phí dự án, hợp đồng đào tạo.

» Vụ 2,2 triệu USD: Bộ Y tế đề nghị công an điều tra
» Vụ 'hoa hồng' 2,2 triệu USD: Đề nghị ĐSQ Hoa Kỳ hỗ trợ điều tra
» Cổ phiếu công ty Mỹ hối lộ tại Việt Nam rớt giá thê thảm
» Clip: Bio-Rad hối lộ quan chức y tế thế nào?
» Nghi án hối lộ quan chức ngành y: Bộ trưởng Y tế lên tiếng

Hợp đồng nếu có ‘bôi trơn’ đều được hợp pháp hóa

Cơ quan chức năng đang tích cực điều tra về nghi án Cty Bio- Rad (Hoa Kỳ) đưa hối lộ 2,2 triệu USD trong quá trình thực hiện dự án Y tế ở Việt Nam gây xôn xao dư luận.

Tiết lộ với PV Petrotimes, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu, cung cấp thiết bị y tế ở Hà Nội cho hay: Trong thời gian còn hoạt động ở Việt Nam, có thời điểm Bio – Rad ‘làm mưa làm gió’ trong việc cung cấp các thiết bị y tế.


Được biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chính thức vào cuộc điều tra nghi án Công ty Bio-Rad Laboratories của Mỹ hối lộ quan chức y tế Việt Nam để đổi lấy các hợp đồng.

Theo tiến trình, cơ quan điều tra sẽ thông qua các cơ quan chức năng đề nghị với Đại sứ quán Mỹ và các cơ quan liên quan tại Mỹ cung cấp tài liệu để làm rõ những vi phạm pháp luật ở Việt Nam nếu có.

Bio-Rad đặt trụ sở chính tại Hercules, California, Mỹvới gần 8.000 nhân viên, giám đốc điều hành là ông Norman D.Schwartz. Khách hàng của Bio-Rad thường là các bệnh viện, viện nghiên cứu lớn, cơ sở y tế công cộng, phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, do Việt Nam và Mỹ chưa có các thỏa thuận về tương trợ tư pháp nên nếu Mỹ có thiện chí cung cấp, hai bên sẽ phải làm việc thông qua con đường ngoại giao, áp dụng nguyên tắc có đi có lại để thực hiện. Trong trường hợp phía Mỹ vì lý do nào đó chưa thực hiện việc hỗ trợ, cung cấp tài liệu, cơ quan điều tra vẫn xác minh những thông tin này.

Theo đó, cơ quan điều tra sẽ tìm hiểu những hợp đồng mua bán từ phía Bio-Rad Laboratories với các đơn vị ở Việt Nam, qua đó bóc gỡ những dấu hiệu nghi vấn để xác định có hay không việc đưa nhận hối lộ dưới hình thức khác nhau.

Tuy nhiên, một lãnh đạo cơ quan điều tra cũng thừa nhận việc điều tra ngược này rất khó khăn, nhất là các hợp đồng này nếu có bôi trơn đều đã được hợp pháp hóa vào các mục chi phí dự án, hợp đồng đào tạo...

Đó là chưa kể việc công ty này đã rút khỏi Việt Nam 5 năm nay, những tài liệu liên quan để kiểm tra, xác minh càng ít. Mặc dù vậy, với nhiệm vụ của mình, cơ quan điều tra vẫn đang gấp rút vào cuộc.

Video: Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời nghi án Bio Rad hối lộ quan chức ngành y

Trao đổi với VTC News, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính nói: “Ngay sau khi biết thông tin trên, Bộ Y tế đã gửi  công văn đến các Sở Y tế, các đơn vị thuộc Bộ yêu cầu báo cáo việc đầu tư, mua sắm và sử dụng các thiết bị, hóa chất, vật tư y tế do hãng Bio-Rad Laboratories cung cấp giai đoạn 2005-2014. Chúng tôi yêu cầu các đơn vị báo cáo về Bộ trước ngày 15/11.

Từ đó, Bộ sẽ có cơ sở để xem xét cụ thể về quá trình mua bán, đấu thầu, việc Bio- Rad có đưa tiền hoa hồng cũng như cho các đơn vị đi dự hội nghị đào tạo ở nước ngoài hay không?

Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế đã gửi công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, điều tra; gửi thư cho bà Claire Pierangelo, Phó Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hoa kỳ tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ điều tra làm rõ thông tin.

Chúng tôi sẽ xác minh thông tin cho minh bạch nhất. Nếu thấy có những việc cần làm tiếp, tôi sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế để thành lập các đoàn thanh tra làm rõ vấn đề”.

Theo tìm hiểu của PV, công ty Bio – Rad là công ty nắm giữ vị trí tiên phong trong lĩnh vực eletrophoresis, xét nghiệm protein, xét nghiệm BSE (hoặc bệnh bò điên), xét nghiệm bệnh CWD, phân tích hình ảnh gel, khuếch đại DNA và biochromatography.

Trong chẩn đoán lâm sàng, Bio-Rad phát triển, sản xuất, bán và hỗ trợ rất đa dạng các sản phẩm phục vụ kiểm tra và chẩn đoán y tế. Bio-Rad đi tiên phong trong sản xuất thiết bị theo dõi và kiểm soát bệnh tiểu đường.

Bio-Rad nổi tiếng với những dụng cụ thử nghiệm và phát hiện bệnh về máu, tự miễn dịch, rối loạn di truyền, xét nghiệm kháng nguyên NS1 giúp phát hiện bệnh sốt xuất huyết sớm. Khách hàng của Bio-Rad trong lĩnh vực này là các phòng thí nghiệm của bệnh viện, phòng thí nghiệm nghiên cứu, các phòng khám, cơ quan chính phủ, và các nhà sản xuất chẩn đoán.

Nói về công ty Bio – Rad, ông Nguyễn Hữu T., giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu, cung cấp thiết bị y tế ở Hà Nội cho hay, trong thời gian còn hoạt động ở Việt Nam, Bio – Rad đã có thời điểm ‘làm mưa làm gió’ trong việc cung cấp các thiết bị y tế.

Với việc sản phẩm cung cấp cho thị trường Việt Nam khá đa dạng, ông T. cho rằng ‘nhiều cơ sở y tế, phòng thí nghiệm của Việt Nam đang sử dụng sản phẩm của công ty này’.


Ông T. cho biết thêm, hãng này đưa thiết bị chẩn đoán y khoa như Kit dùng trong xét nghiệm chẩn đoán viêm gan siêu vi, HIV, xét nghiệm sàng lọc máu… vào Việt Nam từ năm 2003. Năm 2013, hãng này đã rút văn phòng ra khỏi thị trường Việt Nam nhưng hiện sản phẩm của hãng này vẫn được bày bán tại Việt Nam thông qua một số công ty khác.

Các giám đốc viện nói gì?

PGS-TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc BV Bạch Mai, Hà Nội cho biết, BV không nhập khẩu các thiết bị y tế của Cty Bio-Rad nhưng liên quan đến việc này, phía BV đang cho rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các trang thiết bị, hóa chất sinh phẩm đã mua trong thời gian từ năm 2005-2013.

Thiết bị y tế do Bio-Rad chế tạo và phân phối. 

PGS-TS Bùi Diệu - Giám đốc BV K Trung ương (Hà Nội) nói rằng, hiện chưa rõ bệnh viện có sử dụng các sản phẩm của Cty Bio-Rad hay không, còn phải chờ rà soát mới nắm được.

Còn ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư chia sẻ: ‘BV vừa tách ra từ BV Bạch Mai vào cuối năm 2008 mà năm 2009 phía Cty Bio-Rad đã rút khỏi VN, nên chúng tôi không nhập và sử dụng các thiết bị của công này’.

Trao đổi với PV Tiền Phong, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu T.Ư khẳng định, giai đoạn 2005-2009, Viện dùng khá nhiều máy móc, thiết bị, sinh phẩm sàng lọc máu của hãng Bio-Rad.  

Từ 6/11, lãnh đạo Viện đã chỉ đạo triển khai rà soát các gói thầu, số lượng sinh phẩm, thiết bị y tế mua từ Bio-Rad. ‘Chúng tôi quán triệt việc này phải làm với tinh thần nghiêm túc, tuyệt đối không được thiếu, sót bất kỳ gói thầu nào’.

Ông Trí nói rằng, quy trình đấu thầu được tiến hành chặt chẽ, nên viện không nhận bất cứ khoản ‘hoa hồng’ nào.

‘Các dự án ở Viện đều có tất cả 6 đoàn thanh tra, kiểm toán đến làm việc’, ông nói. Về việc đấu thầu, ông Trí nhấn mạnh, đây là đấu thầu quốc tế, các vấn đề tính năng kỹ thuật đều có chuyên gia quốc tế làm, sau đó làm thầu đều tuân thủ luật Việt Nam, có sự giám sát của Ngân hàng Thế giới. Bio-Rad cũng nộp đơn dự thầu như các đơn vị khác mà không có bất kỳ khoản mời chào hay ‘hoa hồng’ cho cá nhân nào.

Theo ông Trí, sản phẩm của Bio-Rad rất tốt, đặc biệt là các sinh phẩm sàng lọc máu. Vì mỗi ngày có hàng chục nghìn người phải sử dụng máu, nên sau khi Bio-Rad đột ngột rút khỏi Việt Nam, Viện phải dùng giải pháp kỹ thuật khác để thay thế trong việc sàng lọc máu.

Còn Giám đốc BV Việt - Đức, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết nói rằng, từ năm 2005, bệnh viện này không có bất kỳ giao dịch mua bán thiết bị, sinh phẩm y tế nào từ Bio-Rad. Duy chỉ có chiếc máy xét nghiệm HIV được một đơn vị cho từ năm 2005, hiện không sử dụng.

BS Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc BV Chợ Rẫy TPHCM cho hay: Từ năm 2005 - 2009, BV Chợ Rẫy từng sử dụng nhiều loại hóa chất và thiết bị y tế của Cty Bio-Rad phân phối. Thời điểm đó, Cty Bio-Rad được xem là nhãn hàng khá nổi tiếng và uy tín, được nhiều BV tin tưởng sử dụng hóa chất cho các xét nghiệm như vi sinh, xét nghiệm HIV, siêu vi gan, sinh học phân tử…

Tuy nhiên, cũng như những BV khác, năm 2009, Cty Bio-Rad ngừng phân phối hóa chất ở VN nên BV Chợ Rẫy cũng lao đao tìm sản phẩm thay thế. Hóa chất ngừng cung ứng, thiết bị xét nghiệm đi kèm BV cũng đành “trùm mền” từ năm 2009 đến nay.


Ngày 3/11, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) cùng Bộ Tư pháp Mỹ  đã công bố kết quả vụ dàn xếp “hối lộ quan chức và lập hồ sơ giả mạo để che giấu các khoản thanh toán” với Bio-Rad.

Trong khoảng thời gian từ năm 2005-2010, công ty đã chi tổng cộng 7,5 triệu USD để hối lộ các quan chức ở Nga, Thái Lan và Việt Nam nhằm giành được các hợp đồng kinh doanh, thu lợi trái phép 35 triệu USD.

Bio-Rad còn lập hồ sơ giả mạo che giấu các khoản hối lộ dưới dạng chi phí hợp pháp như hoa hồng, quảng cáo và chi phí đào tạo dành cho các đại lý của công ty tại 3 quốc gia kể trên.

Trong thư điện tử gửi giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á ngày 18/5/2006, đại diện kinh doanh tại Việt Nam cảnh báo Bio-Rad sẽ mất 80% doanh số nếu không chi hối lộ.

Bên cạnh đó, chi nhánh Bio-Rad ở Việt Nam tìm ra một phương thức mới nhằm đẩy trách nhiệm ra khỏi phạm vi của mình. Theo đó, công ty này sẽ bán hàng giá thấp cho bên trung gian trước khi bán lại cho Việt Nam với giá gốc.

Mặc dù giá cao nhưng vì tiền hối lộ đã được chi nên quá trình mua bán vẫn diễn ra bình thường. Phần chênh từ giá mua vào và bán ra của bên trung gian sẽ được chia chác, đem đi hối lộ quan chức cho những hợp đồng tiếp theo.

Tính từ năm 2005 đến cuối năm 2009, văn phòng Bio-Rad tại Việt Nam đã chi 2,2 triệu USD tiền hối lộ và ký kết được hợp đồng với doanh số 23,7 triệu USD.

Để tránh bị truy tố trách nhiệm hình sự, công ty có trụ sở tại TP Hercules, bang California,  Mỹ này chấp nhận trả 14,35 triệu USD tiền phạt cho Bộ Tư pháp Mỹ và 40,7 triệu USD cho SEC.

» Video: Bộ trưởng Y tế trả lời nghi án Bio-Rad hối lộ quan chức y tế VN
» Nghi vấn hối lộ quan chức y tế: Vạch trần thủ đoạn ăn chia của Bio-Rad
» Nghi án hối lộ quan chức y tế Việt Nam: Tiền vào túi ai?
» Điều tra vụ Bio - Rad khai hối lộ quan chức Y tế Việt Nam


Nam Anh (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn