• Zalo

Nghi án 'hô biến' Hoàng Phúc 18 từ tàu chở hàng thành 'tàu nghị định 67'

Kinh tếThứ Bảy, 23/09/2017 16:58:00 +07:00Google News

Tàu Hoàng Phúc 18 được vay vốn theo nghị định 67 của Chính phủ dưới hình thức dịch vụ hậu cần nghề cá (cung ứng dầu, nước, nhu yếu phẩm và thu mua hải sản), nhưng thực tế lại là con tàu chở vật liệu xây dựng.

 Video: Tàu Hoàng Phúc 18 hiện đang nằm tại cảng Sao Mai - TP Vũng Tàu

Ngày 30/10/2015, tàu Hoàng Phúc 18 có số ký hiệu tàu là BTH - 97779 - TS bị nạn tại phao số 5 luồng hàng hải Soài Rạp (TP.HCM). Vụ tai nạn khiến 4 người chết, trong đó có chủ tàu là ông Phan Anh Tấn.

Sau khi bị chìm, con tàu Hoàng Phúc 18 đã được trục vớt thành công và lai dắt đến khu vực cảng Sao Mai (TP Vũng Tàu) để phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường vào ngày 3/11/2015.

Hiện tại, con tàu đang được sơn lại màu và sửa chữa, thay thế một số hạng mục sau gần 2 năm “nằm chết” tại cảng Sao Mai.

Tàu chở hàng được vay vốn nghị định 67

Tại thời điểm gặp nạn vào năm 2015, tàu Hoàng Phúc 18 do ông Phan Anh Tấn làm chủ đang chở 700 tấn đá ở khoang dưới, bên trên chở nhiều xe máy xúc.

Chính ông Nguyễn Hồng Sơn (quê Bà Rịa - Vũng tàu, thuyền trưởng tàu Hoàng Phúc 18) nhận định nguyên nhân chìm tàu có khả năng do những chiếc máy xúc chở trên boong không được chằng cẩn thận, dẫn đến bị đứt dây rồi nghiêng hẳn qua một phía. Con tàu trên cũng được sử dụng để chuyên chở hàng hóa, vật liệu công trình phục vụ xây dựng.

Từ thực tế hình ảnh con tàu Hoàng Phúc 18 khi bị chìm, bên mạn tàu có cầu dẫn để vận chuyển xe cơ giới và thiết bị máy móc công trình trên mặt boong.

chim-tau-hoang-phuc-18-tim-thay-thi-the-nan-nhan-cuoi-cung-cach-hien-truong-170-hai-ly-0 3

 Tàu Hoàng Phúc 18 tại thời điểm bị chìm năm 2015. (Ảnh: internet)

Riêng khoang dưới được dùng để chứa các vật liệu phục vụ cho việc xây dựng. Mặt boong cũng “trơn loáng” không có các nắp hầm để đựng dầu hay nắp khoang chứa cá. Con tàu này thực tế là con tàu chở hàng, không có kết cấu phù hợp để làm chức năng tàu dịch vụ hậu cần

Tuy nhiên, từ nguồn tin của VTC News cho biết, tàu Hoàng Phúc 18 là tàu đóng theo nghị định 67 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 7/7/2014) để làm dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).

Ngay sau khi được đưa vào danh sách đóng mới đợt đầu tiên của huyện Phú Quý theo nghị định 67, ngân hàng Agribank Bình Thuận đã giải ngân bù đắp tài chính một lần sau đầu tư cho chủ tàu Hoàng Phúc 18.

Được biết, nghị định 67 được Đảng và Chính phủ đưa ra với mục đích đầu tư hỗ trợ cho bà con ngư dân nhiều hơn nữa, nhằm tạo ra lực lượng khai thác hải sản mạnh mẽ góp phần làm kinh tế biển, đảm bảo an ninh và khẳng định chủ quyền biển đảo.

hic 3 4

 Tàu Hoàng Phúc 18 được trục vớt trên sông Soài Rạp. (Ảnh: internet)

Nhóm đối tượng được hưởng chính sách theo nghị định 67 của Chính phủ chỉ có những con tàu hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá... Tàu chở hàng không nằm trong nhóm đối tượng này.

Tại sao tàu Hoàng Phúc 18 dùng để chuyên chở hàng hóa, xe cơ giới, vật liệu xây dựng,.. lại được vay vốn theo nghị định 67 của Chính phủ?

Chủ tàu người Hà Tĩnh, Agribank Bình Thuận giải ngân vốn

Trong bộ hồ sơ do VTC News đang nắm giữ, đơn vị ký hợp đồng vay vốn nghị định 67 với ngân hàng Agribank Bình Thuận, cụ thể là chi nhánh Phú Quý là công ty Hoàng Phúc (địa chỉ thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận).

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần thứ 3, ngày 31/10/2014) do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cấp, công ty Hoàng Phúc chỉ có 3 thành viên góp vốn gồm: Lê Hoàng Phúc, Đỗ Văn Liêm và Lê Hoàng Chương. Những người trên cũng chính là chủ sở hữu trên giấy tờ đối với tàu Hoàng Phúc 18.

Tuy nhiên, trong số 4 thuyền viên chết khi tàu Hoàng Phúc 18 chìm, có ông Phan Anh Tấn, quê ở Hà Tĩnh được các cơ quan chức năng thông báo là chủ tàu.

Ngoài ra, tại thời điểm bị chìm, công ty Hoàng Phúc cũng không lên tiếng về con tàu này cho đúng với trách nhiệm của đơn vị đứng tên sở hữu.

IMG_9378 5

 Tàu Hoàng Phúc 18 hiện nay đang nằm tại cảng biển Sao Mai (TP Vũng Tàu).

Lý do gì ông Phan Anh Tấn không phải ngư dân Bình Thuận, cũng không có trong danh sách góp vốn của công ty Hoàng Phúc lại được xác định là chủ tàu Hoàng Phúc 18? Phải chăng, có sự "hô biến" giấy tờ từ một số đối tượng, nhằm lợi dụng chính sách của nghị định 67 ra giúp bà con ngư dân bám biển với mục đích trục lợi?

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn