Ngày 29/10/2015, tàu chở hàng Hoàng Phúc 18 (có số ký hiệu là BTH – 97779 - TS) chở 700 tấn đá cùng nhiều máy móc xuất bến từ cảng Cường Hưng (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), trên tàu có 17 người.
Đến tối hôm sau, tàu chìm trên sông Soài Rạp (TP.HCM) làm 4 người chết, trong đó có ông Phan Anh Tấn (quê ở Hà Tĩnh) được xác định là chủ tàu.
Câu chuyện về con tàu này từng làm xôn xao dư luận với mất mát quá lớn của 4 gia đình, nhưng dư luận cũng chỉ cho rằng, đó là con tàu hàng không may gặp nạn. Chủ tàu đã chết nên không khởi tố vụ án, mọi chuyện dần chìm vào im lặng.
Nhưng từ nguồn tin của VTC News cho biết, tàu chở hàng Hoàng Phúc 18 thật ra được ''hô biến'' để thành tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo nghị định 67 của Chính phủ tại Phú Quý. Đơn vị đứng tên sở hữu con tàu là công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Du Lịch Hoàng Phúc (xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận).
Ngân hàng Agribank Bình Thuận, cụ thể là chi nhánh Phú Quý là đơn vị cho công ty Hoàng Phúc vay hơn 20 tỷ đồng, dưới hình thức giải ngân bù đắp tài chính một lần để đóng con tàu này.
Được biết, Nghị định 67 của Chính Phủ (có hiệu lực ngày 7/7/2014) nhằm giúp bà con ngư dân bám biểm, nhằm góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh biển đảo. Đối tượng áp dụng của nghị định này là những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động thủy sản.
Video: 'Hô biến' Hoàng Phúc 18 thành 'tàu nghị định 67'
Ngay sau khi Nghị định vừa có hiệu lực, vào ngày 9/7/2014, công ty Hoàng Phúc đứng tên một ''phiếu duyệt thiết kế kỹ thuật tàu cá'' cho con tàu trọng tải gần 2.000 tấn làm dịch vụ hậu cần. Nơi đóng là công ty TNHH MTV Đóng tàu Bình Triệu (TP.HCM).
Ngày 17/11/2014, công ty Hoàng Phúc chính thức được thêm vào danh sách đóng mới tàu cá xa bờ theo Nghị định 67 của huyện Phú Quý. Đến ngày 5/1/2015, công ty Hoàng Phúc lại có đơn gửi Ban chỉ đạo 67 của tỉnh Bình Thuận xin vay vốn đóng mới con tàu dịch vụ hậu cần đã được duyệt thiết kế.
Tính đến thời điểm xin vay vốn, trong "giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp" thay đổi lần thứ 3 (ngày 31/10/2014) của công ty Hoàng Phúc, chỉ có 3 cổ đông góp vốn là: Lê Hoàng Phúc, Đỗ Thanh Liêm và Lê Hoàng Chương. Như vậy, ông Phan Anh Tấn không hề có tên trong danh sách của công ty này.
Ngoài ra, đến tận cuối tháng 4/2015, đơn vị đóng tàu ký hợp đồng với công ty Hoàng Phúc là Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn (trước đó là công ty Bình Triệu) mới chính thức được Bộ NN&PTNT thêm vào danh sách cơ sở đủ điều kiện đóng tàu theo Nghị định 67.
Nhưng đến cuối tháng 10/2015, con tàu đã chìm trên sông Soài Rạp trong khi đang chở hàng. Như vậy, chỉ vài tháng sau khi được ngân hàng Agribank Bình Thuận cho vay tiền để đóng, con tàu dịch vụ hậu cần ''khổng lồ'' với trọng tải gần 2.000 tấn gặp nạn.
Tại thời điểm bị chìm, các cơ quan chức năng lại xác định, ông Phan Anh Tấn là chủ tàu. Trong khi các công văn, giấy tờ liên quan đến con tàu để vay vốn Nghị định 67 lại đứng tên công ty Hoàng Phúc. Vậy, ai mới là chủ nhân của con tàu Hoàng Phúc 18? Ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của 4 thuyền viên trên con tàu này?
Nếu ông Tấn thựt sự là chủ, tại sao công ty Hoàng Phúc lại đứng tên giấy tờ và ngân hàng Agribank Bình Thuận lại dễ dàng chấp nhận cho vay với số tiền lớn? Phải chăng, công ty Hoàng Phúc chỉ là nơi môi giới, để ông Tấn bắt tay với một số đối tượng lợi dụng chính sách đúng đắn của Chính phủ giúp ngư dân để trục lợi?
Nếu công ty Hoàng Phúc thựt sự là chủ tàu, tại sao sau cái chết đau đớn của 4 thuyền viên trên con tàu của mình, công ty lại "ngậm bồ hòn làm ngọt'' suốt 2 năm? Tại sao không khởi tố vụ án trong khi chủ tàu hợp pháp vẫn còn đó?
Câu chuyện 4 thuyền viên chết trên con tàu được đóng theo Nghị định 67 cần có người chịu trách nhiệm. Bởi, đó là máu của ngư dân đổ xuống biển đảo quê hương.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Bình luận