Ngày 5/9, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, đơn vị đã can thiệp đặt máy tạo nhịp cấp cứu cho bé mới 40 ngày tuổi bị mắc tim bẩm sinh block nhĩ thất, thông liên nhĩ, suy tim nặng.
Theo ThS.BS Nguyễn Bá Phong – khoa Phẫu thuật tim trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhi trong chuyến công tác ở Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc (Thanh Hoá) vào ngày 27/8/2023.
Anh Phạm Văn Phương (24 tuổi, ở Khu Cốc, thị trấn Hồi Xuân, Quan Hoá, Thanh Hoá – bố của bệnh nhi) chia sẻ, trong quá trình người vợ mang thai ở tuần thứ 28, trong lần siêu âm các bác sĩ nghi ngờ thai nhi có dấu hiệu bất thường.
Tại kỳ tầm soát thai kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán thai nhi mắc tim bẩm sinh. Hai vợ chồng không hiểu hết về căn bệnh này nên xin đình chỉ thai nghén nhưng các bác sĩ giải thích với sự tiến bộ của y học hiện nay, căn bệnh tim bẩm sinh của con có thể chữa trị.
Theo anh Phương, con sinh ra nhẹ cân, tím tái, hơi thở thoi thóp, các bác sĩ phải hồi sức ngay. Bác sĩ khuyên gia đình đưa con xuống Hà Nội điều trị nhưng do gia đình không có điều kiện nên đã “xin” con về.
Thông qua chương trình Trái tim cho em, các bác sĩ Bệnh viện E đã khám lại cho trẻ với chẩn đoán bị dị tật tim bẩm sinh block nhĩ thất cấp III, nhịp tim chậm (trung bình 42 lần/phút), không đồng bộ. Bình thường tâm thất và tâm nhĩ của trẻ sơ sinh đập cùng 1 nhịp và dao động từ 120-160 lần/phút.
Các bác sĩ xác định đây là ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao, với tình trạng rối loạn nhịp tim nặng, dẫn đến mức độ suy tim nguy hiểm, con có thể phải thở máy bất kỳ lúc nào. Các bác sĩ đánh giá đây là tình trạng tối cấp cứu cần được can thiệp đặt máy tạo nhịp cấp cứu càng sớm càng tốt. Ngay lập tức, gia đình theo đoàn công tác của các bác sĩ xuống Hà Nội để được can thiệp luôn, mặc dù gia đình không có kinh phí cho ca can thiệp này.
ThS.BS Nguyễn Bá Phong cho hay, trước khi thực hiện ca phẫu thuật này, các bác sĩ hội chẩn siêu âm tim với 3 bác sĩ để đánh giá các cấu trúc tổn thương trong tim, hội chẩn với ekip về nhịp học để lên phương án mổ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho cháu bé.
Ngoài rối loạn nhịp tim nặng, hiện tim con còn bị thông liên nhĩ kích thước lớn nhưng có thể chưa cần phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật “vá” thông liên nhĩ sau khi nhịp tim con ổn định, đánh giá sự phục hồi chức năng tim của con tốt hơn.
Cơ thể của con còn quá nhỏ (3,2kg) nhưng lại trong tình trạng suy tim nặng, buồng tim trái giãn lớn là yếu tố khó của ca mổ. Hơn nữa với tình trạng trẻ suy sinh dưỡng và cân nặng nhỏ như vậy thì việc đặt máy tạo nhịp ở vị trí nào cũng là vấn đề. Các bác sĩ phải hội chẩn và tính toán rất cẩn thận và chi tiết, ngoài ra bé còn bị lõm ngực bẩm sinh nên việc lựa chọn đường mổ như thế nào cũng cần cân nhắc.
Ngay khi mở lồng ngực bộc lộ được quả tim, một điện cực tạo nhịp nhanh chóng được bác sĩ đặt vào bề mặt tim của bé và kích thích quả tim đập trở lại. Bước tiếp theo, các bác sĩ phẫu thuật tim nhẹ nhàng và thận trọng bóc tách thành bụng mỏng như bản giấy để tạo một ổ chứa vừa đủ máy tạo nhịp.
Qua một đường mổ ở dưới nách bên trái, ekip phẫu thuật thực hiện được cả 2 việc là đặt điện cực vào tim cho bé và cấy máy vào tổ chức thành bụng. Bé được phẫu thuật thành công với đường mổ rất đẹp. Sau 3 ngày thở máy, trẻ được cai máy thở, sức khoẻ tạm ổn định.
Bình luận