• Zalo

Nghẹt thở cuộc giải cứu 8 người trên xe khách bị cuốn trôi ở Khánh Hòa

Thời sựThứ Ba, 10/11/2015 08:45:00 +07:00Google News

xe khách bị nước lũ cuốn ở Khánh Hòa khiến nhiều người mắc kẹt, may mắn đã được 4 người quê Hà Nội và dân địa phương ứng cứu.

(VTC News) – Khi tất cả 8 nạn nhân được cứu thoát, anh Nguyễn Đức Tùng bị dòng nước đẩy đi, suýt bị cuốn tử vong.

Như VTC News đã thông tin, hôm 4/11, tại hiện trường vụ xe khách bị nước lũ cuốn ở Khánh Hòa có 4 người quê ở Hà Nội tình cờ đi qua, cùng với một số người dân địa phương đã dũng cảm cứu thoát 8 nạn nhân trước khi lực lượng cứu hộ kịp đến.

4 người nói trên là các anh: Phạm Văn Biển, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Trọng Hiếu, Hoàng Văn Tùng, cùng thường trú tại quận Đống Đa, Hà Nội.

4 người Hà Nội đã trực tiếp tham gia cứu nạn nhân trong vụ xe khách bị nước lũ cuốn trôi ở Khánh Hòa. (Từ trái qua phải: Hoàng Văn Tùng, Nguyễn Đức Tùng, Phạm Văn Biển, Nguyễn Trọng Hiếu)

Nhớ lại sự việc, anh Phạm Văn Biển, người lớn tuổi nhất trong nhóm cho biết, hôm đó anh cùng với anh Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Trọng Hiếu và Hoàng Văn Tùng vào Đà Lạt công tác.

Cuối ngày, cả 4 người cùng bắt một chiếc taxi 7 chỗ đi từ Đà Lạt về TP Nha Trang, Khánh Hòa.

Khi đi qua xã Khánh Nam, thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa thì tài xế taxi bị lạc đường. Đúng lúc đó, nhóm anh Biển gặp chiếc xe khách 16 chỗ đi phía trước. Vì nghĩ đó là xe khách nên có thể lái xe sẽ thuộc đường nên tài xế taxi đã điều khiển xe bám theo chiếc xe khách này.

“Đi được một đoạn thì gặp đoạn đường có nước lũ tràn qua. Khi chúng tôi đang phân vân đỗ lại ở mép nước thì chiếc xe khách đã đi xuống lải tràn.

Chiếc xe khách đi được khoảng 20m, đến giữa lải tràn thì bất ngờ bị dòng nước đẩy dịch chuyển theo chiều ngang. Khi bị đẩy khỏi vị trí ban đầu khoảng 1,5m thì xe bị lật hơi nghiêng sang phải rồi mắc kẹt ở đó”, anh Biển kể.


Anh Phạm Văn Biển
Chứng kiến sự việc, nhóm anh Biển liền mở cửa xe bước xuống để nghĩ cách cứu người.

“Đây là nơi khá hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Lúc đó, ngoài nhóm người gặp nạn thì chỉ có chúng tôi có mặt ở hiện trường. Ngay lập tức, chúng tôi đã xuống xe và bảo nhau rằng bằng mọi giá phải ở lại để cứu người.

Nguyễn Đức Tùng là người trẻ nhất nhóm nhưng khá nhiều kinh nghiệm. Khi thấy chiếc xe lật nghiêng, Tùng và cả nhóm chúng tôi thay nhau hô lớn bảo mọi người trong chiếc xe khách phải ra khỏi xe. Nếu cứ ở trong mà chiếc xe bị cuốn đi nữa thì chết hết. Vậy là gần chục người lần lượt chui ra, đứng sát ở cửa xe.

Anh Nguyễn Đức Tùng.
Chúng tôi lại tiếp tục hô lớn là mọi người phải đứng yên tại chỗ. Bởi chúng tôi nghĩ rằng, nếu đứng sát cửa xe, chiếc xe sẽ cản và nước chảy vào nhóm người này sẽ ít áp lực hơn. Nếu họ di chuyển ra khỏi phạm vi chiếc xe thì rất có thể sẽ bị cuốn đi. Lúc đó, chúng tôi chỉ cầu mong sao chiếc xe khách đừng bị cuốn đi mất. Bởi nếu như vậy, gần chục người này cũng khó có thể trụ lại được.

Nhưng chúng tôi vừa nói được mấy câu thì một người đàn ông trong nhóm không chịu nghe theo. Ông này đã tách khỏi nhóm, di chuyển khỏi phạm vi chiếc xe khách để đi vào bờ. Vừa đi cách chiếc xe được khoảng 4 - 5 bước chân thì ông này bị cuốn xuôi theo dòng nước. Ban đầu, ông này còn bơi ngược dòng nước theo hướng về chiếc xe khách được khoảng 4 – 5m. Chúng tôi hô to bảo ông là phải bơi xuôi theo dòng nước mới mong vào bờ được. Nhưng không kịp nữa, người đàn ông này đã bị cuốn mất tích ngay sau đó”, anh Biển kể.

Cũng theo anh Phạm Văn Biển, sau khi một người đàn ông bị nước cuốn mất tích, một người đàn ông khác khoảng ngoài 50 tuổi trong nhóm chiếc xe khách cũng tách nhóm để đi vào bờ. Rất may, người đàn ông này đã cởi giày, cởi quần áo. Phía bên rìa lải tràn dường như có lan can vịn, ông này đã men theo lan can và vào được bờ an toàn.

Anh Nguyễn Trọng Hiếu

“Lúc này, việc chúng tôi cần làm là cứu 7 người còn đang hoảng sợ giữa dòng nước. Chúng tôi phân công nhau, để Nguyễn Đức Tùng và Nguyễn Trọng Hiếu trực tiếp tìm cách lội ra tiếp cận các nạn nhân.

Còn tôi và Hoàng Văn Tùng thì phụ trách kêu gọi hô hào người dân ứng cứu. Đúng lúc đó, có 3 thanh niên đi tới. Chúng tôi liền bảo những thanh niên này cùng chạy vào làng kêu gọi mọi người, đồng thời tìm bằng được dây, phao hoặc can nhựa, đặc biệt là phải huy động được một chiếc xe tải hạng nặng có thể trụ vững giữa dòng nước tới hiện trường... để phục vụ cho việc ứng cứu,” anh Biển cho hay.

Ít phút sau, số người dân kéo tới hiện trường ngày càng đông dần. Mọi người cũng kiếm được 2 cuộn dây cáp điện. Anh Nguyễn Đức Tùng đã cởi hết quần áo, chỉ mặc chiếc quần ngắn, cùng với anh Hiếu và khoảng 5 người dân khác trực tiếp bám dây lội ra tiếp cận nạn nhân.  

Lúc đó, một người đàn ông địa phương là anh Nguyễn Tấn Thành, đã cầm một cuộn dây da khác chạy lên chiếc cầu treo dân sinh ở phía trên lải tràn. Từ cầu treo, anh Thành thả dây xuống để các nạn nhân cũng như những người ra ứng cứu bám vào, đề phòng bị nước lớn cuốn trôi.

Cứ như vậy, khoảng 30 phút sau khi chiếc xe gặp nạn, mọi người đã đưa được 4 người vào bờ an toàn. 5 phút kế tiếp, một chiếc xe tải được người dân điều khiển tới hiện trường. Chiếc xe này đã đi ra giữa lải tràn để tiếp cận, đưa 3 nạn nhân còn lại vào bờ an toàn.

Anh Hoàng Văn Tùng.
Tuy nhiên, khi cả 8 người an toàn thì mọi người có mặt tại hiện trường khi đó đã phải thót tim vì suýt chút nữa, một trong những người tham gia ứng cứu đã phải “bỏ mạng” giữa dòng nước.

“Lúc đó, Nguyễn Đức Tùng vẫn đang đứng cùng 3 nạn nhân còn lại. Khi chiếc xe tải vừa ra tới nơi thì bất ngờ Tùng bị dòng nước mạnh đẩy ra xa 3 nạn nhân mấy mét. Tùng đã không thể lên xe tải cùng lúc với 3 nạn nhân được.

Lúc đó, chúng tôi đều rất lo lắng. Rất may là Tùng kịp bám vào sợi dây do anh Thành thả xuống nên mới có thể trụ vững. Sau khi đưa 3 nạn nhân cuối cùng vào bờ, xe tải quay ra và đưa Tùng vào bờ an toàn. Lúc đó chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm”, anh Biển nói.

Anh Phạm Văn Biển cho hay, sau 45 phút (từ 20h – 20h45 tối 4/11), nhóm của anh cùng người dân địa phương đã cứu được toàn bộ những người trong chuyến xe khách gặp nạn. Ngay sau đó, cả 4 người lập tức lên xe taxi và hỏi đường đi về TP Nha Trang.

Liên quan đến vụ tai nạn này, một số tờ báo đưa tin cho biết, lực lượng cứu hộ Công an huyện Khánh Vĩnh đã trực tiếp cứu 8 nạn nhân và không nhắc gì đến những người dân đã dũng cảm, bất chấp nguy hiểm để cứu người. Nói về điều này, anh Phạm Văn Biển chia sẻ:

“Ngày hôm sau, tôi đọc được thông tin như vậy qua báo chí. Một số người dân địa phương và cả Phó Bí thư thị trấn có gọi điện cho tôi. Họ đều tỏ ra khá bức xúc thay cho chúng tôi và những người dân đã cứu các nạn nhân vì những thông tin không chính xác kia.

Khi chúng tôi cùng người dân đưa các nạn nhân lên bờ thì chưa có cơ quan chức năng tới hiện trường. Chúng tôi cũng rời hiện trường ngay sau đó. Chính Phó Bí thư thị trấn tôi cũng chưa gặp. Có thể thông qua người dân, số điện thoại của hãng taxi mà đồng chí này biết đến chúng tôi. Thực sự khi đó chúng tôi chỉ nghĩ tới việc cứu người gặp nạn chứ không nghĩ tới điều gì khác cả.”

Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Tùng, người “suýt chết” khi cứu người cũng chia sẻ rằng, bản thân anh khi đó chỉ nghĩ làm sao cứu được những người gặp nạn chứ không nghĩ nhiều tới việc mình có thể gặp sự cố trong quá trình ứng cứu hay không.

“Tôi nghĩ rằng, bất cứ ai khi ở trường hợp đó cũng làm như vậy cả. Chúng tôi làm như vậy là vì tình người, không phải mong được ai báo đáp gì cả. Khi người khác cần giúp đỡ, đặc biệt là trước ranh giới sinh tử thì chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn được”, anh Tùng nói.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn