• Zalo

Nghẹn ngào tấm lòng của người mẹ có con trai là 'người vảy cá'

Sức khỏeThứ Tư, 13/07/2016 07:04:00 +07:00Google News

‘Nếu tôi vứt nó đi như lời người ta xui thì chắc giờ nó đã không còn ngồi đây trong nhà tôi’, bà Thuỷ nước mắt lưng tròng chia sẻ.

Sinh con da như da trâu, mẹ ôm con khóc ngất

Đó là tâm sự của bà Phạm Thị Thuỷ (51 tuổi, ở xóm giữa, thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội). Bà Thuỷ là mẹ của Lương Văn Nam, chàng thiếu niên 19 tuổi mắc bệnh vảy cá từ khi mới sinh ra. Năm nay dù đã 19 tuổi nhưng trông Nam vẫn nhỏ bé, gầy gò như cậu học sinh lớp 9. 

Thoạt đầu gặp Nam, không ít người sẽ cảm thấy hơi sợ hãi bởi hình dáng bên ngoài có phần khác lạ. Khắp người cậu bọc một lớp da dày cứ bong tróc từng mảng. Da có chỗ đen kịt, chỗ hồng hồng, khuôn mặt bị da khô co kéo nên đôi mắt xếch lên, nước mắt lúc nào cũng ứa ra  đau đớn, đôi tai cũng bị dính chặt vào đầu không xòe ra nữa.

Namvayca2

Làn da Nam lúc nào cũng sần sùi, bong tróc

Gặp tôi, Nam không nói gì nhiều chỉ lặng lẽ ngồi… gãi. Căn bệnh mà người thì nói là bệnh á sừng, kẻ thì bảo là bệnh vẩy cá đang hành hạ em từng ngày.

Làn da khô bong tróc, lằn nên những vết hằn trên cơ thể Nam. Chỗ vằn da ấy chốc chốc lại rơm rớm máu. Nam bảo: ‘Những ngày trời nóng, em phải ngâm nước liên tục mới đỡ rát và đau. Những hôm trời mát, da đỡ khô hơn nhưng vẫn phải tắm đến 5-7 lần. Em ngứa lắm và thấy rất khó chịu’.

Kể về hoàn cảnh của mình, bà Phạm Thị Thủy cho biết: "Năm ấy, tôi đã ngoài 30 tuổi mà chưa lấy chồng, gia đình cũng mong tôi thành hôn.

Rồi một ngày có người giới thiệu, chồng tôi bây giờ được dẫn tới hỏi cưới chỉ trong 3 ngày biết nhau. Trước đó, chỉ nghe nói, anh ấy hiền lành, bảo làm gì thì làm đó, không cờ bạc rượu chè nên tôi đồng ý. Không ngờ, anh ấy bị tâm thần". 

Từ một người nhanh nhẹn hoạt bát, bà Thủy về làm vợ một người có tâm thần không bình thường. Đúng là ông hiền lành thật nhưng không nhanh nhẹn, chỉ hỗ trợ vợ làm vài việc nhà, gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai bà Thủy.

Năm 1997, bà Thủy sinh con trai đầu lòng. Khi bà đỡ đưa đứa trẻ ra, bà Thủy giật mình rồi chỉ biết ôm con vào lòng khóc nức nở. Ngay lúc chào đời, da Nam đã dày và đen kịt như da trâu. Mắt, mồm kín mít không thấy khe hở. Chỉ đến khi Nam khóc òa lên, miệng mới ‘nứt’ ra.

"Ba năm trời tôi chỉ biết vừa ôm con vừa khóc, vừa bế con, vừa bóc từng lớp da. Tôi cũng đưa cháu đi viện Nhi khám, ở đó 2 tuần cứ vắt sữa ra cốc cho con mút. Bác sỹ Da liễu ở bệnh viện lắc đầu trước bệnh tình của Nam. Tôi cứ khóc mãi rồi lại đưa con sang Bệnh viện Da liễu chỗ Bạch Mai nhưng gia đình cũng không có điều kiện cho con chữa bệnh lâu dài nên đành phải xin về. Nam được về nhà rồi tôi cũng thuốc thang cho cháu nhưng căn bệnh không khỏi. Lúc còn bé, bóc da nó không chảy máu nhưng giờ thì vết bóc cứ rơm rớm máu", bà Thuỷ nghẹn ngào kể lại. 

Namvayca_me

Bà  Thủy và người chồng bị tâm thần.

Chạy chữa bệnh tình bao nhiêu năm không khỏi, phải đến khi 5 - 6 tuổi Nam mới biết đi nhưng cũng vì căn bệnh quái ác mà em không được đi học. Những đứa trẻ khác cứ nhìn thấy Nam là la hét, hoảng sợ bỏ chạy. 

"Em mong chữa khỏi bệnh, muốn đi học nhưng bạn bè trêu ghẹo", cậu thiếu niên rụt rè chia sẻ. Giờ đây, da Nam đã sáng hơn, mềm hơn, không còn đen sì, dày cộp như trước nhưng vẫn gây đau đớn. Mỗi ngày, bà Thuỷ lại phải nấu nước chè xanh cho Nam tắm và bôi thuốc mỡ khắp người mong phần nào giúp làm dịu cơn đau trên cơ thể con trai.

Bà Thuỷ xót xa nhìn con, bảo: "Bà nội của Nam và tôi phải thay nhau trông Nam từ khi còn bé. Bà bế ra đường không ai dám động tới cháu. Đến giờ, bà vẫn giúp giặt quần áo cho Nam. Giờ, người trong làng đã quen, nhưng trẻ em làng khác vẫn trêu là cáo với ma. Buồn, đau lòng lắm nhưng chẳng biết làm sao". 

Người vợ mắc bệnh tim tảo tần chăm chồng thần kinh, 2 con ốm yếu 

Nhìn vào gia cảnh bà Thủy, không ai không khỏi chạnh lòng xót xa. Cả gia đình 6 người cùng sống trong căn nhà cấp 4 xấp xệ. 

Mẹ chồng bà Thuỷ, năm nay dù đã 80 tuổi, chân tay run yếu vẫn phải phụ giúp con dâu chăm sóc các cháu. Hàng ngày bà vẫn chăm sóc và giặt quần áo cho Nam. Cộng với làm vàng mã để kiếm thêm khoảng 20.000 đồng mỗi ngày. 

Nam_vayca

Cả gia đình em Nam bên mái nhà cấp 4.

Riêng bà Thủy, bị bệnh tim, cố gắng mãi mới đi phẫu thuật được nhưng đều đặn vẫn phải lên bệnh viện khám. Sức khỏe yếu, vẫn phải một mình quần quật gánh vác cả gia đình, bà Thuỷ rớt nước mắt: "Chồng thế này, lắm hôm tủi thân nằm khóc 1 mình. Cắn răng mà chịu. Ấy vậy mà lúc đẻ xong, có người nói ‘Tao cho 5 chục, 1 trăm mua gì cho nó ăn, rồi để nó ở bờ mương, ngã đâu thì nó ngã’. Có người lại bảo tôi là ‘Nếu cháu vứt bỏ thằng bé thì đứa sau đẻ ra sẽ thiếu đầu, thiếu đuôi’.  Tôi mà đang tâm vứt bỏ thằng Nam thì nó ở đâu rồi chứ không còn ngồi đây nữa". 

Có lẽ, niềm vui lớn nhất của bà Thuỷ là 2 người con gái tiếp theo sinh ra đều lành lặn. Con gái lớn là Lương Thị Huệ sinh năm 2001, năm nay lên lớp 10 và học rất giỏi. Huệ vừa đỗ vào trường THPT Thường Tín và sắp tới sẽ thi vào lớp chọn. Trước đó, Huệ đoạt giải học sinh giỏi môn Hóa cấp Huyện. 

Gia cảnh khó khăn, thật không dễ dàng gì cho Huệ khi cố gắng theo đuổi giấc mơ của mình. Bản thân em cũng mắc bệnh tim đang phải theo dõi bệnh tình sau khi em có hiện tượng khó thở. 

"Nhà tôi có 6 người nhưng chỉ có 3 sào ruộng. Cả mấy mẹ con, bà cháu đều làm thêm nhưng mỗi ngày chỉ được vài chục nghìn đồng. Cả ngày nhà tôi chỉ dám tiêu 20 ngàn đồng thôi. Tôi mổ thay van tim nên mất mỗi tháng 1 - 2 triệu đồng tiền thuốc, cuộc sống chật vật thế này, không biết có lo nổi cho các con đi học hay không", bà Thuỷ nghẹn ngào. 

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, cá nhân tổ chức xin vui lòng gửi đến Tài khoản Báo điện tử VTC News. Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội. Chúng tôi sẽ chuyển tiền ủng hộ đến bệnh nhân sớm nhất.

Nội dung chuyển tiền: Ủng hộ em Lương Văn Nam, Thường Tín, Hà Nội

Hoặc liên hệ trực tiếp Tòa soạn để có thông tin về nhận vật: Đường đây nóng Báo điện tử VTC News 01255.911.911 - email: [email protected].

Video: Nữ sinh bị ong đốt nguy kịch

Nguyễn Tâm
Bình luận
vtcnews.vn