Ngày 16/10, cô L.T.T.T. – giáo viên hợp đồng môn Tin học tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, cô vừa đại diện cho hàng trăm giáo viên, nhân viên hợp đồng nhưng không được đóng bảo hiểm ở huyện Thăng Bình gửi đơn kêu cứu đến Chủ tịch nước. Đơn cầu cứu cũng được giáo viên gửi tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Hợp đồng gần chục năm không được đóng bảo hiểm
Theo nội dung lá đơn kêu cứu, cô L.T.T.T. nêu rõ, suốt nhiều năm qua, cô cùng rất nhiều giáo viên hợp đồng theo chế độ thỉnh giảng, nhân viên hợp đồng ở các trường huyện Thăng Bình.
Trong đó, không ít giáo viên và nhân viên ký hợp đồng gần 10 năm nay (từ năm 2011).
“Mặc dù được đi dạy, được làm việc nhưng chúng cháu chưa một lần được đóng bảo hiểm xã hội. Có trường cho ký trong hợp đồng ghi rõ là: Dạy theo chế độ thỉnh giảng, hưởng lương theo quy định, không đóng bảo hiểm xã hội.
Cũng có trường không làm hợp đồng trong nhiều năm, năm học 2018-2019 có trường cho ký hợp đồng theo từng tháng”, cô T. trình bày trong đơn.
Cũng theo cô T., tuy là dạy hợp đồng theo chế độ thỉnh giảng nhưng các trường hợp như cô vẫn dạy trong suốt một năm học và làm việc nhiều năm liên tiếp.
Không ít lần, các giáo viên, nhân viên hợp đồng bày tỏ mong muốn được đóng bảo hiểm xã hội nhưng ban giám hiệu trả lời rất dứt khoát: Phòng không đóng nên trường không đóng.
Thắc mắc của những người lao động như cô T. được gửi lên lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Thăng Bình thì cơ quan này phản hồi như sau: Do công văn số 555 của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ngày 30/11/2015 quy định từ ngày 1/1/2016 không ký hợp đồng lao động và không đóng bảo hiểm nên phòng không đóng được.
Cây trả lời càng khiến hàng trăm trường hợp như cô T. ấm ức. Bởi lẽ, họ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở huyện từ trước ngày 1/1/2016 nhưng tại sao vẫn không được tham gia bảo hiểm xã hội?
Kết thúc đơn kêu cứu, cô T. thay mặt cho những người cùng cảnh như mình tha thiết mong Chủ tịch nước và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quan tâm, xem xét để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Lương không đủ sống còn gánh thêm nỗi lo mất việc
Trò chuyện với phóng viên, cô T. trải lòng về câu chuyện gắn bó với nghề đầy nước mắt. Giọng bùi ngùi, cô T. kể, năm 2013, cô tốt nghiệp cao đẳng và về nhận công tác giảng dạy tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi theo chế độ hợp đồng thỉnh giảng.
"Lương khởi điểm khi mới ra trường của tôi chỉ ở mức 1 triệu đồng/tháng. Sau 6 năm, lương hiện tại của tôi xấp xỉ 3,3 triệu đồng.
Với đồng lương ít ỏi như thế này, tôi không thể nào đủ trang trải cuộc sống, lo cho gia đình. Chỉ có lòng yêu nghề, yêu học trò mới đủ sức níu kéo tôi gắn bó với sự nghiệp trồng người tới ngày hôm nay”, cô T. nghẹn ngào.
Tương tự là trường hợp của cô N.T.T.V. (trường mẫu giáo Bình Quế, xã Bình Quế). Sau hơn 8 năm đi dạy, cô cũng chưa một lần được đóng bảo hiểm xã hội, mức lương hiện tại của cô cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng.
Theo cô V., các giáo viên, nhân viên hợp đồng tại huyện Thăng Bình chỉ được ký hợp đồng 3 tháng. Khi hết hợp đồng, huyện sẽ tự gia hạn nên mọi quyền lợi chính đáng đều bị mất và không được hưởng các chế độ bình thường như nhiều giáo viên có bảo hiểm xã hội khác.
“Dù nhiều lần kiến nghị lên Phòng GD-ĐT, UBND huyện Thăng Bình nhưng quyền lợi của chúng tôi vẫn không được giải quyết. Sinh nở, đau ốm bị thiệt thòi rất nhiều vì không có bảo hiểm xã hội”, cô V. giãi bày.
Theo cô T., cô V. và nhiều giáo viên khác, sắp tới tỉnh Quảng Nam có đợt xét tuyển viên chức giáo dục chỉ dành cho những giáo viên được đóng bảo hiểm xã hội. Những giáo viên không được đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục bị mất quyền lợi khi không được ưu tiên tham gia kỳ thi xét tuyển viên chức.
Hiện, các giáo viên thuộc diện “hợp đồng không bảo hiểm” như cô T. đứng ngồi không yên vì phải gánh thêm nỗi lo mất việc.
Đề cập đến sự việc trên, ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình xác nhận, lãnh đạo huyện chưa nhận được đơn kiến nghị từ giáo viên.
“Chúng tôi chỉ nghe báo cáo từ Văn phòng UBND huyện (về phản ánh, kiến nghị của giáo viên trên mạng xã hội Facebook). Lãnh đạo huyện giao Phòng GD-ĐT, Phòng Nội vụ rà soát những nội dung mà giáo viên phản ánh", ông Húy nói.
Tuyển dụng 146 giáo viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc:
Hội đồng xét tuyển viên chức ngành giáo dục Quảng Nam vừa thông báo xét tuyển 146 chỉ tiêu giáo viên THPT hạng 3, gồm các môn: Toán, Địa lý, Vật lý, Tiếng Anh, Hóa, Tiếng Pháp, Sinh, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Tin học, Lịch sử, Thể dục.
Bên cạnh các tiêu chí chung về sức khỏe, độ tuổi, phẩm chất đạo đức, người đăng ký xét tuyển phải tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, có trình độ ngoại ngữ bậc 2, trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Đồng thời, người đăng ký xét tuyển phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn: Có 1 môn học đạt giải ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế trong thời gian học ở cấp THPT; Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia.
Bình luận