Để đảm bảo các chuyến tàu có thể chuyên chở một lượng lớn hành khách và vẫn chạy đúng giờ, đơn vị quản lý hệ thống tàu điện ngầm Nhật Bản Japan Rail đã tuyển dụng những nhân viên oshiya, hay còn gọi là pusher với nhiệm vụ duy nhất là đẩy, nhồi nhét được nhiều khách nhất có thể vào mỗi chuyến tàu.
“Xin lỗi, làm ơn đi chuyến tàu kế tiếp nhé. Toa này đã quá đông rồi. Chúng tôi bắt đầu đẩy vào nhé. Làm ơn bước vào bên trong thêm vài bước nữa”. Tại một ga tàu ở Nhật Bản, 3 rồi 4 nhân viên gác tàu cố gắng hết sức để đẩy hết số hành khách đang đứng tràn ra cửa có thể chui lọt vào toa tàu trước khi đoàn tàu tiếp tục hành trình.
Chị Đào Thị Minh Thành, 34 tuổi, hiện đang sinh sống tại Nhật chia sẻ, vì tàu điện là phương tiện công cộng phổ biến ở Nhật, lượng hành khách rất đông. Vào khung giờ cao điểm hay cuối tuần, đặc biệt là khi xảy ra các sự cố thì các chuyến tàu luôn trong tình trạng quá tải.
Lúc ấy, các nhân viên nhà ga sẽ làm nhiệm vụ đẩy khách lên tàu. Những người này chủ yếu là nam giới, cư xử nhã nhặn, lịch sự nên hầu như hành khách không có cảm giác khó chịu, bởi trên thực tế thì ai cũng muốn lên tàu, không phải đợi chuyến sau.
Tokyo là thành phố đông dân nhất thế giới với hơn 37 triệu người; gần một 1/2 số người đi làm bằng tàu hỏa, vượt xa các phương tiện giao thông khác như xe đạp, xe buýt và phương tiện giao thông cá nhân.
Theo thống kê, hầu hết các chuyến tàu điện tại Tokyo đều chạy vượt công suất, thậm chí có một số ít chạy vượt công suất 200% để đáp ứng nhu cầu di chuyển của khách.
Để có thể chất đầy được gấp 2 lần lượng hành khách, các oshiya đã ra đời có trách nhiệm đẩy được nhiều người nhất vào các khoang tàu để cửa có thể đóng lại.
Khi những người làm nghề oshiya lần đầu tiên xuất hiện ở nhà ga Shinjuku ở Tokyo, họ được gọi là “nhân viên sắp xếp hành khách”, phần lớn các oshiya khi đó là sinh viên làm việc bán thời gian.
Ngày nay, không có các oshiya chuyên dụng, những nhân viên nhà ga hoặc lao động bán thời gian sẽ đảm nhận vai trò này trong giờ cao điểm.
Anh Nguyễn Văn Trung, 37 tuổi, từng có 2 năm học tại Nhật Bản, chia sẻ, người Nhật rất đúng giờ nên dù các chuyến tàu chỉ cách nhau 5 phút, họ cũng muốn lên được chuyến sớm nhất, cố chen lên các toa tàu:
“Vì người Nhật rất chuẩn chỉ về mặt thời gian nên họ không muốn lỡ một chuyến tàu. Vào những giờ cao điểm thường rất đông nên khi mọi người lên tàu, những nhân viên gác tàu đấy nếu toa nào đông quá thì họ sẽ cố gắng đẩy mọi người có thể chui được hết vào trong toa tàu và để cho cửa của toa tàu có thể đóng lại”.
Các oshiya được đào tạo trong vài tuần trước khi chính thức làm việc.
Không chỉ là một công việc yêu cầu sức khỏe tốt, các oshiya cần phải tuân thủ nghiêm túc quy tắc, quy trình làm việc để đảm bảo an toàn cho hành khách, ngăn ngừa tai nạn hoặc sự cố xảy ra. Họ bắt buộc phải đeo găng tay trắng khi làm việc để các hành khách nhận biết được.
Oshiya lưu ý cần dùng hai tay để đẩy khách, áp lực đẩy bằng hai tay sẽ cân bằng hơn so với đẩy bằng một tay, cả khách và Oshiya đều sẽ không bị mất cân bằng và ngã ra đường.
Thứ hai, Oshiya chỉ có thể đẩy vai, lưng hoặc một phần bắp tay của khách hàng lên tàu, tuyệt đối tránh chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể khách. Và cuối cùng, Oshiya cần phải giữ chân thật chắc.
Thứ ba, chân trụ trên mặt đất của oshiya phải thật chắc chắn sau đó dồn lực vào cả 2 tay để giúp hành khách không bị mất đà cũng như bị chính những hành khách đẩy họ vào trong tàu.
Cuối cùng, họ phải liên tục hô to để thông báo cho mọi hành khách cũng như người lái tàu biết khi nào có thể khởi hành tránh rủi ro tai nạn.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, Oshiya sẽ treo cờ và phát tín hiệu bằng đèn cho các kỹ sư tàu khi tàu sẵn sàng và an toàn để rời bến.
Cũng theo anh Trung, ngày nay, ngoài việc đẩy khách lên tàu, những oshiya còn có nhiệm vụ đảm bảo an toàn trên sân ga, tránh tình trạng xô đẩy, hay lộn xộn vào giờ cao điểm, giúp việc đi lại của hành khách được thuận lợi. Bởi vậy mà công việc “đẩy khách” lên tàu dù không còn phổ biến như trước kia nhưng vẫn cần thiết với nhiều người.
“Với người Nhật, công việc này tương đối cần thiết vì thực ra những người này họ vừa làm công việc đẩy khách đồng thời họ cũng giám sát sự an toàn của mọi người khi lên và xuống tàu. Nếu không có những người này, thì có thể hành khách sẽ bị lỡ tàu, hay bị kẹt đồ, kẹt quần áo vào cửa và như thế cũng khiến việc vận hành tàu tương đối nguy hiểm”.
Được biết, trung bình, các oshiya được trả mức lương hàng năm là 45.000 USD (khoảng 1,1 tỷ VNĐ) để làm công việc kỳ lạ này.
Trên thực tế, công việc đẩy khách lên tàu cũng đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Một số người cho rằng nó giúp duy trì trật tự và ngăn ngừa tai nạn, trong khi những người khác chỉ trích nó là một trải nghiệm khó chịu và mất nhân tính. Những năm gần đây, những tiến bộ công nghệ và nỗ lực giảm bớt tình trạng quá tải đã làm giảm nhu cầu cần thiết đối với nhân viên đẩy khách lên tàu.
Được truyền cảm hứng từ Nhật Bản, ở Trung Quốc, ít nhất tại ba thành phố lớn ở Thượng Hải, Trùng Khánh và Quảng Châu, họ sử dụng người đẩy khách lên tàu vào giờ cao điểm kể từ năm 2008.
Vào tháng 2/2017, thủ đô Madrid cũng đã tuyển những “người đẩy khách” phục vụ cho tàu điện ngầm của Tây Ban Nha. Đặc biệt tại Frankfurt Metro khi hội chợ thương mại nổi tiếng diễn ra ở đó, họ tìm kiếm sự giúp đỡ của những người ủn khách từ năm 2015.
Bình luận