• Zalo

Nghề 'tìm ma' ở đáy sông

Thời sựThứ Bảy, 22/06/2013 01:00:00 +07:00Google News

Ở Thừa Thiên - Huế có một gia đình tình nguyện làm công việc mà ai nghe cũng rờn rợn: Lặn tìm xác chết.

Ở Thừa Thiên - Huế có một gia đình tình nguyện làm công việc mà ai nghe cũng rờn rợn: Lặn tìm xác chết.

Hàng chục năm qua, hễ ở đâu có người chẳng may sẩy chân chết đuối, nhảy cầu tự tử… chưa tìm được xác là 3 anh em ông Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Văn Sết và Nguyễn Văn Nết ở thôn Lại Tân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại được “điều động”.

Họ ngụp lặn hàng giờ dưới đáy sông sâu cả chục sải tay người, tìm kiếm người xấu số. Với họ, đây là “nghề gia truyền” đã 3 đời nay, và có không biết bao nhiêu phận người xấu số được 3 anh em ông đưa về với gia đình và chưa một lần họ đòi hỏi tiền công.

tìm ma, xác chết, đáy sông, thừa thiên - huế
 Ông Nguyễn Văn Sết - người “tìm ma” gia truyền dưới đáy sông. Ảnh: Đăng Khoa 

Nghiệp “gia truyền”

Một ngày cuối mùa đông năm trước, hàng trăm con người đứng chật ních bờ sông, tất cả lặng im dõi theo 3 anh em ông Sết ngụp lặn tìm xác 1 thanh niên tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy qua lan can cầu Tràng Tiền xuống dòng sông Hương.

Trong cái rét cắt da cắt thịt, năm bảy phút, 3 anh em ông ngoi lên mặt nước lấy hơi, hớp ngụm rượu hâm nóng người rồi lại lao trở xuống nước…Lặn tìm suốt 2 tiếng đồng hồ ròng rã, 3 anh em họ đã đưa được xác lên bờ. Thân nhân người xấu số òa khóc vang động cả khúc sông. Còn 3 anh em ông Sết lặng lẽ cuốn vội hành trang trở về nhà…

Gia đình ông Sết là dân vạn đò thứ thiệt. Và suốt gần một thế kỷ nay, cả nhà ông lênh đênh trên sông Hương bằng đủ nghề: Quăng chài, thả lưới, chạy đò, và xích lô, xe thồ nữa…“Từ đời ông nội, đến đời ba tui là dân vạn đò sông Hương, thuộc tổ 40, khu vực 7, phường Vỹ Dạ, TP.Huế. Năm trước, anh em tui lên bờ theo chính sách nhà nước, được cấp đất tái định cư tại thôn Lại Tân, vậy là số vạn đò chấm hết” - ông kể.

Cũng vì cái kiếp ở đò mà gia đình ông Sết gắn cuộc đời mình với việc “tìm ma” dưới đáy sông từ lúc nào chẳng biết. “Từ thời chế độ cũ, ông nội, đến ba tui là những người bơi lặn có tiếng trên sông Hương. Vậy nên hễ có người sẩy chân chết đuối là dân mình tìm đến nhờ….” - ông Sết nói.

Thập niên 70 của thế kỷ trước, 3 anh em ông Sết đã là những tay bơi, tay lặn có tiếng trên sông Hương. Cả 3 anh em ông lặn xuống đáy những con nước sâu đến 22 sải tay người lớn là chuyện hết sức bình thường. Chính vì “tài nghệ” đó mà mỗi lần “lặn ma”, cụ Nguyễn Văn Hoan - cha ông - thường dẫn các con theo trợ giúp. “Lúc đầu ba tui cho đi để phụ giúp chèo ghe, đưa người lên.

Đến lúc quen việc thì cho lặn thử. Lần đầu lặn rờ trúng cánh tay người chết, người tui sởn gai ốc, sợ dữ và định bỏ không làm nữa. Ba tui dạy rằng: Xưa nay, dân mình vẫn nghĩ người ở đò thường kiêng cữ cứu người chết nước, vớt xác người. Nhưng đã chết, họ hiền lắm. Xuống giúp đỡ mà đưa họ lên với gia đình, chứ nằm dưới nước sâu lạnh lẽo, tội nghiệp. Đó cũng là làm phước cho nên không có chi phải sợ” - ông Sết nhớ lại.

Ông Sết bảo việc ba anh em ông đang làm chẳng phải là nghề, mà là nghiệp. “Bởi làm cái việc ni chẳng có thù lao, mà có khi phải tốn tiền. Nói thiệt là mỗi lần lặn vớt xác, gia đình mô có điều kiện tạ lễ cho vài trăm ngàn, anh em tui dùng để làm thủ tục với thần linh sông nước, với người đã khuất để người ta không quở trách mình. Còn dư bao nhiêu thì mua rượu, mồi, anh em ngồi lai rai chống lạnh cho vui.

Cũng có nhiều gia đình nghèo quá, anh em tui tự bỏ tiền túi làm đúng thủ tục cho họ” - ông Sết tâm sự. Vậy mà mấy mươi năm qua, anh em ông Sết chưa một lần từ chối tìm người xấu số, dù là lúc nửa đêm: “Ban đêm và dù nước sâu mấy cũng lặn. Có người khuyên uống nước mắm chống lạnh, đối với anh em tui thì chỉ cần làm quai rượu cho ấm bụng, hít một hơi thật sâu là nhảy tõm xuống sông…”.

tìm ma, xác chết, đáy sông, thừa thiên - huế
 Công việc đưa đò là nguồn thu nhập chính để ông Sết nuôi vợ, con. Ảnh: Đăng Khoa

Ký ức kinh hoàng

Cho đến tận bây giờ, ông Sết vẫn nhớ như in vụ sập cầu Kho Rèn năm 1988. Hôm ấy, một buổi chiều mùa đông, mưa lất phất bay. Lúc ấy đang có một vụ khám nghiệm tử thi ở dưới chân cầu. Nhiều người rảnh rỗi cùng nhiều học sinh tan trường dừng xe chen lấn, xô đẩy nhau ở trên cầu để xem. Lan can cầu cũ kỹ không chịu nổi sức nặng đã gãy, kéo theo một mảng nền cầu xuống sông cùng tất cả những người trên đó.

Người nọ kéo người kia, khoảng chừng ba bốn chục người, cặp sách học trò, áo mưa, nón lá nổi khắp mặt sông. Anh em ông tức tốc được “điều” đến để đưa người xấu số lên bờ. Lần mò đống đổ nát dưới đáy sông tang tóc, anh em ông đưa lên 1, 2, 3… rồi 40 người chết thảm. “Họ níu, nằm đè lên nhau rất tội. Đưa hết người lên, chúng tui kiệt sức. Duy chỉ có một cháu bé, 3 anh em tui tìm mãi không thấy tung tích, đành để mấy ngày sau cháu tự nổi” - ông Sết kể.

Có những cuộc “tìm ma” có thể mất mạng bất kể lúc nào. Ông nhớ lại vụ chìm đò kinh hoàng xảy ra giữa đêm tháng 8/2003. Đêm hôm đó, trong lễ hội điện Hòn Chén, chuyến đò chở khách quá tải, bị lật chìm nghỉm dưới sông Hương. Nơi xảy ra tai nạn nhiều ghềnh đá, nhiều hang hốc, lớp kính thủy tinh của chiếc thuyền gặp nạn vỡ vụn, nhọn hoắt, lởm chởm như được rải ra giữa lòng sông.

Ông kể: “Lặn không khéo bị kính cắt bỏ mạng lúc mô không hay. Ba anh em tui nghĩ kế nắm tay nhau dàn hàng ngang lặn dưới nước, để chẳng may 1 trong 3 bị nạn thì còn kịp cứu. Hôm đó, nước bùn đục cáu cứ sộc thẳng vào hốc mũi, từng mảnh kính thủy tinh cứa vào chân đau điếng. Nghĩ lại vẫn còn sợ hãi”.

Cũng có lần ông tình cờ gặp “ma” dưới đáy nước sâu. Chuyện là sau cơn bão dữ năm 1985, ông được người dân Thuận An (huyện Phú Vang) thuê lặn vớt tôn, sắt chìm dưới phá Tam Giang. Lặn xuống, tay ông Sết chạm phải thịt, cứ tưởng là heo chết chìm dưới đáy. Sờ kỹ, ông phát hiện xác người. Ông ngoi lên gọi người xuống trợ giúp.

Tình huống bỗng dưng thấy “ma”, những người bạn đã từ chối, khuyên ông nên để lại. Không chịu, ông Sết liều mình lặn một lèo 20 hơi mới đưa được người xấu số lên khỏi mặt nước. Xong đâu vào đấy, ông dùng dây thừng néo người xấu số vào cây cọc trên phá để người nhà dễ tìm. Thẳm sâu trong ý nghĩ của ông thì: “Làm người sống hay người chết thì cũng là con người cả. Biết thì phải giúp người ta, chứ ngoảnh mặt đi thì thể nào cũng lãnh hậu quả”.

Cách đây mấy năm, trong một lần chạy đò ngược sông Hương lên chùa Thiên Mụ, từ phía xa ông Sết phát hiện một người đàn ông lao xuống sông tự vẫn. Ông kéo hết ga cho con đò phóng nhanh lên phía trước. Áp sát khu vực người bị nạn, ông bỏ đò lao xuống dòng sông. Sau một hồi ngụp lặn, ông Sết đưa được người đàn ông lên bờ: “Nhiều người có mặt đã sơ cứu, đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế. Sau ni, tui nghe nhiều người kể, người tự tử ấy được cứu sống”.

Chiếc máy tạo khí được ba anh em ông tạo ra để phục vụ công việc và tìm xác người chết. Ảnh: Đăng Khoa


Sau mấy mươi năm “lặn ma” trên các dòng sông ở Huế, 3 anh em ông bỗng dưng nổi tiếng lúc nào chẳng hay. Thế là, nhiều lời mời “tìm ma” dù ở ngoại tỉnh - Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum - anh em ông vẫn vui vẻ nhận lời. “Chỉ cần họ lo cho anh em tui phương tiện đi lại, cái ăn, chỗ ngủ, xa tới mô cũng đi”.

Ở tuổi 54, ông Sết không nhớ hết đã có bao nhiêu xác người xấu số được anh em ông đưa khỏi mặt nước. Ông bảo rằng mình không dám kể công. Bởi sống cho đi thì chắc rằng được nhận lại.

Bây giờ, để đỡ vất vả, ba anh em ông Sết tự mày mò nghiên cứu chế tạo máy tạo khí để phục vụ cho việc lặn ở những đoạn sông sâu. Họ góp 5 triệu đồng sắm máy nổ, mua dây dẫn khí, kính lặn và tự thiết kế bình hơi, chế tạo bộ phận tạo khí: “Cái máy ni có thể cung cấp khí cho 2 người cùng một lúc. Có máy tạo khí lặn được lâu hơn, việc tìm kiếm cũng dễ hơn trước gấp bội”. Những đứa con, cháu ông cũng được truyền dạy kinh nghiệm kế tục nghiệp gia truyền.

Hỏi rằng ông đã tính đến lúc “nghỉ hưu”, ông Sết chỉ cười: “Giờ ai gọi là đi liền, chứ không dám khước từ. Nhưng vui cái là 2 năm nay, người ta ít chết nước nên anh em tui cũng nhàn nhã. Ước chi mình được nhàn nhã thế này mãi thì hóa hay biết bao…”.


Theo Lao động

Bình luận
vtcnews.vn