Khi mới xuất hiện trước công chúng, Gaga thường bị chỉ trích thậm chí là phản đối kịch liệt vì cái điên ấy. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau, những mái tóc buộc nơ chằng chịt, cái kính đen to xù bỗng trở thành cơn sóng thời trang trong giới trẻ. Người ta bắt đầu thấy mớ tóc kiểu “Nữ thần mặt trời” là một kiệt tác và chiếc váy nude “bong bóng nhựa” là một hình ảnh mà đến 30 năm sau chắc họ cũng không thể quên. “Những nghệ sĩ thời nay thật quá nhàm chán” - họ thốt lên và bắt đầu hồi hộp chờ mong liệu cô nàng Gaga sẽ mặc gì, làm gì tiếp theo. Cái điên của cô nàng “quái chiêu” này là bẩm sinh hay được tôi luyện?
Thời thơ ấu và con đường đến với âm nhạc
Lady Gaga tên thật là Stefani Joanne Angelina Germanotta. Chào đời vào ngày 28 tháng 3 năm 1986 tại thành phố New York, cô là con gái đầu tiên của bố Joseph A. Germanotta, chủ công ty Internet Guest WiFi quốc tịch Mỹ gốc Ý, nay ông là quản lý của hãng Haus of Gaga. Mẹ cô là Cynthia Louise Germanotta sinh ra tại Ohio, phía Tây bang Virginia nước Mỹ. Cô có một người em gái kém cô 6 tuổi tên là Natali Germanotta (sinh ngày 10 tháng 3 năm 1992 tại thành phố New York). Natali Germanotta đã từng góp mặt trong clip "Telephone" với vai trò bạn tù của cô chị cá tính.
Thời niên thiếu, Gaga được đào tạo theo một phong cách cổ điển ở Tu viện Thánh Tâm cùng với em gái – một trường học nổi tiếng của đạo Thiên chúa ở Hoa Kỳ. Gaga nghiên cứu chăm chỉ và luôn đạt điểm cao nhất bởi cha mẹ cô đã hy sinh rất nhiều để cô có thể đến trường đó và học tập. Thế nhưng sự việc lại không được tốt đẹp cho lắm, trí tưởng tượng phong phú đến mức siêu thực, kết hợp với tính cách bướng bỉnh có chút ngỗ nghịch và cách ăn mặc kỳ quặc khiến cô bị các bạn gọi là “kẻ dị hợm, đồ vi trùng bẩn thỉu”. Đây là quãng thời gian khó khăn cô phải đấu tranh để tự bảo vệ chính mình.
Cứ đến thứ Bảy, Gaga lại được học kịch và đây là môi trường để trí tưởng tượng của cô có dịp thăng hoa. Nhờ nó, cô luôn hoá thân vào nhân vật một cách xuất sắc, trên cả kỳ vọng. “Tôi đã uống trọn một tách cà phê và cảm nhận được những hạt nước mưa dù rằng cà phê và mưa là điều không có thực. Đó là thứ đầu tiên mà họ dạy bạn. Ký ức về cảm giác thực sự có một sức mạnh rất lớn” – Gaga hồi tưởng lại.
Gaga có tài năng âm nhạc thiên bẩm. Từ khi còn 4 tuổi, cô đã có khả năng nghe các nghệ sĩ chơi piano rồi đánh lại những bản nhạc ấy và cho ra đời bản hòa tấu piano ballad đầu tiên ở tuổi 13. Đến năm 17 thì cô lọt vào danh sách 20 tài năng trẻ của thế giới được nhận vào trường Tisch School of Arts danh tiếng ở New York University.
Lady Gaga tiết lộ: “Tôi thích nhạc rock, pop và cả nhạc kịch. Khi tôi phát hiện ra ban nhạc Queen và David Boewie cũng là lúc ý tưởng kết hợp ba dòng nhạc này với nhau nảy ra trong tôi và tôi luôn nghĩ rằng mình có thể làm được điều đó”. Nghệ danh Lady Gaga của ngày hôm nay cũng xuất phát từ ca khúc “Radio Gaga” của nhóm rock huyền thoại Queen.
"Một khi bạn học được cách tư duy về nghệ thuật, bạn có thể tự dạy mình" – cô nói. Khi học đến kỳ thứ hai, cô xin thôi học vì muốn trở thành một ngôi sao nhạc rock. Cha cô đồng ý trả tiền thuê nhà 1 năm với điều kiện là cô phải quay trở lại học nếu thất bại nhưng cô đã từ chối và kiên quyết không nhận bất kì nguồn tài trợ nào từ gia đình.
“Lúc đó, tôi đã phải ở trong căn hộ rẻ nhất trong những nơi tồi tàn nhất, ăn những thứ rác rưởi cho đến khi có ai đó nghe tôi hát” – Gaga nhớ lại quãng thời gian tủi cực mà mình đã lựa chọn.
Gaga lang thang ở khu buôn bán kinh doanh, cô vác đĩa đến đài nào cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Họ cho rằng âm nhạc của cô quá nổi loạn và không phù hợp với thị hiếu nghe nhạc của khán giả. Để kiếm sống, cô tích cực nhận show hát ở bất kì hộp đêm nào nếu được mời, dù với giá rẻ mạt. Khi nhận thấy xung quanh mình có quá nhiều các nhạc sĩ viết cùng một phong cách nhạc như nhau, Lady Gaga quyết định làm cái gì đó mới mẻ và có chút gợi cảm, khiêu khích hơn với phong cách nhạc pop nền rock sôi động. Một lần cha của cô đã sốc khi thấy cô trốn đến câu lạc bộ Lowest East Side để đắm chìm trong thuốc lắc và xuất hiện trong buổi múa thoát y ở quán bar. "Ông ấy đã không thể nhìn mặt tôi trong mấy tháng, lúc đó tôi đang mặc bộ quần áo da bó sát và cầm roi da. Thật khó khăn cho ông ấy – ông ấy chỉ không hiểu. Nhưng gia đình tôi đã thấy tôi trưởng thành hơn và giờ cha tôi mừng phát khóc khi thấy tôi trình diễn trên sân khấu" – Gaga tâm sự.
Bước đầu khởi nghiệp
Năm 2006, Wendy Starland – một nhà soạn nhạc trẻ đang làm cho nhà sản xuất âm nhạc Rob Fusari – đã gặp Gaga trong buổi trình diễn của ban nhạc mang tên cô tại quán bar mang tên Cutting Room. Starland đã nói với Gaga rằng “Tôi sắp khiến cô đổi đời” rồi lấy di động gọi cho Fusari. Fusari gắt: “Tại sao lại đánh thức tôi dậy” – Tôi tìm được cô gái, một triệu người mới có một – “Cô ấy có bài hát nào hay à? – Không – “Vậy, ban nhạc của cô ấy chơi hay không?” – Khủng khiếp – “Anh đùa à?” – Vấn đề không phải là sản phẩm của cô ấy mà là con người cô ấy, Starland cười lớn.
Bắt đầu từ đó, Gaga làm việc với nhà sản xuất âm nhạc "Rob Fusari". Kết quả của sự hợp tác này chính là sự ra đời của các ca khúc như "Beautiful, Dirty, Rich", "Dirty Ice Cream" và "Disco Heaven". Tuy nhiên những bản thu âm đầu tay này vẫn chưa thể đem lại thành công cho cô. Năm 19 tuổi, Gaga ký hợp đồng âm nhạc đầu tiên với công ty ghi âm "Def Jam" nhưng hợp đồng này nhanh chóng kết thúc chỉ sau ba tháng. Gaga như con chim khao khát bầu trời bỗng dưng bị gãy cánh, nhưng cô không bao giờ từ bỏ ước mơ. Có lẽ những nhà soạn nhạc của các bài hát đó tĩnh lặng, ổn định và hàn lâm quá so với cái chất men trong con người của cô. Cái chất ấy đang sôi sục, đang mạnh mẽ lắm nhưng nút kích hoạt nó thì cô chưa tìm thấy.
Gaga bắt đầu nghiên cứu âm nhạc một cách nghiêm túc hơn và lục lọi tìm kiếm trong chính bản thân mình để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” Cô có chất lửa như Madona, nhưng khác ở chỗ Madona biết vạch ra con đường của mình và từng bước đi cụ thể, khôn ngoan, còn Gaga thì không. Cô hành động hoang dại theo bản năng, đầy nhiệt huyết và niềm vui của tuổi trẻ, không bao giờ có sự sắp đặt trước. Gaga bắt đầu xé ngắn dần các trang phục của mình, may chúng bó sát hơn cho đến một ngày các mảnh vải thậm chí biến mất. Cô cảm thấy mình được phóng thích khỏi những khuôn phép của xã hội và trở về với những gì tự nhiên nhất trong tâm hồn. Không ai khác có thể hiểu Gaga bằng chính cô vì thế, cô sẽ phải là người tự sáng tác nên những tác phẩm và biểu diễn chúng.
Và đến đầu năm 2007, khi được gia nhập hãng đĩa "Interscope", Fusari gửi những bài hát ông sản xuất với Gaga cho một người bạn của ông ấy – nhà sản xuất và thu âm Vincent Herbert, cái “chất” của Gaga mới được khai sáng và phát triển. Cô được thuê để viết bài hát cho Britney Spears, New Kids Block, Fergie, và Pussycat Dolls. Giờ đây với tư cách là một nhạc sĩ, cô được làm việc với nhà sản xuất âm nhạc Akon, được tự do sáng tác và thể hiện các ca khúc của mình với nghệ sĩ Lady Starlight, người đã giúp Gaga xây dựng nên phong cách cổ điển pha hiện đại rất riêng của mình. Cô bắt đầu hoạt động với một nhóm gọi là "Haus of Gaga" (một hãng chuyên sản xuất, xuất bản các ấn phẩm âm nhạc và truyền thông của Lady Gaga), kết hợp với cảm hứng của họ về thời trang, biểu diễn và âm nhạc.
Hào quang loé sáng
Album đầu tay mang tên The Fame của cô đã thành công nhanh chóng khi giành vị trí quán quân tại Áo, Anh, Canada, Ireland và đứng vị trí thứ 3 tại Úc, thứ 2 ở Mỹ với doanh số bán chạy trong tuần đầu tiên là 24000 bản. Album cũng đứng nhất trong bảng xếp hạng Billboard Top Electronic Albums. Với album đầu tay này, cuối cùng cô cũng thực hiện được ước mơ của mình khi chiếm lĩnh vị trí đứng đầu thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu. Làn da trắng, mái tóc bạch kim luôn đi liền với tên tuổi của cô trên khắp các bảng xếp hạng doanh thu âm nhạc. Mặc dù vậy, Gaga không theo đuổi dòng nhạc lưu hành cũng như hình ảnh công chúa đáng yêu. Cô gái tài năng cả về năng khiếu sáng tác cũng như biểu diễn trên sân khấu đã chọn cho mình một phong cách riêng và khẳng định vị trí của mình trong làng âm nhạc đương đại.Đĩa đơn thứ hai: "Poker Face" tiếp tục gặt hái được rất nhiều thành công khi giành vị trí quán quân tại hơn 21 quốc gia khác nhau kể cả Hoa Kỳ. Ca khúc được đề cử một giải Grammy cho "Thu âm nhạc nhảy hay nhất" và đã đoạt được giải. Sau đó, cô phát hành ba đĩa đơn tiếp theo là "Eh, Eh (Nothing Else I Can Say)", LoveGame" và "Paparazzi”. Việc cô giành tới 13 đề cử giải thưởng âm nhạc MTV Video Music Awards vào năm 2010 và 5 đề cử cho ca khúc Video Phone, đã phá vỡ mọi kỷ lục đã từng được xác lập trong lịch sử 26 năm tồn tại của VMAs.
Chỉ khởi nghiệp trong khoảng thời gian rất ngắn, Lady Gaga đã áp đặt phong cách và tên tuổi của mình trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng và thống trị hầu hết trên các bảng xếp hạng âm nhạc lớn nhỏ. Đến cuối năm 2010, Lady Gaga đã chính thức trở thành ngôi sao tiếp theo trở thành "bất tử" với việc được dựng tượng sáp tại bảo tàng "Madame Tussauds" và không chỉ có một bức tượng của cô ở Madame Tussauds mà còn ở khắp châu lục như New York, Las Vegas, London, Thượng Hải và rất nhiều nhánh khác của bảo tàng này trên toàn thế giới. Ước tính Madame Tussauds mạnh tay chi đến 1.5 triệu USD để mua tất cả những phụ kiện, những bộ trang phục độc đáo nhưng không kém phần "quái" nhất để xứng với tầm của Lady Gaga. Đặc biệt, Lady Gaga được Forbes bình chọn là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong năm 2011, vị trí của cô được xếp trên cả tổng thống Mỹ Barack Obama.
Cảm hứng âm nhạc và cuộc sống thực
Trên thực tế, các tác phẩm của cô đều được truyền cảm hứng từ những gì diễn ra trong cuộc đời thực, có điều nó được nhìn nhận theo lăng kính của riêng Lady Gaga. Khi mối tình với anh chàng Luke Carl – tay đánh trống trong câu lạc bộ rock cô hát khi xưa – đổ vỡ thì đó cũng là sự khởi đầu cho hàng loạt các ca khúc như Just dance, Bad Romance… Những giờ phút cha cô nằm trong phòng phẫu thuật tim cũng là những giây phút Gaga sáng tác nên tác phẩm “Speechless” giàu cảm xúc. Những vấn đề xã hội như bảo vệ môi trường, chống phân biệt đối xử với người thuộc giới tính thứ ba… cũng được cô truyền tải đến hàng triệu triệu người hâm mộ trên toàn thế giới thông qua những tác phẩm của mình. Và một điều không thể không nhắc tới đó là ý tưởng thời trang đầy sáng tạo và ấn tượng trong các tác phẩm của cô không xuất phát từ những thứ cao xa mà chính là từ những vật rất thực trong cuộc sống như bông tuyết (bộ trang phục băng tuyết), lá cọ (vầng hào quang trên bộ tóc Nữ thần mặt trời), cây nấm (bộ tóc mớ rơm)…
Cảm hứng của cô luôn tuôn chảy không ngừng trong khi các chủ đề thì đa dạng và phong phú. Bởi lẽ, âm nhạc của cô phản ánh cuộc sống, mà cuộc sống thì muôn hình vạn trạng, muôn sắc màu và đầy sáng tạo. Cô có thể sáng tác hàng ngày mà không bao giờ cạn kiệt ý tưởng.
Phát biểu với tạp chí OK! của Anh, Gaga chia sẻ: "Cảm hứng của tôi mạnh đến mức tôi không thể ngủ được. Tôi đã mất ngủ 3 ngày liên tiếp...Tôi nằm trên giường, cố gắng cầu nguyện và thở đều. Đầu óc tôi cứ hoạt động không ngừng để tìm kiếm những điều mới mẻ. Tôi lại là người không bao giờ lấy thuốc men để giảm stress hay bình tâm nên việc trắng đêm với tôi đã trở thành một bệnh nghề nghiệp. Thật điên rồ nhưng tôi thích những gì đến bất chợt trong mỗi lần tôi không ngủ được, đó là thời khắc vàng để có được những ý tưởng hay nhất”.
“Nếu người hâm mộ càng thích những gì tôi làm thì tôi càng muốn đáp trả cho họ thật nhiều sản phẩm thật thú vị!". “Tôi đã điên. Tôi là kẻ không sợ bất cứ thứ gì và không thể dừng lại. Nếu định mệnh buộc tôi phải mất trí vì sự nổi tiếng thì đó là định mệnh của tôi. Tuy nhiên, có một thứ còn lớn hơn định mệnh – đó là niềm đam mê”.
Lady Gaga không chỉ hóa trang trên sân khấu mà còn luôn giả dạng trong đời thường bởi như cô từng thừa nhận: “Tôi luôn sống trong hai nửa: một là đời thực và hai là sân khấu. Tôi sinh ra đã như vậy” Mọi người đều biết đến nhân vật Lady Gaga, nhưng không phải ai cũng biết rõ cô Stefani Germanotta ngoài đời là ai. Lady Gaga không nấp mình trong bóng tối, mà tự giấu mình trong ánh sáng. “Có nhiều kiểu nổi tiếng, có kiểu nổi tiếng với sự giàu có và các tay săn ảnh. Nhưng cũng có kiểu nổi tiếng khi mà không ai biết bạn nhưng ai cũng muốn biết bạn là ai” – cô nói.
Tình yêu với gia đình
Tuy đã trở thành một ngôi sao nổi tiếng mang tầm cỡ quốc tế nhưng không lúc nào Lady Gaga không nghĩ đến song thân và những người đã giúp đỡ mình từ lúc còn nhỏ cho đến tận bây giờ. Trở về quán bar nhỏ xíu và vô danh từng cưu mang mình từ thuở còn nghèo khó là cách cô đã chọn để đáp lại và làm nơi ăn mừng thành công rực rỡ của mình. Không những thế, cô còn là một người con hiếu thảo trong mắt của bố mẹ.
Khi cha cô đang được phẫu thuật tim, cô đã sáng tác ca khúc Speechless để dành tặng cho cha và gửi nó cho ông khi đang đi tour diễn. Vào một ngày, khi sức khoẻ của ông không được tốt, cô đã vứt bỏ hết mọi thứ và ngồi xuống bên ông. "Cha là cả thế giới đối với tôi. Khi cha tôi khỏe mạnh, tôi thấy việc có ông ở bên cạnh là điều bình thường và hiển nhiên phải vậy. Nhưng khi cha bị bệnh, tôi đã vô cùng lo sợ, tôi sợ mất cha một ngày nào đó, tôi không dám nghĩ đến điều này. Chỉ nghĩ rằng ngày nào đó cha sẽ xa rời chúng tôi mãi mãi, tim tôi đã như bóp nghẹn hẳn lại. Tôi đã nói với ông không chỉ là trái tim của ông bị đau, mà tất cả trái tim của cả nhà cũng đang đau. Nếu ông mất, tôi sẽ bỏ âm nhạc và mẹ tôi cũng sẽ không sống nổi. Rất nhiều người hâm mộ đang chờ đợi tôi, đó là những người thực sự đáng yêu, trẻ trung và cũng có chút rắc rối. Nhưng tôi muốn nhắc họ rằng chúng ta chỉ có một đấng sinh thành mà thôi".
Các hoạt động từ thiện và ứng xử với người hâm mộ
Tuy có phong cách mà nhiều người cho rằng quái dị và gây sốc, nhưng bên trong Lady Gaga lại là một cô gái có tấm lòng nhân hậu và luôn hết mình với các hoạt động xã hội. Tháng 10/2009, cô tham gia cuộc diễu hành ủng hộ người đồng tính tại Washington D.C. Năm 2010, cô được DoSomething.org - một website chuyên đưa tin về các hoạt động từ thiện bầu chọn là nghệ sĩ nhân ái nhất trong năm, nhờ những hoạt động đấu tranh cho LGBT (thế giới của những người đồng tính và lưỡng tính). Đồng thời việc luật cấm người đồng tính phục vụ trong quân đội cũng đã được bãi bỏ nhờ một phần công của Lady Gaga. Cô đã rơi nước mắt vì vui mừng khi nghe tin này. Giải thích lí do đấu tranh cho người đồng tính, cô nói họ là những fan đầu tiên của cô, ủng hộ cô từ những ngày đầu bước chân vào showbiz, và nhiều người bạn thân thiết của Lady Gaga cũng là dân gay.
Ngoài ra, cô cũng quyên góp toàn bộ số tiền thu được từ 2 đêm diễn tại New York (500.000 USD) để ủng hộ cho các nạn nhân động đất Haiti, và 3 triệu đô cho các nạn nhân vụ động đất tại Nhật Bản vào tháng 3/2011. Cứ mỗi đêm diễn tại tour Monster Ball, 20.000 USD lại được trích ra từ tiền vé để góp vào quỹ ủng hộ thế giới LGBT của Virgin Mobile.
Phong trào đấu tranh cho người đồng tính của Lady Gaga tăng cao hơn bao giờ hết, khi Jamey Rodemeyer, cậu bé 14 tuổi là fan hâm mộ của cô, tự sát do bị bạn bè trêu chọc và bắt nạt vì giới tính của mình. Lady Gaga đã gặp và trình bày với tổng thống Obama, mong ông có cách bảo vệ những nạn nhân bắt nạt như Jamey. Trong đêm diễn tại Iheart Radio ở Las Vegas, cô cũng đã dành tặng màn trình diễn ca khúc Hair cho cậu bé xấu số này. Cô nói trước khi biểu diễn: "Jamey, chị biết em đang quan sát từ trên thiên đường. Em không phải là nạn nhân, sự ra đi của em là bài học cho tất cả chúng ta."
Lady Gaga cũng là một trong những ngôi sao hiếm hoi đối xử thân thiện và hết lòng với người hâm mộ. Cô từng chi 1000 đô để mua pizza cho các fan đứng chờ mình tại Best Buy, khi cô đến đó để kí tặng album The Fame Monster. Vào đầu năm 2009, Lady Gaga đã từng post một đoạn thơ trên trang Twitter của mình với nội dung như sau: “Mỗi phút giây trong ngày. Sự thật là, tôi như người đã chết. Cho đến khi tôi được ở đây, với các bạn bên dưới sân khấu. Lúc ấy, tôi như được tái sinh.
Thu Hồng
Bình luận