Video: Nghệ sĩ xiếc Minh Long chia sẻ về cha và gia đình với nhiều góc khuất
Nghệ sĩ xiếc Minh Long - người con được tìm thấy trong câu chuyện "người cha tìm được con sau 17 năm nhờ xem xiếc trên truyền hình" đã có những chia sẻ về nghề, về gia đình nhỏ mà anh luôn xem đó là bến bờ hạnh phúc mình tìm được sau những ngày vất vả, cực khổ của tuổi thơ không đủ tình thưong.
Anh tâm sự với chúng tôi, cuộc đời anh vốn đã thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất khi không có tình thương cha mẹ, vất vả mưu sinh tự nuôi sống bản thân. Ở thời điểm hiện tại, khi đã có một gia đình nhỏ cho riêng mình, anh tự dặn lòng có thể làm hết tất cả mọi thứ, chỉ mong con gái có cuộc sống đủ đầy không phải chịu khổ như anh.
- Từng chia sẻ về tuổi thơ khó khăn, cực khổ của mình, thế nhưng cơ duyên nào đưa anh đến với nghề xiếc kungfu?
Từ nhỏ, tôi đã đam mê nghệ thuật và trong đầu lúc nào cũng chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Làm nghệ thuật, bất cứ giá nào cũng phải làm được. Ngày xưa tôi thích làm ca sĩ nhưng không có duyên bởi nghề này theo tôi, đòi hỏi có học vấn nhưng bản thân tôi không may mắn, chỉ có thể học hết lớp 7.
Trong một lần nhìn thấy anh Hoàng Minh và bé Phi Long, những người nghệ sĩ xiếc ở thời điểm đó biểu diễn trên sân khấu trong đoàn hội chợ ở Đồng Tháp - cũng là quê nhà của tôi, tự nhiên tôi lại cảm thấy thích và về nhà tự học, tập theo. Tôi chỉ nghĩ những động tác đó dễ làm lắm nhưng đến khi dấn thân vào thực hiện mới biết nó khó đến mức nào.
Năm 12 tuổi, tôi bắt đầu cầm viên gạch đầu tiên để đập vào đầu khi tập tiết mục công phá và bị chấn thương đầu. Suốt khoảng thời gian tự mò mẫm tập luyện như vậy, tôi không biết mình đã chấn thương bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc vì trong lòng không hiểu sao luôn nung nấu ý chỉ phải tập cho bằng được rồi dần dần cảm thấy xiếc kungfu là nghề phù hợp với mình, đeo đuổi nó đến tận bây giờ.
Tôi tự đi làm, tự học thêm từ những anh chị đi trước. May mắn được mọi người thương, họ đã bỏ công sức để chỉ dẫn cho tôi những tiết mục tôi chưa làm được. Sau này, tôi được thầy Minh Tâm và thầy Kao Long dạy dỗ thêm và luôn biết ơn vì điều đó. Khi đã có được nhiều tiết mục hơn, tôi bắt đầu đi vào con đường chuyên nghiệp.
- Xiếc kungfu là một nghề khó khăn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng, có bao giờ anh cảm thấy bất công, chán nản đến mức muốn từ bỏ?
Đối với bộ môn xiếc kungfu, anh em nghệ sĩ chúng tôi có tiết mục tập vài năm, có tiết mục tập chỉ vài tháng thậm chí chục năm cũng có. Thế nhưng, mỗi tiết mục có được đều là tâm huyết bỏ ra, thậm chí đánh đổi cả tính mạng của mình chỉ để có vài phút chớp nhoáng trên sân khấu, cống hiến cho khán giả.
Tôi cực khổ mấy cũng được để con tôi không có cuộc đời khổ như cha nó.
Nghệ sĩ xiếc Minh Long
Nghề này nguy hiểm luôn rình rập bởi chỉ cần sai sót nhỏ như một sợi tóc cũng có thể lấy đi tính mạng của mình. Tinh thần phải ổn định và luôn giữ sức khỏe thật tốt bởi nếu không đảm bảo được hai yếu tố trên rất dễ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn.
Khán giả xem bên dưới nhưng trên sân khấu, chúng tôi phải tập trung cao độ nên rất mong mọi người có yêu mến, cũng đừng chạm vào nghệ sĩ khi đang đứng trên sân khấu dễ khiến họ mất tập trung dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Nguy hiểm, khó khăn là thế nhưng số tiền cát xê chúng tôi nhận được sau mỗi show diễn cũng không đủ đáp ứng công sức bỏ ra. Tôi còn nhớ ngày mới vào nghề, show diễn chính thức đầu tiên chỉ nhận được cát xê 300 nghìn đồng khi đi diễn theo một đoàn võ thuật ở quê nhà Đồng Tháp.
Người nghệ sĩ xiếc kungfu đi diễn không dám nói cát xê cao vì lỡ cao quá, người ta không gọi mình đi diễn. Nhiều lúc cũng chán nản, muốn bỏ nghề vì thu nhập bấp bênh không đủ nuôi sống bản thân, trang trải mọi thứ nhưng đam mê cháy âm ỉ không bỏ được.
- Anh cũng đã có vợ và con nhỏ, theo anh nói nghề này thu nhập bấp bênh, làm sao anh đủ trang trải cuộc sống cho gia đình?
Nghề này khó khăn nhưng cũng nhờ nó, tôi mới tìm được cho mình hạnh phúc như bây giờ. Tôi gặp vợ tôi lần đầu tiên trong một buổi diễn từ thiện ở TP.HCM khi cô ấy đến xem và ủng hộ chương trình. Sau đó, cả hai lưu số điện thoại của nhau rồi bắt đầu liên lạc, nhắn tin qua lại và kết quả là tôi và cô ấy có một tổ ấm hạnh phúc như bây giờ, cùng một cô con gái.
Tôi sống thiếu thốn tình thương, nên gia đình luôn là tất cả đối với tôi. Nhiều lần, vợ cũng khuyên tôi nên làm nghề khác bởi cô ấy hiểu được sự vất vả, nguy hiểm mà tôi đối mặt từng ngày nhưng thấy chồng đam mê quá, cô ấy chỉ "xuôi tay chịu trận" (cười).
Những lần đi diễn, vợ đều đi cùng tôi. Không phải để giám sát gì đâu mà chỉ đơn giản là để đề phòng khi tôi đang diễn, có khán giả từ đằng sau chạy tới chạm vào hay có hành động gì cô ấy sẽ ngăn cản tránh để xảy ra trương hợp đáng tiếc.
Đi theo tôi vậy đó, nhưng chưa bao giờ cô ấy dám nhìn tôi diễn trên sân khấu. Tôi đi diễn hay tập luyện gặp chấn thương, cô ấy cũng xót xa lắm nhưng không làm gì được vì nghề đã chọn tôi rồi. Còn con gái thì tôi luôn giấu vì sợ con bé thấy sẽ đau lòng, mỗi lần ở nhà tập luyện tôi đều đóng kín cửa không cho ai vào.
Bạn không biết đâu, một nghệ sĩ xiếc kungfu chuyên có những hành động nặng như tôi, đến lúc được bế con gái trên tay tôi có một cảm giác lạ lắm, người cứ lâng lâng khi mình được bế trên tay một bé gái nhỏ như vậy, một phần vì quen nặng nhọc rồi giờ bế con thấy nhẹ tênh (cười).
Mỗi khi vợ chồng tôi đi làm, con bé sẽ được ông ngoại chăm sóc nhưng may mắn nó rất ngoan, đi học về sẽ tự làm vệ sinh cá nhân, đợi ông ngoại đưa cơm cho ăn rồi tự giác ngồi vào bàn học. Nó ham học và mau tiếp thu lắm, nhiều khi anh họ của nó ngồi học bài mãi không thuộc, nó chỉ nghe một lần là thuộc rồi.
Tôi ít học, chỉ đến lớp 7 là nghỉ nhưng tôi sẽ cố gắng để con có thể học hết tất cả những gì con thích, học lên đến đại học. Nghề của tôi thu nhập bấp bênh, có tháng được chục triệu, có tháng chỉ 2-3 triệu có tháng không được đồng nào nhưng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để con có được cuộc sống đầy đủ.
Nếu làm một nghề không được, tôi sẽ làm hai nghề, chỉ cần lo được cho con tôi sẽ làm. Nhiều lúc có người hỏi tôi, đi diễn nhiều vậy, xa con không lo sợ sau này con bé sẽ giận vì nghĩ cha không thương mình nên mới đi suốt như vậy sao, tôi chỉ biết cười.
Tôi cũng sợ lắm chứ, thương con nhưng con giận mình tôi rất sợ. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì muốn con có cuộc sống tốt hơn, không khổ như cha nó tôi đành phải chấp nhận như vậy thôi. Tôi đã sinh ra con, tôi phải có trách nhiệm cho nó một cuốc sống thật tốt.
- Cám ơn anh về những chia sẻ trên!
Bình luận