Với tư cách cố vấn âm nhạc của dự án, nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy chia sẻ về vị thế âm nhạc của hai tác phẩm và điều kiện biểu diễn ballet ở Việt Nam.
- Là thạc sĩ tốt nghiệp ở Nhạc viện Tchaikovsky, anh nói gì về vị trí của hai tác phẩm Hồ thiên nga và Kẹp hạt dẻ trong gia tài âm nhạc của Tchaikovsky?
Tchaicovsky là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi trên thế giới sở hữu một kho tàng các giai điệu. Không một ai có nhiều giai điệu như Tchaikovsky và cũng không thể tìm ở Tchaikovsky giai điệu nào lặp lại hoặc giống nhau.
Nếu ở Áo có ông vua của nhạc waltz là Strauss thì ở Nga có ông vua của giai điệu là Tchaikovsky. Nói ông là vua giai điệu có nghĩa sự sáng tạo của ông là khổng lồ. Đó gia tài lớn nhất của cá nhân Tchaikovsky và của nước Nga. 2 vở ballet Hồ thiên nga và Kẹp hạt dẻ là những vở thành công trong lịch sử ballet thế giới chứ không chỉ nước Nga.
Hồ thiên nga là vở ông viết đầu tiên (1877) và Kẹp hạt dẻ là vở cuối cùng trong gia tài ballet gồm 3 vở của ông. Thời kỳ Tchaikovsky viết những vở này cũng là thời kỳ đỉnh cao của ông. Trong thời kỳ này, ông cũng có hàng loạt các tác phẩm giao hưởng, concerto của piano, concerto của violon.
Chất liệu ballet của ông lan toả không chỉ trong các tác phẩm ballet mà trong cả các tác phẩm khác. Và nếu chú ý nghe, chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều những chất liệu ballet. Ballet giai điệu phải đẹp và hấp dẫn, thì tính chất nhảy múa đó của Tchaikovsky rất mạnh trong các tác phẩm.
Trước đây người ta chỉ có thể nghe nhạc ballet khi đi xem ballet, nhưng chính vì âm nhạc của 2 vở ballet này quá hay nên đã vượt ra khỏi bản thân các vở diễn và được các nghệ sĩ, các nhà soạn nhạc đã viết lại các giai điệu này cho các nhạc cụ khác để trình diễn.
Cũng nhờ Tchaikovsky mà ballet được đưa lên tầm cao khác, nó toàn diện cả về âm nhạc, nội dung, mỹ cảm. Viết cho ballet rất khó bởi nó cần sự tưởng tượng vô hạn của một người kiệt xuất mới có thể nghĩ ra.
- Theo anh tâm hồn Nga thể hiện như thế nào qua 2 vở diễn này?
Chất Nga khoáng đạt và rộng mở, yếu tố dân gian rất nhiều. Âm nhạc rất truyền cảm. Trong những tác phẩm của Tchaikovsky, chất âm nhạc Nga rất đồ sộ, vĩ đại và nhiều màu sắc.
Bản thân tôi, ngày trước chưa xem ballet, chỉ nghe nhạc là đã có thể tưởng tượng ra đủ màu sắc. Và tôi nghĩ là hầu hết người trong nghề đều cảm nhận được màu sắc, tính hình ảnh trong âm nhạc của Tchaikovsky.
- Anh đánh giá thế nào về việc công chúng Việt Nam tiếp cận với những tác phẩm ballet kinh điển này theo một cách thức đại chúng hơn, đó là xem ballet trong thế giới 3D?
Cho đến nay, khi mà thế giới đã quá phát triển, tuy giá trị cổ điển của ballet không mất đi mà được bảo tồn như di sản của nhân loại nhưng cũng có những hướng mới. Biểu diễn ballet có sự minh hoạ của graphic 3D là một hướng đi, đáp ứng xu hướng cho khán giả rộng hơn, giúp họ xem là hiểu ngay.
Trong mỗi thể nghiệm đều có 2 mặt: Để so sánh và để có cảm nhận mới. Cái gì đã tốt đến ngưỡng rồi thì chắc chắn phải có lối rẽ chứ không thì… đâm vào tường. Biết đâu qua thử nghiệm này sẽ có những sáng tạo khác trong tương lai.
Việt Nam với điều kiện rất hạn hẹp, không có đủ phương tiện, không có nhà hát đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì đây là một giải pháp rất phù hợp để "đại chúng hoá" ballet cho khán giả Việt Nam. Bởi vì nếu đúng nghĩa xem ballet, khán giả phải mua vé trước nửa năm và phải rất tốn kém để có thể đi xem.
- Vậy còn về phần âm nhạc – thứ rất quan trọng với một vở ballet cổ điển, theo anh việc sử dụng nhạc đĩa mà không phải là âm nhạc do dàn giao hưởng chơi live sẽ ảnh hưởng gì và có hiệu quả thế nào?
Tất nhiên, ballet chuẩn thì phải biểu diễn ở nhà hát chứ không phải phòng hoà nhạc. Mà nhà hát cũng phải có tiêu chuẩn, ít nhất phải có 5 tầng trở lên, mái vòm, phải đủ diện tích xa để khán giả xem bằng ống nhòm, hầm phải to, sân khấu phải rộng và đủ các loại chuẩn mực khác.
Vậy thì những tiêu chuẩn đó có được đáp ứng ở Việt Nam không? Xin trả lời luôn là không. May ra thì có Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng diện tích lại rất bé.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, tôi nghĩ đây là giải pháp phù hợp. Tất nhiên tiêu chuẩn của ballet phải là dàn nhạc giao hưởng đánh live. Nhưng ở một nhà hát như nhà hát Hoà Bình và NCC, nếu đánh live thì không thể nghe được.
Vì đã live là không dùng micro. Không thể chắp vá được, đã live là phải chuẩn live, không nửa vời được. Vấn đề này nằm ngoài khả năng. Vậy đã không có thì thà nghe băng còn hơn. Trong hoàn cảnh như vậy thì phải chấp nhận thôi.
- Nhà tài trợ độc quyền: Tổng Công ty Viễn thông MobiFone
- Đơn vị tổ chức sản xuất: Công ty Cổ phần Đào tạo và Tư vấn Truyền thông AAA
Liên hệ mua vé
- Truy cập website: http://www.ballet.com.vn/
- Hoặc liên hệ theo Hotline: 0903.477.455 hoặc 0902. 220.277
- Fanpage chính thức:
Kẹp Hạt Dẻ: www.facebook.com/Nutcracker.inHanoi
Hồ Thiên Nga: www.facebook.com/TheSwanLake.inHoChiMinh
Bình luận