(VTC News) – Scandal giúp tăng rating, nghệ sĩ được hưởng cát-xê có thể rất cao nhưng so với khoản thu lời khổng lồ của nhà sản xuất chỉ là một phần nhỏ. Họ chính là những công cụ kiếm tiền hiệu quả nhất cho nhà sản xuất.
Với sự bùng nổ của truyền hình thực tế, hầu như thế giới có chương trình nào “hot” thì nhanh chóng xuất hiện tại Việt Nam như: Pop Idol (Thần tượng Âm nhạc – Vietnam Idol), Dancing With The Stars (Bước nhảy hoàn vũ), Just The Two Of Us (Cặp đôi hoàn hảo), Got Talent (Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent), Clash of the choirs (Hợp ca tranh tài), America's Next Top Model (Người mẫu Việt Nam - Vietnam's Next Top Model), Star Academy (Ngôi nhà âm nhạc), The Voice (Giọng hát Việt)…
Nghệ sỹ và scandal - gameshow ăn khách không thể thiếu
Thừa hiểu sức hút của những nghệ sĩ nổi tiếng đối với công chúng, các nhà sản xuất thế giới đã tạo ra những chương trình truyền hình thực tế ăn khách hàng đầu (đa số là ca hát, nhảy múa) như đã kể trên. Hầu như các chương trình này đều có sự tham dự của các nghệ sĩ nổi tiếng được công chúng yêu mến.
Ở Việt Nam, hầu hết các gương mặt nghệ sỹ đình đám ở nhiều lĩnh vực đã và đang góp sức vào những gameshow như: Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Mỹ Tâm, Siu Black, Phương Thanh, Đức Tuấn, Phan Đinh Tùng, Ngọc Anh, Mỹ Lệ, Khánh Linh, Phạm Anh Khoa, Đoan Trang, Thủy Tiên, Minh Quân, Hồ Trung Dũng, Nguyên Vũ, Văn Mai Hương … Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, ca sĩ Siu Black, nhạc sĩ Đức Huy và Đạo diễn Lê Hoàng làm Giám khảo CĐHH 2011
Các nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn, Đức Huy, Quốc Trung, Huy Tuấn, Phương Uyên, Hồ Hoài Anh, Trần Mạnh Tuấn, Hà Dũng, Tuấn Khanh, Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Đức Trí… Đạo diễn Lê Hoàng, Việt Tú, Nguyễn Quang Dũng… Diễn viên Kim Thư, Thanh Thúy, Đại Nghĩa, Minh Béo, Quách Ngọc Ngoan, Anh Thư, Huỳnh Đông, Vân Trang… Các Hoa hậu, Á hậu, người mẫu: Vũ Thu Phương, Hoàng My, Hà Anh, Phan Lê Ái Phương, Trương Nam Thành…
Có thể thấy, mua được format chương trình hấp dẫn chỉ là bước đầu của một chương trình ăn khách. Điều quan trọng hơn là sản xuất nó như thế nào cho thu hút người xem nhất và sự đồng ý xuất hiện của những nghệ sĩ được đông đảo công chúng biết đến đã giải đáp bài toán khó cho nhà sản xuất. Chương trình nào càng nhiều “sao” lớn thì càng nhanh chóng thành công khi thu hút được đông đảo công chúng, điển hình như Bước nhảy hoàn vũ (BNHV), Cặp đôi hoàn hảo (CĐHH) đã thành công vang dội ngay từ mùa đầu tiên.
Cùng với sự tham gia của giới nghệ sĩ, scandal luôn là yếu tố luôn song hành trong các chương trình truyền hình thực tế. BNHV, CĐHH, Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent (VGT), Hợp ca tranh tài (HCTT), Vietnam's Next Top Model (VNTM)… đều bị những chuyện ồn ào như: đạo cóp, tin đồn mua giải, dàn xếp kết quả, tố nhau gian lận, đòi kiện tụng… bủa vây.
Những scandal này vô tình hoặc cố ý được tung ra với sự góp sức rầm rộ của giới truyền thông đều làm công chúng chú ý, theo dõi. Và hiển nhiên, dù dư luận có “ném đá” hay thế nào đi nữa thì lượt người xem chương trình đều tăng vọt. Dễ thấy nhất gần đây là “bom scandal” của VGT đã giúp cho chương trình này có lượng rating tăng vọt dù trước đó chương trình không có nhiều ngôi sao hàng đầu showbiz và không được chú ý nhiều.Quỳnh Anh và mẹ (ảnh tư liệu)
Với các chương trình truyền hình thực tế, chất lượng chuyên môn không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu mà là lượt rating (người xem) quyết định thành công bởi nó đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà sản xuất, chủ yếu từ nguồn quảng cáo và tài trợ.
Nhà sản xuất thu bộn tiền
Hiện nay, VTV đang là đơn vị phát sóng hầu hết các chương trình đình đám đã kể trên (trừ Ngôi nhà âm nhạc của HTV7). Những chương trình ăn khách nhất (được kiểm chứng qua doanh thu quảng cáo mỗi đêm) mới được ưu tiên phát trên kênh có lượng người xem nhiều nhất là VTV3, còn chương trình nào không trụ được sẽ bị chuyển qua các kênh khác của đài này.
Một lần quảng cáo (spot) được VTV tính theo thời lượng chuẩn là 10 - 15 - 20 – 30 giây. Theo bảng giá mới nhất, mức quảng cáo cao nhất của VTV3 tương ứng với các thời lượng trên là: 32,5 - 39 - 48,75 - 65 triệu đồng (quảng cáo sau Thể thao 24/7) thì đa số các chương trình truyền hình thực tế đều cao hơn rất nhiều.
Mức giá quảng cáo của các chương trình truyền hình thực tế tính đến nay cao nhất, chiếm ngôi đầu bảng lần lượt là BNHV, CĐHH, VGT, VNTM.
BNHV chính thức lên ngôi “Nữ hoàng quảng cáo”, vượt VGT, CĐHH từ đêm thi thứ 7 (20/5) với các mức giá lần lượt theo thời lượng là 80 – 96 – 120 – 160 triệu đồng. Trước đó, ở những tập đầu, BNHV với độ hot được khẳng định ở 2 năm diễn ra trước đó đã có giá ngang với những tập chung kết “nóng” nhất của VGT cùng thời điểm diễn ra và CĐHH 2011 với mức giá 70 – 90 – 112,5 – 150 triệu đồng.Dàn sao tham gia Bước nhảy Hoàn vũ 2012
Tuy nhiên, CĐHH và VGT có vẻ “thành tích” hơn so với BNHV vì dù sinh sau đẻ muộn tại Việt Nam nhưng đã thành công vang dội ngay từ mùa đầu. CĐHH với lợi thế cùa dàn sao “khủng” hơn nên giá quảng cáo được điều chỉnh tăng mạnh (trung bình khoảng 10 triệu/spot) liên tục theo từng tập. Và cái giá quảng cáo ở thời điểm 2011 của CĐHH là kỷ lục, đáng mơ ước nhất của ngành quảng cáo truyền hình.
VGT dù không có dàn “sao khủng” nhưng có những trò lạ của thí sinh, nhiều scandal, đặc biệt là sau “bom scandal” Quỳnh Anh nên cùng với lượt rating cao, giá quảng cáo của nó ở những tập chung kết đã cán mức kỷ lục của CĐHH trước đó dù giá khởi đầu ở những vòng sơ loại chỉ 30 – 36 – 45 – 60 triệu đồng.
Dưới cơ những chương trình hot kể trên một chút là VNTM 2011, Hợp ca tranh tài (HCTT) với các mức giá cao nhất đạt được là 70 – 84 – 105 – 140 triệu và 35 - 42 – 52,5 – 70 triệu đồng.
Sắp tới, chương trình The Voice (Giọng hát Việt) hứa hẹn bội thu cho nhà sản xuất khi hội tụ những gương mặt đang đình đám nhất showbiz như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh… dù chưa có giá cụ thể vì chưa phát sóng nhưng mức dự kiến được các công ty quảng cáo cho biết là 120 triệu đồng cho một spot 30 giây.
Những đối tác “chịu chơi” quảng cáo trên những chương trình này thường là các thương hiệu lớn, không quảng cáo 1 lần (spot) mà thường theo nhiều kỳ hoặc xuyên suốt chương trình. Vì vậy, số tiền mà các thương hiệu bỏ ra quảng cáo là rất lớn.
Các gameshow đều được kéo dài thành nhiều kỳ (thường khoảng 7-10 số) và thời lượng trung bình từ 1-3 giờ đồng hồ. Với những quảng cáo dày đặc của các chương trình kể trên và mức giá gấp 2-3 lần giá cao nhất của VTV, nhà sản xuất thu về bộn tiền. Điển hình như BNHV, mỗi số thời gian quảng cáo từ 20 – 30 phút và theo đơn giá nói trên, nhà sản xuất thu về ít nhất khoảng 6-7 tỉ đồng/đêm. Và trong 10 số, doanh thu riêng quảng cáo tính cũng 60 – 70 tỉ đồng.
Ngoài doanh thu từ quảng cáo thì kinh phí tài trợ cho các chương trình này cũng là một con số khủng khiếp. Theo nguồn tin từ một công ty truyền thông quảng cáo là đối tác của VTV, muốn tài trơ chương trình VNTM 2012 sắp tới thì doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 2 tỉ đồng/số, chỉ có thể thương lượng một chút với nhà sản xuất. Như vậy, nếu doanh nghiệp muốn làm trọn 15 số như dự kiến của chương trình thì phải mất hơn 30 tỉ đồng. Dù không phải là “hot” nhất trong các gameshow nhưng mức giá này cũng gây choáng!
Như vậy, trừ đi các chi phí sản xuất và chiết khấu cho các đối tác, đơn vị sản xuất vẫn thu bội tiền từ các chương trình truyền hình thực tế. Điều này lí giải vì sao thời gian gần đây, các “đại gia” truyền thông phải cạnh tranh nhau khốc liệt và bỏ ra số tiền cả triệu USD để mua format của các gameshow ăn khách ở nước ngoài về sản xuất.
Trở lại với vai trò của các nghệ sỹ tham gia các gameshow, họ được quảng bá hình ảnh nhiều kỳ trên đài truyền hình quốc gia, xuất hiện dày đặc khắp các mặt báo suốt một thời gian dài và nhận được cát xê ngất ngưởng từ hàng chục tới hàng trăm triệu của nhà sản xuất. Các nghệ sĩ trong những cuộc chơi này ngoài “bán mặt”, “bán tiếng” cho nhà sản xuất còn kiêm thêm trách nhiệm giống như nhân viên phục vụ.
Nhạc sĩ Quốc Bảo (phải) làm giám khảo Bước nhảy hoàn vũ 2012
Nhạc sĩ Quốc Bảo đang làm giám khảo Bước nhảy hoàn vũ 2012 từng viết báo thừa nhận: “Giám khảo trong một kỳ thi cụ thể là người được thuê cho một công việc cụ thể. Như vậy, việc làm tròn vai trò đối với “chủ thuê” phải được ưu tiên. Ban tổ chức thuê ta và muốn ta làm gì, cư xử thế nào? Ban tổ chức cần ta nhận xét khía cạnh nào ở thí sinh? Ban tổ chức thích ta đóng vai vui hay buồn, hài hước hay khó tính (ở các cuộc thi giải trí)? Ở phương diện business, rõ ràng là giám khảo phục vụ ban tổ chức vì ban tổ chức mới là khách hàng, khách hàng là Thượng đế”.
Và để làm tròn vai, nhiều nghệ sĩ như đạo diễn Lê Hoàng, nhạc sỹ Lê Minh Sơn, ca sĩ Siu Black…và cả nhạc sỹ Quốc Bảo đều đã phải hứng “gạch đá” tơi bời từ dư luận. Nhưng cũng chính những scandal, “gạch đá” này lại tạo nên thành công cho nhà sản xuất khi lượng người xem tăng cao ngất ngưởng.
Có thể thấy, mức giá cát xê các nghệ sĩ được hưởng có thể rất cao nhưng so với khoản thu lời khổng lồ của nhà sản xuất, nó cũng chỉ là một phần nhỏ. Họ chính là những công cụ kiếm tiền hiệu quả nhất cho nhà sản xuất.
Phượng Hoàng
Photo: Lý Võ Phú Hưng
Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012 Xem thêm tại đây
Bình luận