Mỗi lần gặp nhà văn Mạc Can, tôi lại nhớ đến hình ảnh ông nội mình là một cụ già ở quê, luôn nở nụ cười hiền hậu, miệng bỏm bẻm nhai trầu giữa một buổi sáng, nắng hanh hao và ấm áp.
Nhưng bao quanh nội tôi là đàn cháu chắt luôn quây quần, ngập tràn tiếng cười đùa vui vẻ, còn thế giới của nghệ sĩ Mạc Can - 74 tuổi - là một phòng trọ chưa đầy 15 m2, không vợ con, người thân, không bạn bè. Ông sống cô độc và lầm lũi, ghét ồn ào, hào nhoáng, thích làm ảo thuật, diễn hài mang lại tiếng cười cho nhiều người nhưng ngại chia sẻ cuộc sống riêng tư.
Người nghệ sĩ già trong phòng trọ chưa đầy 15 m2
Trở về nhà sau mấy ngày nhập viện vì căn bệnh xuất huyết dạ dày hành hạ, diễn viên Mạc Can vẫn còn đi lại khó khăn. Ông tập tễnh, nhọc nhằn trong từng bước đi nhưng vẫn tự mình nấu ăn.
Bữa trưa của ông diễn ra vào lúc 14h và món ăn là chút cháo trắng cùng hai quả trứng ốp la thêm nước tương. Người nghệ sĩ 74 tuổi vẫn thường ăn những bữa qua loa như vậy. Có khi cả ngày ông chỉ ăn một bữa, còn lại uống nước lọc rồi đi ngủ. Trên bàn ăn vẫn còn nồi cá kèo kho đã mấy ngày nay.
“Tuổi này rồi, ăn chi lắm cho tốn tiền. Ăn sao cũng được, miễn để sống thôi, không quan trọng. Tiền còn lại để cho bồ”, ông hài hước.
Căn phòng trọ chưa đầy 15 m2 là thế giới của nhà văn Mạc Can. Trong thế giới ấy chất chứa nhiều đồ vật cũ kỹ mà ông gọi là “người bạn vong niên”.
Trên bàn làm việc là chiếc laptop có tuổi thọ hơn 10 năm, ông dùng để gõ truyện ngắn, sáng tác tiểu thuyết gửi cho các báo. Chiếc “cần câu cơm” chạy chậm rì và thi thoảng bị treo vì lâu ngày không được sửa sang, sắp xếp lại.
“NXB Trẻ sắp sửa tái bản hai cuốn Tấm ván phóng dao và Vừa đi vừa nhìn vừa suy nghĩ vào tháng 9. Ngày nào tui cũng viết, mệt thì nghỉ, khỏe lại viết. Kiến tha lâu đầy tổ. Cứ trữ lại thành tập rồi gửi NXB”, ông bộc bạch.
Trên giá sách là những truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn Mạc Can như Tấm ván phóng dao, Người nói tiếng bồ câu, Quỷ với Bụt và Thần Chết... Cạnh đó là những tờ báo giấy viết về các vai diễn của ông nhiều năm qua. Có nhiều bài báo đã ố vàng, nhòe mực nhưng vẫn được người nghệ sĩ già lưu giữ như kỷ vật.
“Tất cả chúng đều là bạn của tôi. Tôi không nỡ vứt bỏ vì sợ tụi nó buồn”, nhà văn Mạc Can tâm sự.
Nói rồi, ông rút ngay một cuốn Tấm ván phóng dao trên chồng sách và chia sẻ: “Đây là bùa hộ mệnh của đời tôi. Nhờ nó mà tui sống đến tận bây giờ”.
Theo lời kể của ông, cuốn tiểu thuyết này đã mang lại cho nhà văn nhiều giải thưởng và rong ruổi theo nghệ sĩ qua những thăng trầm của cuộc đời. Trong quãng thời gian tha phương ở Mỹ, nhờ việc bán Tấm ván phóng dao cho người Việt Nam sinh sống tại đây mà ông đã có tiền để mua vé máy bay về nước.
“Không phải tui không thích nước Mỹ hay gì mà ở đó buồn xó. Còn buồn hơn cả trong căn phòng trọ này. Ba năm ở đấy mà như ba trăm năm. Khi được trở về quê hương, tui đã bật khóc ngay giữa sân bay”, ông nhớ lại.
"Ông già ảo thuật" mê trẻ con
Dù vừa trải qua bạo bệnh, đi lại khó khăn nhưng khi được phía chùa Bửu Đà (Quận 10, TP.HCM) mời tham gia diễn ảo thuật cho một chương trình dành cho trẻ em vào ngày Trung thu, nghệ sĩ Mạc Can đã ngay lập tức đồng ý mà không chần chừ.
“Diễn viên Mạc Can mê trẻ con lắm, chương trình nào mời diễn cho thiếu nhi là ông đều vui vẻ tham gia và đến đúng giờ”, đại diện của ban tổ chức chương trình chia sẻ.
Ngay từ chiều, ông đã lo lắng chuẩn bị cho đêm diễn. Những đạo cụ được ông sắp xếp cẩn thận trong một vali đồ nghề.
Vừa bước vào sân chùa, nhiều người đã nhận ra: "Ông Mạc Can kìa!", "Ông đã khỏe lại chưa ông thấy ông phải nằm viện mấy ngày". Dường như đã quen với điều này, ông Mạc Can mỉm cười và vẫy tay chào mọi người: "Tôi khỏe lắm, các cô xem này".
Nói rồi ông vén tay áo, làm điệu gồng cho mọi người thấy. Ai cũng bật cười vui vẻ vì thấy ông vẫn tếu táo như ngày nào.
Đúng 20h, sau lời giới thiệu của MC, người nghệ sĩ già bước ra sân khấu trong tiếng vỗ tay náo nhiệt của các em nhỏ. Ông vẫn mặc chiếc áo giản dị, quen thuộc và đội chiếc mũ đen.
Diễn viên Mạc Can thể hiện những trò ảo thuật hài hước, vui nhộn. Ở dưới, cả người lớn lẫn trẻ em đều háo hức, chăm chú dõi theo từng động tác của bác Ba Phi. Trên sân khấu, nghệ sĩ 74 tuổi dường như quên đi đôi chân đang tập tễnh vì khớp và con đau do bệnh xuất huyết dạ dày vừa hành hạ ông mấy ngày trước đó.
Kết thúc đêm diễn, nhiều em bé bao vây lấy “ông già ảo thuật” để chụp hình. Vẫn nụ cười hiền hậu, diễn viên Mạc Can ngồi xoa đầu từng đứa và hướng dẫn cho chúng vài động tác ảo thuật đơn giản.
Trở về nhà sau chương trình, ông Mạc Can trút hết bộ quần áo trên người. Ông lại tiếp tục làm bạn với chiếc laptop để hoàn thành những truyện ngắn đang viết dở dang. Những tiếng lạch cạch vang lên trong đêm...
Sống khép kín, ít giao lưu và không có bạn thân
"Ai là bạn thân nhất với ông trong giới nghệ sĩ?" - "Tôi không có người bạn nào" - Mạc Can nói. "Sao ông không kiếm một người vợ để săn sóc mình lúc bệnh tật, ốm đau?", ông đáp: "Tôi... hết pin rồi".
Chuyện đời tư của “nhà văn Nam Bộ” Mạc Can vẫn là một ẩn số đối với độc giả. Nhiều đồng nghiệp, khán giả vẫn cố gắng để hiểu hơn về cuộc sống riêng, chuyện tình cảm của người nghệ sĩ già nhưng cuối cùng đều bất lực.
Anh Diệp Chấn Thanh - diễn viên từng đóng chung với nghệ sĩ Mạc Can trong phim Linh Lan trắng - chia sẻ nhiều năm quen biết và nói chuyện với nhà văn 74 tuổi nhưng riêng về chuyện gia đình, người thân, vợ con của ông thì như một bức màn bí mật.
“Trong những lần nói chuyện, chưa bao giờ thấy chú Mạc Can nhắc đến anh em ruột thịt, chuyện gia đình, vợ con. Có người đồn chú từng lập gia đình, có con gái riêng đang sống ở Mỹ nhưng mỗi lần hỏi chú đều lắc đầu nguầy nguậy. Chú Mạc Can sống khép kín, ngại giúp đỡ, ít giao lưu với hàng xóm. Đi diễn về chú đều ở trong phòng trọ và hạn chế ra ngoài”, anh Thanh kể lại.
Anh cũng cho biết thêm diễn viên Đất phương Nam là người giàu lòng tự trọng. Ông không thích người khác thương xót, lo lắng cho mình. Mỗi lần đi diễn tỉnh hay ở các sân khấu, nghệ sĩ Mạc Can đều tự chạy xe máy hoặc thuê xe ôm, không bao giờ gọi điện nhờ cậy đồng nghiệp hay em út giúp đỡ.
“Nhiều lần hàng xóm nấu cơm rồi đưa sang, chú cũng từ chối. Già cả rồi mà toàn tự nấu ăn một mình. Chú ăn uống kham khổ, toàn cơm trắng với chút cá kho, trứng chiên. Nồi cá kho 3,4 ngày vẫn lấy ra ăn. Vậy chứ, khi biết chú Mai Trần bị bệnh nằm cùng khoa, chú Mạc Can sẵn sàng đưa tiền để giúp đỡ đàn em. Thương lắm”, anh Diệp Chấn Thanh nói.
Trí nhớ của bác Ba Phi đã không còn minh mẫn nhưng những chuyện xa xưa thì người nghệ sĩ này vẫn nhớ rõ mồn một. Những vai diễn trong Ván bài lật ngửa, Cải ơi, Đất phương Nam... vẫn được ông kể lại bằng chất giọng hài hước. Phảng phất trong những câu chuyện của ông là sự tiếc nuối về một thời quá vãng.
Nhà văn Mạc Can nói ông sợ tuổi già và cái chết. Mỗi lần biết được tin những người đồng nghiệp của mình ra đi vì bệnh tật, ông đều buồn bã.
“Hồi Lê Bình mất, tui không dám đến viếng. Tui thương lắm nhưng không dám nhìn cảnh ai đó ra đi. Tui sợ đến đám tang, về lại buồn, đành phải viếng bạn ở trong lòng. Người ta buồn một, hai ngày nhưng tui buồn mấy năm”, ông tâm sự.
Diễn viên Đất phương Nam cũng cho biết ông không có người bạn thân nào trong giới nghệ sĩ và cả ngoài đời thường.
“Nói chuyện xã giao thì được chứ thân thiết thì khó. Tui không hợp với cuộc sống xa hoa, vương giả, cũng không thích đánh giá người khác. Ai cũng có cuộc sống của họ. Mình sao hiểu được mà phán xét”, nhà văn Mạc Can chia sẻ.
Nghệ sĩ Mạc Can nổi tiếng đa tài. Đóng phim, diễn hài, làm ảo thuật, viết văn... ở lĩnh vực nào ông cũng thử sức và đều được đồng nghiệp, khán giả ghi nhận. Tuy vậy, ông không thích danh xưng, danh hiệu.
Ông nói: “Đời tui không mê những thứ hào nhoáng, phù phiếm. Khi đi đóng phim, tui diễn những vai như chính mình ngoài đời, không giả tạo, khiên cưỡng. Vui nhất là được mọi người yêu quý, chẳng màng danh hiệu gì”.
Bình luận