• Zalo

Nghe nông dân kể chuyện đưa con đi thi đại học

Thời sựThứ Năm, 05/07/2012 07:02:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nông dân sợ và thích nhất điều gì khi đưa con em mình lên Hà Nội thi đại học? Hãy cùng lắng nghe tâm sự của họ.


(VTC News) – Nông dân sợ và thích nhất điều gì khi đưa con em mình lên Hà Nội thi đại học? Hãy cùng lắng nghe tâm sự của họ.


Chuẩn bị tối thiểu 2 triệu đồng/trường


Người thì lo tắc đường khiến con bị muộn giờ thi. Số khác lại lo con bị ốm do ăn uống không đảm bảo vệ sinh trong khi không ít bậc phụ huynh có cùng nỗi lo về mặt kinh tế.

Chia sẻ với PV VTC News, ông Hán Danh Phấn (53 tuổi, quê ở huyện Tam Nông, Phú Thọ) cho biết: “Trước khi đưa con đi thi, tôi đã phải chuẩn bị tối thiểu 2 triệu đồng/trường.

>> Những chuyện thú vị bên lề kỳ thi đại học 2012

Con tôi thi 2 trường, trong người tôi lúc nào cũng có sẵn không dưới 4 triệu đồng. Nếu thiếu, ở nhà sẽ gấp rút gửi lên hoặc tôi vào nhà họ hàng ở gần đây hỏi vay cho tiện”. 

Ông Hán Danh Phấn (53 tuổi, quê ở huyện Tam Nông, Phú Thọ) (Ảnh: K.V) 

“Ở quê, tôi chỉ làm ruộng và chăn nuôi con lợn, con gà mà thôi. Lợi nhuận không đáng kể, thậm chí nhiều khi mất mùa hoặc gặp dịch bệnh còn thua lỗ nặng chứ nói gì tới việc có của ăn của để.


Do vậy, để có được món tiền này, ngay từ trước đó vài tháng, vợ chồng tôi đã phải nuôi 2 đàn lợn nái. Một tuần trước khi cháu lên Hà Nội thi đại học, chúng tôi bán chúng và một ít thóc tươi”, ông Phấn nói.

Khi được hỏi, vị phụ huynh này cho biết điều khiến ông lo ngại nhất khi lên thủ đô là “bị chặt chém” hoặc “bị lừa đảo”.

>> Toàn cảnh kỳ thi ĐH, CĐ 2012

Ông Phấn chia sẻ thêm: “Tôi từng đọc báo, nghe đài và nghe những người ra Hà Nội làm ăn trở về kể khá nhiều về nạn móc túi cũng như “chặt chém” ở đây. Do vậy, tôi dứt khoát nói không với các hàng quán vỉa hè để tránh bị người ta mắng chửi, lôi kéo, gạ gẫm, ép làm “thượng đế”.

Tôi cũng luôn cảnh giác cao độ với bọn hai ngón, kể cả với mấy ông xe ôm ven đường. Giờ thật giả lẫn lộn, chẳng thể tin ai được. Ngay cả khi ngủ, tôi cũng thấp thỏm lo mất đồ.

Rất may là có các cháu sinh viên tình nguyện giúp đỡ nên cha con tôi được ở trong kí túc với giá 40.000 đồng/người/ngày và biết tới những khu ăn uống rẻ mà lại đảm bảo vệ sinh”.

Chị Yến (người đang sử dụng điện thoại) sợ nhất là bị tắc đường (Ảnh: K.V) 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Yến (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, bà sợ nhất cảnh tắc đường khiến con bị muộn giờ thi. Người phụ nữ này chia sẻ, ngay từ 4 giờ sáng, cả gia đình bà đã tỉnh giấc để chuẩn bị hành trang cho con.


“Quãng đường từ nhà tôi tới trường cháu thi (trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) chỉ khoảng 18 km, nhưng ngay từ 5h 20 phút sáng, hai mẹ con đã lên đường rồi.

Hôm trước đưa con đi đăng kí thủ tục thi, tôi thấy đường khá thoáng nên không nhờ vả gì tới người thân ở gần đây nữa. Tôi muốn tạo cho cháu tâm lý thoải mái nhất trước khi vào thi.

Ở nhà người quen cũng được, nhưng sợ cháu lạ nhà không ngủ được hoặc nhỡ có ốm đau ra đó, cháu lại nhát, ngại không dám kêu thì khổ nên hai mẹ con quyết định cứ đi đi về về như thế này”, bà Yến nói.

Nhiều bà mẹ lo bị lạc con trong "biển người"  

Cùng quan điểm với bà Yến, ông Sơn (Kim Thành, Hải Dương) tâm sự: “Tôi đi bộ đội được 24 năm nay rồi nên chẳng thể ngờ được Hà Nội nay đổi khác thế.


Nhiều tuyến đường thay tên hoặc được xây dựng lại to đẹp hơn hẳn khiến tôi không nhận ra nữa. Sợ bị lạc đường, con muộn giờ thi nên tôi đã phải lên từ rất sớm nhận chỗ trong kí túc xá.

Điều kiện sống ở đây không được tốt lắm, khá chật chội trong khi thời tiết oi bức, mưa xuống nắng lên liên tục. Tôi sợ con mình chưa quen môi trường, sinh bệnh nên đã chuẩn bị lỉnh kỉnh đủ thứ thuốc, từ thuốc trị đau bụng tới thuốc hạ sốt…”.

Thích nhất là được đi xe bus

Phụ huynh tranh thủ làm quen, tán gẫu trong lúc chờ con tan giờ thi (Ảnh: K.V) 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phấn cho biết điều khiến cha con ông cảm thấy thích thú nhất khi ở Hà Nội là những chiếc xe bus. Ông Phấn cho rằng, chúng thật tiện lợi và giá vé lại siêu rẻ.


Người đàn ông vui tính này cũng tiết lộ, trước khi đưa con đi thi đại học, cả nhà họ đã cùng tới đền Quốc Tế (Tam Nông) để cầu may. Tuy nhiên, khi lên tới Hà Nội, họ cũng không quên ghé thăm văn miếu Quốc Tử Giám để cầu danh, cầu tài.

Trong khi đó, ông Biền (69 tuổi, Thái Bình) nói: “Khi đưa cháu đi thi, tôi chỉ sợ lúc về hai ông cháu lạc mất nhau nên dặn kĩ cháu là ông chỉ ngồi ở quán nước này chờ thôi nhé. Tình cờ, tôi gặp lại đồng đội cũ sau nhiều năm xa cách.

Đúng là mừng rơi nước mắt. Hà Nội trong những ngày này vui như đi trảy hội vậy. Tôi có cảm giác những người xa lạ cũng tự nhiên gắn bó, gần gũi với nhau hơn”.


Minh Quân


Bình luận
vtcnews.vn