Những thăng trầm của nghề thợ mộc
Với tuổi đời hàng trăm năm, nghề mộc dường như đã quá quen thuộc trong làng nghề truyền thống nước ta. Đi qua biết bao nhiêu thăng trầm, đến nay nghề mộc đã khẳng định được vị trí và ngày một phát triển.
Người thợ mộc sử dụng đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt thẩm mỹ và năng khiếu nghệ thuật để làm ra sản phẩm độc đáo, bắt mắt với họa tiết hoa văn tinh tế. Những sản phẩm gỗ được tạo ra không đơn thuần chỉ mang giá trị vật chất nhằm phục vụ cho nhu cầu đa dạng của con người mà hơn hết nó còn chứa đựng các giá trị văn hóa, tinh thần.
Nghề mộc thời xa xưa đã từng rất phát triển, là “miếng cơm manh áo” của nhiều người dân. Ấy thế, đã có lúc nghề “thổi hồn” vào gỗ ấy lại rơi vào giai đoạn khó khăn, gian nan vô cùng khi sự chênh lệch giữa cung và cầu ngày càng lớn. Người bán thì nhiều mà người mua thì ít.
Ngày nay, khi cuộc sống của con người được nâng cao hơn, nhu cầu về cái đẹp cũng đa dạng hơn cũng là lúc người ta quan tâm và đặt kỳ vọng nhiều vào nghề thợ mộc. Sản phẩm được tạo ra càng nhiều hơn đánh dấu sự khởi sắc và phát triển trở lại của nghề mộc.
Trải lòng của người thợ mộc hơn nửa đời người gắn bó với nghề
Từ tờ mờ sáng là những âm thanh của tiếng máy cưa xẻ gỗ hòa cùng những tiếng khoan, bào, đục vang lên khắp con đường Ấp Tam Đông. Dừng việc đang dở, người thợ mộc lâu năm của xưởng Nội Thất Mạnh Hệ trải lòng về công việc của mình.
"Tôi theo nghề này gần 30 năm rồi, từ cái thời còn nhỏ xíu cỡ 14, 15 tuổi đó. Xưa cha của tôi cũng làm nghề này, dẫn tôi theo và dạy cho tôi từng chút. Hồi đó thấy nghề này cũng lạ lạ, hay hay, tại tôi cũng có khiếu đục đẽo nữa nên quyết tâm theo cha để học nghề luôn.
Nghề mộc thấy vậy nhưng mà cực lắm. Phải làm quần quật suốt ngày, bụi bặm, ồn ào. Nhiều người còn mắc căn bệnh về phổi phải bỏ nghề. Chưa kể là cưa xẻ gỗ rất nguy hiểm, chỉ sơ ý một chút là mất cả bàn tay như chơi. Nhưng mà tôi chưa từng có ý định bỏ nghề mộc, bởi vì tôi thấy vui (cười). Tự nhiên thấy mình yêu cái nghề này khủng khiếp lắm, theo tôi từ hồi nhỏ xíu rồi.
Nếu mà để vì tiền nhiều thì chú hay người khác không chọn nghề này. Thu nhập vừa đủ sống thôi chứ không dư mà mình làm vì đam mê vì niềm vui của mình. Sáng sáng vô đây có anh em (chỉ những người thợ mộc khác cùng xưởng) tán dóc với nhau cũng vui. Vừa làm nghề mình thích vừa có anh em nữa (cười).
Nghề mộc vất vả nhọc nhằn là vậy, nhưng có người vẫn muốn gắn bó. Không chỉ vì nó đem lại tiền trang trải cho cuộc sống mà hơn hết đó là niềm vui, là sự yêu nghề. Chúng tôi từng được nghe những câu chuyện về một người cả đời sống với nghề mộc, khi mất đi cũng nằm trên chính chiếc giường mà mình đã làm ra".
Mong ước đơn giản của người thợ mộc
Những vất vả, nhọc nhằn của nghề mộc về môi trường làm việc, an toàn sức khỏe hay đôi khi là lương bổng có khi cũng là rào cản với người trẻ hiện nay. Nhất là khi cơ cấu ngành nghề nước ta đang chuyển dịch sang các ngành nghề dịch vụ là chủ yếu.
“Đúng là nghề mộc cao quý thật bởi nó sáng tạo ra cái đẹp cho đời, cho người. Nhưng để vì tiền mà theo đuổi nghề này thì ít ai làm được, phải có tình yêu và tâm huyết dành cho nó. Mà tụi trẻ bây giờ nó có quá nhiều việc làm nhàn rỗi hơn nên đâu còn chọn nghề mộc nữa”, người thợ mộc chia sẻ.
Thực tế, ngành mộc hiện nay đang thiếu hụt về nguồn nhân lực, thợ mộc chủ yếu là những người có tuổi nghề lâu năm vì truyền thống cha ông nên mới ở lại với nghề. Do vậy, rất khó để thấy được một anh thợ mộc trẻ cặm cụi, mày mò với những thớ gỗ thô.
"Tôi cũng không mong làm được nhiều tiền hay được này kia đâu, mong sao anh em làm việc với nhau vui vẻ, thoải mái, cấp trên cấp dưới hòa thuận với nhau là nhất rồi. May mắn với tôi là gắn bó ở xưởng này (xưởng Nội Thất Mạnh Hệ) đã lâu mà chưa hề xích mích gì với anh em (cười)", người thợ mộc lớn tuổi nói thêm.
Ấy mới nói, công việc dù vất vả, nhọc nhằn đến bao nhiêu chỉ cần là việc mình thích, làm cùng với những người mình quý thì bao nhiêu khó khăn đều bỏ lại phía sau. Người thợ mộc cũng vậy, họ luôn dành tâm huyết của mình vào những thớ gỗ thô để tạo ra cái đẹp cho đời, cho người, cho mọi gia đình Việt.
Bình luận