• Zalo

Nghề làm 'vợ tạm' của du khách nuôi sống nhiều cô gái nghèo Indonesia

Chuyện bốn phươngThứ Sáu, 04/10/2024 11:25:15 +07:00Google News
(VTC News) -

Cahaya đã trải qua 15 lần làm "vợ tạm" của du khách nước ngoài; mỗi cuộc hôn nhân kiểu này đem lại cho cô 300-500 USD và chấm dứt khi "người chồng" trở về nước.

Puncak, vùng đất nằm ở phía Tây Indonesia, là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều vị khách đến từ Trung Đông. Tại khu nghỉ dưỡng trên núi Kota Bunga, nhiều khách du lịch nam được giới thiệu với phụ nữ địa phương để kết hôn tạm thời.

Khi cả hai bên đồng ý, họ sẽ tổ chức một buổi lễ cưới nhanh chóng, thân mật, sau đó người đàn ông trả cho cô gái tiền sính lễ như một khoản đền bù. Người vợ làm việc nhà và đáp ứng nhu cầu sinh lý của chồng. Khi nam du khách kết thúc chuyến đi và rời khỏi đất nước, cuộc hôn nhân sẽ chấm dứt.

Theo Los Angeles Times, những thỏa thuận tạm thời như vậy được gọi là "hôn nhân vui vẻ". Dịch vụ này đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Puncak, thúc đẩy du lịch và nền kinh tế địa phương. Thời gian đầu, các cô gái được giới thiệu với khách du lịch thông qua thành viên gia đình hoặc người quen. Hiện tại, họ được các công ty môi giới quản lý.

Budi Priana, một doanh nhân nhỏ người Indonesia, từng làm đầu bếp ở Ả Rập Xê Út, cho biết anh nghe nói đến "hôn nhân theo hợp đồng" lần đầu tiên cách đây ba thập kỷ, khi những vị khách du lịch Trung Đông mà anh dẫn đoàn nhờ tìm giúp "vợ tạm". Priana đã kiếm thêm tiền bằng cách kết nối khách du lịch với các cô dâu tiềm năng, bên cạnh việc lái xe, phiên dịch, điều hành quán cà phê và bán thịt viên đông lạnh.

Nhiều cô gái nghèo Indonesia trở thành "vợ tạm| của khách du lịch để kiếm tiền. (Ảnh: SCMP)

Nhiều cô gái nghèo Indonesia trở thành "vợ tạm| của khách du lịch để kiếm tiền. (Ảnh: SCMP)

Cahaya, người phụ nữ trở thành "vợ tạm" kể từ khi mới 17 tuổi, nói với tờ Los Angeles Times rằng, cô đã kết hôn hơn 15 lần và tất cả các ông chồng đều là khách du lịch Trung Đông.

Người chồng tạm đầu tiên của cô Cahaya là một du khách ngoài 50 tuổi đến từ Ả Rập Xê Út. Ông này đã trả 850 USD (khoảng 21 triệu đồng) tiền thách cưới. Tuy nhiên sau khi chi cho bên môi giới và người tổ chức hôn lễ, cô chỉ nhận về một nửa khoản tiền đó. Năm ngày sau đám cưới, người đàn ông trở về nước và họ đã ly hôn.

Cahaya tiết lộ, cô có thể kiếm được khoảng 300 - 500 USD (7,4 - 12 triệu đồng) cho mỗi cuộc hôn nhân. Số tiền này cô dùng để trả tiền thuê nhà và chăm sóc ông bà bị ốm.

Cahaya rất xấu hổ về công việc mình đang làm. Giải thích lý do vắng nhà lâu ngày, cô luôn nói với bạn bè và người thân rằng mình làm giúp việc và phải chuyển nhiều địa điểm khác nhau.

"Tôi thực sự muốn giúp đỡ mẹ và gia đình về mặt tài chính. Họ không biết gì về chuyện này cả", cô nói.

Một phụ nữ khác tên Nisa cho biết, cô đã kết hôn ít nhất 20 lần và đã cố gắng xoay xở để từ bỏ công việc này. Sau đó, cô gặp một người đàn ông Indonesia làm việc tại văn phòng nhập cư, cưới anh này cách đây 4 năm và có 2 con trai. Nisa nói rằng cô sẽ không bao giờ quay lại cuộc sống hôn nhân tạm thời như trước đây.

Du khách nam phải trả cho người phụ nữ một khoản tiền sính lễ xem như thù lao hôn nhân tạm thời. (Ảnh: Shutterstock)

Du khách nam phải trả cho người phụ nữ một khoản tiền sính lễ xem như thù lao hôn nhân tạm thời. (Ảnh: Shutterstock)

Yayan Sopyan, giáo sư dạy Luật gia đình Hồi giáo tại Đại học Nhà nước Hồi giáo Syarif Hidayatullah (Jakarta) cho biết, nhiều thị trấn ở Indonesia không có triển vọng phát triển kinh tế nên đã phổ biến dịch vụ hôn nhân tạm thời. “Chúng tôi thấy rằng hoạt động này đang mở rộng và du lịch theo hình thức này đang đáp ứng nhu cầu kinh tế", ông nói.

Những thỏa thuận hôn nhân như vậy được gọi là "nikah mut'ah" hay “hôn nhân vui vẻ” và được cho là một phần của văn hóa Hồi giáo Shia. Tuy nhiên, hầu hết các học giả, bao gồm nhiều người theo đạo Hồi dòng Shia, tuyên bố rằng tập tục này hoàn toàn không chấp nhận được.

Hôn nhân khoái lạc cũng không được luật pháp Indonesia công nhận vì nó trái ngược với mục đích cơ bản của hôn nhân là tạo nên mối quan hệ gia đình ổn định và lâu dài. Việc vi phạm luật hôn nhân của Indonesia có thể dẫn đến phạt tiền, phạt tù, gây hậu quả về mặt xã hội hoặc tôn giáo.

Nhật Thùy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn