• Zalo

Nghề giúp việc nhà sẽ trở thành ngành hot ở trường trung cấp, cao đẳng?

Diễn đànThứ Năm, 15/04/2021 11:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều trường trung cấp, cao đẳng bắt đầu mở ngành đào tạo chăm sóc gia đình, còn gọi là nghề giúp việc nhà và dự kiến sẽ trở thành ngành hot trong tương lai.

Hiện nay, nhiều trường trung cấp, cao đẳng bắt đầu mở mã ngành đào tạo dịch vụ chăm sóc gia đình. Nhiều người băn khoăn, ngành này đào tạo thế nào và sau khi ra trường họ làm công việc gì và được trả lương ra sao.

Nghề giúp việc học những gì?

Một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội mới đây mở ngành đào tạo dịch vụ chăm sóc gia đình. Theo lý giải của đại diện trường, điều này xuất phát từ nhu cầu của xã hội.

Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ có những kỹ năng như làm sạch nhà cửa và vật dụng gia đình, xây dựng thực đơn, sử dụng máy móc và vật dụng trong gia đình, chăm sóc, dạy dỗ, đưa đón trẻ nhỏ. Sau tốt nghiệp, người học có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau như dịch vụ chăm sóc gia đình, chăm sóc cơ sở dưỡng lão, mở các trung tâm cung cấp dịch vụ giúp việc…với mức lương cao, đãi ngộ tốt.

Vậy ngành chăm sóc gia đình sẽ đào tạo những gì? 

Nghề giúp việc nhà sẽ trở thành ngành hot ở trường trung cấp, cao đẳng? - 1

Nghề giúp việc trở thành ngành đào tạo hot trong các trường trung cấp, cao đẳng (Ảnh minh họa: N.V)

Năm 2009, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khung trình độ cho ngành chăm sóc gia đình. Đối với hệ trung cấp, ngành này có mã nghề 40760101, đối tượng tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tương đương. Chương trình học gồm 28 môn trong 60 tuần, được chia thành 2 nội dung là kỹ năng nghề nghiệp và chính trị, thể chất. 

Trong đó, ở phần kỹ năng nghề nghiệp, học viên sẽ được học 11 môn như dọn dẹp nhà cửa, phục vụ ăn, uống, chăm sóc trẻ nhỏ, người già, chăm sóc vườn cây, vật nuôi, sử dụng các thiết bị trong gia đình.

Ngành chăm sóc gia đình hệ cao đẳng có mã nghề 50760101, đối tượng tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tương đương. Chương trình học gồm 38 môn trong 108 tuần. Học viên sẽ được học 16 môn trong đó có 5 môn mới so với hệ trung cấp là kỹ năng tham vấn cho gia chủ, chăm sóc phục hồi chức năng cho người bệnh, phục vụ ăn, uống nâng cao, quản lý công việc cho gia đình.

Có cần học nghề giúp việc?

Chị Nguyễn Thị Hiền (42 tuổi, Hà Nội) cho biết, nghề giúp việc đang là công việc rất hút khách và có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên nghề này cũng phân chia từng phân khúc như giúp việc gia đình, chăm sóc trẻ nhỏ, chăm sóc người già

“Đa số mọi người vẫn nghĩ nghề giúp việc tức là dọn dẹp nhà cửa, đổ rác, nấu nướng…Nhưng thực tế công việc này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Chẳng hạn việc chăm sóc người mới ốm dậy, chăm sóc người già phải có chuyên môn trị liệu, phục hồi chức năng mới làm được, chứ không đơn thuần chỉ là lau mặt, thay bộ quần áo. Tôi nghĩ, trang bị kiến thức cho người giúp việc là điều cần làm. Nếu tôi còn trẻ, tôi sẽ đi học”, chị Hiền chia sẻ.

Chị Lê Thị Mai (30 tuổi, TP.HCM) đang làm giúp việc gia đình với mức lương 11 triệu đồng/tháng. Công việc của chị tương đối đơn giản nên chị cảm thấy không cần thiết phải bỏ thời gian, tiền bạc đi học ngành chăm sóc gia đình trong khi mức lương học viên ra trường chưa chắc cao hơn mức lương hiện giờ của chị.

“Nếu tôi bỏ thời gian đi học ngành này, liệu ra trường có kiếm được 15 triệu đồng/tháng hay không? Nếu đơn thuần chỉ là giúp việc gia đình như nấu cơm, rửa bát, dọn nhà thì cá nhân tôi sẽ không mất thời gian, tiền bạc để đi học”, chị Mai nói.

Nghề giúp việc nhà sẽ trở thành ngành hot ở trường trung cấp, cao đẳng? - 2

Nhiều người ủng hộ việc đào tạo ngành chăm sóc gia đình. (Ảnh minh họa)

Ông Lê Văn Tiệp, phòng hỗ trợ dịch vụ việc làm, trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cho rằng, nghề giúp việc gia đình cần được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chương trình thống nhất… Việc xây dựng chương trình đào tạo bài bản, đưa hoạt động giúp việc gia đình hướng đến sự chuyên nghiệp, hiệu quả cũng đang là băn khoăn, trăn trở của nhiều ngành chức năng.

“Trung bình mỗi tháng, số lượng đăng ký tại trung tâm lên đến hàng nghìn người nhưng có một tỷ lệ lớn nhân sự chưa qua đào tạo, có tâm lý nhảy việc. Vì thế việc đào tạo kỹ năng, chuyên môn cho người giúp việc thực sự cần thiết”, ông Tiệp nói.

VŨ NINH
Bình luận
vtcnews.vn