Mưa lớn gây vỡ và rò rỉ một số đập thủy điện cộng với các hồ đập xả lũ làm nhiều địa phương tại Nghệ An ngập chìm trong nước lũ.
Trên địa bàn Nghệ An, liên tục mưa lớn từ ngày 15-17/10 gây vỡ và rò rỉ một số đập thủy lợi, cộng với các hồ đập xả lũ đã gây ngập úng tại nhiều địa phương.
Mưa lũ làm 1 người chết; nhiều xã ngập chìm trong biển nước; hàng ngàn ha cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản bị cuốn trôi...
Ngập khắp nơi
Sau trận mưa lớn vào chiều tối 16/10, trên địa bàn xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương), hồ Cồn Đẻn và đập Phốp (trữ 18.000m3 nước) đều bị vỡ. Cộng thêm 6 hồ đập lớn trên địa bàn huyện này bị tràn bờ đã gây ngập lụt cục bộ, gây lũ quét khiến hàng trăm hộ dân các xóm Xuân Trung và Xuân Ngọc bị ngập sâu, có nơi ngập hơn 2m. Hàng trăm gia súc, gia cầm cùng nhiều tài sản của dân bị lũ cuốn trôi.
Bà Nguyễn Thị Vân ở xóm Xuân Trung than thở: “Nước lũ đổ về quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp. Lúa và tài sản của hàng trăm tiểu thương ở chợ Đàng cũng bị ngập nước hư hỏng hết”.
Đến chiều 17/10, nhiều nhà dân ở huyện Yên Thành vẫn bị ngập nặng, nhiều tài sản hư hại. |
Ông Nguyễn Sĩ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Đập Đồn Húng có dung tích chứa 3,7 triệu m3 nước. Mặc dù đã nhiều lần được nâng cấp tu bổ, nhưng trước tình hình mưa lũ sau các cơn bão số 8 và số 10 vừa qua, hiện tại lượng nước trong lòng hồ đã lên mức báo động 1, phải xả tràn. Đặc biệt ở phía mái đập thượng lưu đã xuất hiện sụt lún thân đập với chiều dài 40m. Mưa lớn 2 ngày qua làm mực nước dâng cao nguy cơ vỡ thân đập, nên sáng 17/10 chúng tôi đã cho nổ mìn hạ tràn và dùng máy đào múc để xả lũ”.
Trước tình hình này, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, đến sáng 17/10, huyện Yên Thành đã tiến hành di dời 300 hộ ở hạ lưu đập hồ Đồn Húng, hồ Kẻ Sặt 50 hộ và hồ Nhà Trò 270 hộ.
Do mưa lớn, tràn đập và các đập xả lũ nên vùng hạ du ở các xã như Khánh Thành, Long Thành chìm trong biển nước. Ông Lê Công Đẩu - Chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết: Xã có 17 xóm với 2.500 hộ dân bị cô lập. Hơn 1.000 nhà dân bị ngập, chưa thể thống kê hết số gia súc , gia cầm và tài sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Trường tiểu học, THCS, trạm y tế, trụ sở uỷ ban đều bị ngập nước, nhiều máy móc, trang thiết bị hư hỏng”.
Chủ động xả lũ
Từ chiều 14-16/10, hồ Sông Sào (hệ thống đầu mối trên địa bàn xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn) đã chủ động xả lũ khiến hàng trăm hộ dân và hàng ngàn ha lúa, rau màu của các địa phương như Nghĩa Bình, Nghĩa Trung, Nghĩa Mỹ (Nghĩa Đàn) và Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa) bị ngập sâu.
Lượng mưa lớn, kéo dài cộng với việc hồ thủy điện Bản Vẽ xả lũ với tổng lưu lượng từ 300-1.000m3/s đã khiến nước sông Lam lên rất nhanh, gây ngập úng ở nhiều vùng thấp, trũng của các huyện Thanh Chương, Nam Đàn và các xã ngoài đê của huyện Hưng Nguyên. Hiện nay, nước lũ trên các sông vẫn đang tiếp tục dâng cao.
Mưa lũ cũng đã làm ngập hàng chục tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, gây chia cắt, ách tắc giao thông. Ở Km16+400 - Km18+100 Quốc lộ 7 ngập sâu hơn nửa mét; tại Km25+300, Tỉnh lộ 544 (xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu) sạt lở taluy dương dài 10m, rộng 5m, đất đá tràn lên mặt đường gây ách tắc giao thông...
Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho hay: “Hai hồ lớn của tỉnh là Vực Mấu và sông Sào đều đã tiến hành xả lũ trước. Đối với các công trình khác, Chi cục đã cắt cử lực lượng túc trực 24/24 giờ”.
Bình luận