Đạt kết quả ấn tượng này, BHXH tỉnh Nghệ An đã có nhiều cách làm, kinh nghiệm, sáng kiến hay trong việc thực hiện hiệu quả công tác thông tin, truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo đó, BHXH từ tỉnh đã tăng cường công tác tham mưu với chính quyền địa phương; phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng chú trọng vai trò của cấp ủy chính quyền xã, phường, thị trấn trong quá trình triển khai chính sách tại địa phương như: Giao chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện; đề nghị chính quyền địa phương báo cáo kết quả số người tham gia BHXH tự nguyện theo các thời điểm; phối hợp, chủ trì tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tận dụng lợi thế, thế mạnh của các ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền: Tập hợp, quy tụ hội viên tham dự các hoạt động; lồng ghép phát triển BHXH tự nguyện qua các mô hình có sẵn của hội; lựa chọn cán bộ các ngành làm nhân viên đại lý thu, cộng tác viên tuyên truyền; phối hợp tuyên truyền đưa hội viên cấp cơ sở tham gia BHXH tự nguyện.
BHXH từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền; chủ động trong tất cả các hoạt động thông tin, truyền thông tại địa phương; lãnh đạo BHXH các huyện phải tham gia chủ trì, tư vấn giải đáp trực tiếp tại các hội nghị tuyên truyền, phát triển đối tượng; cán bộ BHXH luôn luôn đồng hành, hỗ trợ nhân viên đại lý thu trong quá trình tuyên truyền tại cơ sở.
BHXH tỉnh đã tập trung đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông, chú trọng hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực tiếp; linh hoạt trong phương thức tiếp cận người dân: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền ngay tại khối xóm, bản, làng; thời gian tổ chức Hội nghị linh hoạt, phù hợp với tập quán, thói quen của người dân; nội dung, ngôn ngữ tuyên truyền chuyển thể từ ngôn ngữ chuyên ngành khó hiểu sang ngôn ngữ dân dã, đời thường.
BHXH tỉnh luôn tận dụng tối đa cơ hội để tiếp cận với từng nhóm đối tượng tiềm năng với cách thức tuyên truyền, vận động phù hợp như: với nhóm lao động là nông dân, tiểu thương: Tổ chức hội nghị, tuyên truyền trực tiếp ngay tại nhà, nơi người lao động đang làm việc. Với nhóm người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp: Tuyên truyền ngay tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Với nhóm lao động đã nghỉ việc, về sinh sống tại địa phương: Mời tham dự Hội nghị, tư vấn trực tiếp tại nhà và tư vấn ngay tại bộ phận “một cửa” nơi người lao động đăng ký hưởng BHXH 1 lần.
Bên cạnh đó, thời gian qua, BHXH tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh việc sử dụng kênh truyền thông trên mạng xã hội về BHXH, BHYT mang lại những hiệu quả tích cực, đặc biệt là việc tiếp cận với tầng lớp người dân, lao động trẻ tuổi.
Bình luận